Chiến thắng của Triều Tiên khi Trump nhận lời gặp Kim Jong-un

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: KCNA/Reutes.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: KCNA/Reutes.

Chung Eui-yong, đặc phái viên Hàn Quốc, ngày 8/3 công bố tại Washington rằng Tổng thống Mỹ Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 5. Phát ngôn Nhà Trắng xác nhận Trump đã chấp nhận lời mời gặp mặt với thời gian và địa điểm được quyết định sau.

Chuyên gia địa chính trị Ankit Panda viết trên Daily Beast rằng trong hơn hai thập niên qua, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tìm cách đối thoại với tổng thống Mỹ về tương lai bán đảo nhưng không tổng thống nào nhận lời. Jimmy Carter và Bill Clinton đều từng đến Triều Tiên, nhưng là sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Mỹ có lý do để từ chối gặp lãnh đạo Triều Tiên. Hai nước có lịch sử thù địch và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Bình Nhưỡng không chỉ thường xuyên đe dọa về chiến tranh hạt nhân mà còn từng rút lui khỏi nhiều nỗ lực ngoại giao.

"Đối với ông Kim, cuộc gặp với ông Trump sẽ là chiến thắng tuyên truyền lớn", Panda nhận xét. Ông cho rằng Trump rất khó có thể đạt được mục đích là phi hạt nhân hóa vĩnh viễn bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, ông Kim có cơ hội có một bức ảnh chụp chung với tổng thống Mỹ, cho thấy họ được Washington đối xử ngang bằng. Hơn nữa, với những tiến bộ lớn trong chương trình vũ khí, Triều Tiên giờ có đòn bẩy lớn khi đối thoại.

"Việc đóng băng các thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong hai tháng tới là cái giá tương đối nhỏ cho Triều Tiên để đổi lấy lợi ích từ một cuộc họp với Trump", Panda nói thêm.

Việc Trump nhận lời mời gặp Kim Jong-un có thể quá nóng vội. Thay vì ngay lập tức gặp thượng đỉnh, hai bên có thể bắt đầu ở một mức thấp hơn, bằng việc Trump cử đặc phái viên đến Triều Tiên. Có rất nhiều vấn đề quan trọng ở cấp thấp để hai bên bàn bạc, bao gồm liên lạc quân sự.

Mỹ đang thiếu những người có chuyên môn về bán đảo Triều Tiên ở cấp cao, đặc biệt là sau khi Joseph Yun, một trong những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm nhất về Triều Tiên, đã xin nghỉ hưu vào tuần trước và vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc vẫn bỏ trống.

Trump sẽ phải thận trọng khi gặp ông Kim. Tổng thống Mỹ phải nắm được ý đồ của Triều Tiên và không để mắc bẫy. Chiến lược dài hạn của Triều Tiên vốn là chia tách liên minh Mỹ - Hàn. Khi vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã tỏ ra quan tâm đến việc đối thoại với ông Kim hơn là củng cố liên minh với Hàn Quốc vì ông liên tục phàn nàn về chi phí duy trì hiện diện quân sự tại nước này. Lối suy nghĩ đó vẫn còn trong Trump và Triều Tiên có thể muốn khai thác điều này.

Panda chỉ ra rằng thật lạ lùng khi người công bố việc Trump sẵn sàng gặp Kim Jong-un vào tháng 5 lại là đặc phái viên Hàn Quốc Chung Eui-yong. Không quan chức Mỹ nào đứng cạnh ông khi ông đưa ra tuyên bố lịch sử.

Rõ ràng chính quyền Tổng thống Hàn Moon Jae-in đã dẫn đầu những nỗ lực ngoại giao để làm cầu nối cho Mỹ - Triều. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo cho Hàn Quốc hiện giờ là Triều Tiên có thể chối bỏ những thông báo của Hàn Quốc. Những cam kết mà Hàn Quốc nói Triều Tiên sẽ thực hiện bao gồm sẵn sàng thảo luận về phi hạt nhân hoá, đóng băng thử vũ khí và chấp nhận cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vẫn chưa xuất hiện trên truyền thông nhà nước Triều Tiên. Panda cho rằng ông Moon có rủi ro bị bẽ mặt nếu Triều Tiên đổi giọng, bác bỏ những thông tin này.

Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến chính sách Triều Tiên, kêu gọi các bên thận trọng trước Bình Nhưỡng. "Dựa trên những điều chúng ta biết về các hành vi trước đây của Triều Tiên, chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều. Con đường phía trước còn rất dài và phức tạp".

Trong khi đó, Jon Wolfsthal, từng là trợ lý đặc biệt cho Obama về kiểm soát vũ khí và phi hạt nhân hóa, nói: "Mỹ phải xúc tiến cuộc gặp này. Hoài nghi là tốt nhưng cơ hội này quá tốt để không bị bỏ qua".

Phương Vũ


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24886
Số người truy cập:
9064773