Ngoài gói 8 giải pháp điều hành kinh tế được Thủ tướng công bố mới đây, Chính phủ cũng đề ra 4 yêu cầu với các địa phương nhằm phối hợp kiềm chế lạm phát. Theo đó, tới đây các địa phương sẽ cắt giảm 10% chi tiêu hành chính của các cơ quan Nhà nước. Từng địa phương cũng sẽ rà soát danh mục đầu tư bằng vốn Nhà nước, loại bỏ các dự án kém hiệu quả và giãn tiến độ các dự án chưa cần thiết.
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện cho sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt các mặt hàng có nguyên liệu từ nông, lâm, thủy sản và sử dụng nhiều lao động. Cùng với đó là đảm bảo nguồn hàng và quản lý thị trường, giá cả các nguyên nhiên liệu cho sản xuất và hàng thiết yếu cho đời sống người dân.
Hôm nay là ngày thứ hai Chính phủ họp rộng rãi với các ngành và địa phương về các biện pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Hôm qua, Thủ tướng cũng đã bàn thảo với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Cắt giảm tiêu dùng không cần thiết là một trong những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát. Ảnh: Hoàng Hà |
Phát biểu trước lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu đối với Chính phủ và các địa phương hiện nay. Tới đây có thể Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP xuống mức 6,5-7%, thay vì 8,5-9% như kế hoạch đầu năm.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, ngoài việc kiềm chế lạm phát, việc quan trọng hiện nay cũng là tháo gỡ những khó khăn đối với sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, mối quan tâm hiện nay là lãi suất cho vay của ngân hàng cao thì sản xuất sẽ ngừng trệ. "Chúng ta cũng không nên quá ám ảnh về mức tăng trưởng tín dụng 30%", người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho hay, việc cắt giảm đầu tư công được đưa ra mới đây để ổn định kinh tế vĩ mô không có nghĩa cắt giảm ngân sách của các dự án đã được phê duyệt. Thay vào đó, vốn đầu tư cho các dự án đang thực hiện sẽ không được bù lạm phát hay tăng vốn, mà các đơn vị thực hiện cần rà soát các công trình để dồn vốn cho các dự án hiệu quả và dừng các dự án chưa bức thiết. Người đứng đầu Chính phủ cũng một lần nữa kêu gọi người dân tiết kiệm chi tiêu và năng lượng nhằm cùng các ngành sớm ổn định kinh tế vĩ mô.
Lãnh đạo các địa phương đều bày tỏ đồng thuận với Chính phủ về các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, một vài người cũng lo ngại, dốc sức cho chống lạm phát có thể làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, tăng cường các biện pháp kiềm chế tăng giá có thể làm một số nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Ông lấy dẫn chứng, tại một vài dự án ở miền trung, nhà đầu tư nước ngoài đã cân nhắc hơn trước khi quyết định rót vốn. Trong quý I năm nay, Thừa Thiên - Huế đứng thứ ba cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với lượng vốn chiếm 11,8% trong 5,4 tỷ USD vào Việt Nam.
Cũng theo ông này, kinh tế Việt Nam mới tăng trưởng nhanh trong một vài năm gần đây, nếu để tốc độ tăng trưởng rơi mạnh, kinh tế sẽ rất khó phục hồi đà như trước.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các ngành cần chủ động hơn và có các biện pháp quyết liệt để chống lạm phát. "Nếu không kiềm chế được tăng giá, có thể chúng ta sẽ mất đi thành quả tăng trưởng trong nhiều năm qua", ông này nhấn mạnh.
Lãnh đạo địa phương có dân số đông thứ hai cả nước cũng nhận xét, đến nay người dân vẫn chưa thực sự vào cuộc với các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp để chống lạm phát. "Họ mới chỉ lo lắng là chủ yếu, và chờ đợi những biện pháp của Chính phủ", ông cho hay.
Theo VnExpress