Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu vấn đề Biển Đông tại APEC

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại một Hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn APEC. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự phiên đối thoại Hội nghị các CEO trong khuôn khổ diễn đàn APEC tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc hôm 10/11. Ảnh: Reuters.

"Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Biển Đông", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm qua phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể thứ hai về "Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế" trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay tại phiên thảo luận, các lãnh đạo nhấn mạnh triển vọng về sự thịnh vượng chung của APEC sẽ phụ thuộc vào phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng ở khu vực và châu Á - Thái Bình Dương đang ở giai đoạn then chốt của quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế. Các lãnh đạo khẳng định ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và nâng cấp ngành truyền thống, khai thác những tiềm năng tăng trưởng kinh tế mới cam kết đẩy nhanh tốc độ cải cách và sáng tạo, và cùng nỗ lực nâng cao vị thế của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn nhấn mạnh, trong bối cảnh hệ lụy của khủng hoảng tài chính còn tác động sâu sắc, phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, phát triển sáng tạo và cải cách cần gắn với nỗ lực phát triển bền vững, giảm khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.

Ông khẳng định Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ "Lộ trình an ninh lương thực của APEC đến 2020", vì an ninh lương thực là một trong những thách thức của nhân loại trong thế kỷ 21. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị cần coi trọng thỏa đáng mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trao đổi và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái, và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại cho các sản phẩm lương thực nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân.

Chủ tịch nước cho rằng, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước khẳng định với quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, Việt Nam đang triển khai mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.

APEC hôm qua đã thông qua hai tuyên bố của các nhà lãnh đạo về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, cùng 4 văn kiện kèm theo.

Như Tâm


Giày Đại Phát solution
Số người online:
20314
Số người truy cập:
9061285