Đây là một nội dung của Dự thảo Quy chế góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Tài chính mới trình Chính phủ để lấy ý kiến người dân.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước phát hành cổ phiếu lần đầu, tỷ lệ cổ phần khối ngoại được mua không vượt quá 30% vốn điều lệ. Với trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ do phương án của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài các trường hợp này, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế.
Theo quy định của Dự thảo, trong trường hợp đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng lượng ngoại tệ lớn sẽ phải có sự chấp thuận của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà
Theo quy định của Dự thảo, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty đại chúng theo tỷ lệ quy định về chứng khoán. Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề thuộc pháp luật chuyên ngành, tỷ lệ sẽ được pháp lệnh chuyên ngành quy định.
Những quy định này áp dụng với tất cả doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hay chuyển đổi hình thức sở hữu, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp niêm yết là 49%, riêng với các ngân hàng là 30%.
Với các giao dịch mua cổ phần hay góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sử dụng tiền đồng. Khối ngoại phải quy đổi tiền đồng theo tỷ giá do Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) công bố tại thời điểm góp vốn hay mua cổ phần. Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu nhà đầu tư nước ngoài sử dụng ngoại tệ khối lượng lớn, việc mua cổ phần cần có sự chấp thuận của Thủ tướng.
Trường hợp khối ngoại góp vốn, mua cổ phần không bằng tiền đồng hay ngoại tệ tự do chuyển đổi, mà bằng tài sản hợp pháp khác, tài sản góp vốn sẽ do các tổ chức độc lập định giá và phải được các thành viên, cổ đông sáng lập của doanh nghiệp chấp thuận. Cũng theo Dự thảo, việc mua bán chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán được thực hiện bằng tiền đồng.
Dự thảo cũng đưa ra quy định mới, theo đó nhà đầu tư nước ngoài được mua lại phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên mới của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Khối ngoại cũng có thể mua lại toàn bộ vốn điều lệ của chủ sở hữu trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để trở thành chủ sở hữu mới.
Với công ty hợp danh, nhà đầu tư nước ngoài được mua lại phần vốn góp của thành viên, hoặc góp vốn vào công ty để trở thành thành viên góp vốn mới. Khối ngoại cũng có thể mua lại một phần vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân, hoặc góp vốn để chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Khi sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được cầm cố cổ phiếu trong quan hệ tín dụng, giao dịch trên thị trường chứng khoán khi công ty đã niêm yết.
Cũng theo Dự thảo, khối ngoại được chuyển đổi ra ngoại tệ các khoản vốn đầu tư, gồm cả gốc và lãi, cũng như tiền bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, các khoản tiền và tài sản hợp pháp khác để chuyển ra nước ngoài, sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính.