Ông Nam nhận định, con số 2 nghìn tài khoản mới mỗi tháng chưa phải đột biến so với đỉnh cao của thị trường chứng khoán năm 2007, nhưng rõ ràng thị trường có biến chuyển tốt hơn, sôi động và thanh khoản ở mức cao, qua đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.
Tuy nhiên, việc mở thêm tài khoản không đồng nghĩa với việc tăng lượng cầu. Nếu nói, lực cầu tăng mạnh đủ để hấp thụ lượng cung ồ ạt những phiên vừa qua đến từ nhà đầu tư mới là không hoàn toàn đúng. Ông Nam chia sẻ, bộ phận nhà đầu tư mới đã đóng góp vào tính thanh khoản của thị trường, nhưng trong đó còn phải kể đến lực lượng vốn "nằm gai nếm mật", với những kinh nghiệm có được họ đã đón đầu cơ hội trong những phiên vừa qua.
Ông Nguyễn Ngọc Thức, Trưởng phòng môi giới công ty chứng khoán Gia Quyền cho hay, trong một tháng trở lại đây trung bình một ngày có khoảng 20 khách hàng mới đến mở tài khoản giao dịch, hầu như là các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới hiện nay chiếm tỷ trọng giá trị giao dịch không lớn lắm, trung bình một khách hàng đầu tư 200 triệu trên một tài khoản. Ông Thức cũng cho biết thêm, đây chủ yếu là tiền nhàn rỗi, không phải tiền vay, nên không có áp lực bán tháo, do đó dù có những phiên thị trường quay đầu nhưng tổng giá trị giao dịch vẫn đạt mức cao. Số lượng khách hàng ở công ty đến thời điểm này trên 2 nghìn tài khoản.
Tính từ đầu năm đến nay, Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cũng đã gia tăng gấp đôi số lượng tài khoản so với thời điểm cuối năm 2007.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn ở quận 3 chia sẻ, tiềm năng tăng trưởng của thị trường còn rất lớn. Ví dụ, tổng số lượng tài khoản năm 2007 vào khoảng 350 nghìn, nhưng thực chất chỉ tròm trèm 100 nghìn nhà đầu tư thực sự tham gia, so với dân số hơn 10 triệu dân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Do đó, thị trường đang hồi phục trở lại, thanh khoản được cải thiện, giá cổ phiếu ở mức hợp lý cộng với những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư mới gia nhập vào thị trường, đó có thể là cá nhân trong và ngoài nước, hoặc công ty quản lý quỹ.
Thành viên Hội đồng quản trị một công ty chứng khoán khác lại khẳng định, lực cầu lớn trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ những nhà đầu tư cũ. Những người này thường có sự phân bổ danh mục đầu tư, một phần để lướt sóng, phần dành cho hướng lâu dài, phần còn lại phụ thuộc vào tình hình thị trường mà quyết định tung ra hay gom vào và đây có thể là tác nhân chính thúc đẩy giao dịch của Vn-Index tăng đột biến trong thời gian qua.
Bởi lẽ, một nhà đầu tư mới phải có nguồn tiền sẵn và lao vào ngay khi thị trường xả hàng ào ạt. Chưa kể, họ phải cân nhắc thật kỹ giữa các kênh đầu tư cũng như xác định xu thế thị trường, mua vào lúc này đã thích hợp chưa... Đáp ứng những yêu cầu này thường chỉ có những nhà đầu tư cũ, họ đã có kinh nghiệm trong nhận định thị trường, tìm hiểu công ty, chọn mua cổ phiếu nào..., và nhận thấy dấu hiệu thị trường đi xuống là chớp cơ hội mua vào, những người mới tham gia sẽ khó có sự nắm bắt này.
Giao dịch trên cả hai sàn trong 10 phiên trở lại đây có sự gia tăng đột biến. Cụ thể, trên sàn HOSE bình quân có 27,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ được giao dịch ở cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận, tương ứng 1,14 nghìn tỷ đồng. Còn trên sàn Hà Nội là 13 triệu chứng khoán mỗi phiên, đạt giá trị 625 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng khối lượng giao dịch của Vn-Index ngày 28/8 suýt phá mức kỷ lục trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, với 37 triệu chứng khoán, đạt giá trị 1,6 nghìn tỷ đồng.
Nếu so với điểm đáy 366,02 điểm vào ngày 20/6 thì đến nay Vn-Index đã tăng hơn 50%. Nhận thấy sự hồi phục trở lại của thị trường, các công ty chứng khoán khôi phục phí giao dịch, tái xuất repo và ngân hàng rục rịch cho vay cầm cố chứng khoán.
Theo VnExpress