Chiến sự Ukraine nguy cơ rút kiệt kho khí tài phương Tây

Dòng vũ khí, phương tiện quân sự và đạn dược mà Mỹ và các đồng minh châu Âu đổ vào Ukraine giúp quân đội nước này có để đương đầu với Nga. Giới chuyên gia phương Tây nhận định Ukraine phụ thuộc vào nguồn cung ổn định khí tài từ bên ngoài để duy trì năng lực kháng cự.

Tuy nhiên, phương Tây đang đối mặt với vấn đề ngày càng lớn, đe dọa tính ổn định của dòng chảy vũ khí tới Ukraine. Phần lớn vũ khí họ viện trợ cho Kiev được rút ra từ các kho dự trữ sẵn sàng chiến đấu hoặc cơ sở niêm cất. Sau hơn 6 tháng giao tranh khốc liệt ở Ukraine, nguồn dự trữ trong các kho chiến lược này cạn dần.

Wall Street Journal hồi đầu tuần trước đưa tin phần lớn viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine "đến trực tiếp từ nguồn dự trữ của Mỹ, làm cạn kho vũ khí vốn được xây dựng để ứng phó các mối đe dọa bất ngờ với Washington".

Một quan chức quốc phòng Mỹ nhận định lượng đạn pháo 155 mm trong kho "thấp một cách khó chịu" sau khi nước này cung cấp 860.000 viên đạn cho Ukraine.

Binh sĩ Ukraine triển khai lựu pháo M777 tại vùng Donbass ngày 18/7. Ảnh: Reuters.

Chính phủ, quân đội và cơ quan tài chính của các nước thành viên NATO đang tranh luận về số lượng vật tư họ muốn cung cấp cho Ukraine, cũng như tác động đi kèm khi kho dự trữ cạn kiệt.

Trevor Taylor, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định thách thức lớn nhất với những nước phương Tây ủng hộ Ukraine là ký hợp đồng mới với các nhà thầu quốc phòng để bổ sung nguồn cung, đặc biệt sau khi Ukraine bắt đầu mở chiến dịch phản công diện rộng để tái kiểm soát nhiều khu vực.

"Các đợt tiến công đòi hỏi nhiều đạn dược và khí tài hơn so với giai đoạn phòng thủ", chuyên gia Taylor cho biết và nhận định hai yếu tố quan trọng để duy trì đà tiến công là tốc độ tiêu thụ đạn dược của các đơn vị và khả năng bổ sung, tiếp tế nguồn lực cho họ.

Theo ước tính của RUSI, các trung đoàn pháo binh Ukraine mỗi ngày bắn khoảng 6.000 quả đạn. Tuy nhiên, ngay cả loại đạn pháo đơn giản nhất cũng mất nhiều thời gian để chế tạo. Vũ khí càng tinh vi, thời gian chờ đợi càng lâu, khiến quá trình lập kế hoạch đối phó khủng hoảng nguồn cung càng trở nên quan trọng.

Nicholas Drummond, cựu sĩ quan lục quân Anh và chuyên gia công nghiệp quốc phòng, đánh giá vấn đề nguồn cung nằm ở các chính trị gia và chỉ huy quân sự vốn áp dụng tư duy hòa bình hậu Chiến tranh Lạnh quá lâu.

"Chiến sự Nga - Ukraine làm lộ rõ nhiều năm thiếu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là kho đạn phục vụ tác chiến", ông Drummond nói. "Nhiều người nhận định rằng chiến sự sẽ không nhanh chóng kết thúc và tệ hơn là nếu Nga leo thang, quân đội NATO có thể phải vào cuộc. Do đó chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều để xây dựng kho vũ khí viện trợ và dự phòng của mình".

Binh sĩ Ukraine vận hành một khẩu pháo CAESAR do Pháp chuyển giao. Ảnh: BQP Ukraine.

Các kho vũ khí dự trữ của Mỹ cạn dần khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy sản xuất tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, nhằm tái cung cấp cho quân đội Mỹ và có thể sẽ chuyển những loại vũ khí này cho Ukraine.

Khởi động lại tiến trình sản xuất đạn pháo ở Mỹ nhanh hơn so với các loại vũ khí phức tạp như rocket và tên lửa, song có thể mất tới 18 tháng từ khi đặt hàng tới khi bàn giao. Trong khi đó, các công ty vũ khí Anh có thể mất tới hai năm để khởi động lại dây chuyền sản xuất, tùy thuộc vào độ phức tạp của vũ khí.

Chuyên gia Taylor của RUSI đánh giá trong thời Chiến tranh Lạnh, quân đội các nước NATO có kho đạn dự trữ đủ phục vụ chiến đấu trong ba tuần. Với kịch bản vũ khí hạt nhân được sử dụng sau chưa đầy ba tuần xung đột tổng lực, chuỗi cung ứng quốc phòng của nhiều quốc gia thành viên NATO, trong đó có Anh, được thu hẹp để phù hợp với đánh giá trên.

Ông Taylor nhận định bất chấp hệ thống dự trữ thiếu chiều sâu, Anh tới nay đã cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự trị giá 2,64 tỷ USD, trong đó có 5.000 Vũ khí Chống tăng Hạng nhẹ Thế hệ mới (NLAW), 400.000 viên đạn súng trường cùng pháo tự hành M109, tên lửa chống tăng Javelin, mũ bảo hiểm, giáp chống đạn, thiết giáp hạng nhẹ Wolfhound và Husky.

Tuy nhiên, các loại khí tài đa dạng mà phương Tây chuyển cho Ukraine đang gây ra nhiều vấn đề về huấn luyện, bảo dưỡng và tiếp tế. Trong báo cáo hồi tháng 7, RUSI cho biết khó khăn trong viện trợ quân sự cho Ukraine là "các vũ khí NATO không được tiêu chuẩn hóa cao, pháo từ nhiều nước có yêu cầu bảo dưỡng hoàn toàn khác biệt, cũng như sử dụng liều phóng, kíp nổ và thậm chí loại đạn khác nhau".

"Cách tiếp cận hiện tại của các nước là viện trợ riêng lẻ từng khẩu đội pháo, nhưng nó nhanh chóng biến thành cơn ác mộng hậu cần cho lực lượng vũ trang Ukraine, khi mỗi khẩu đội lại đòi hỏi quy trình đào tạo, bảo trì và hậu cần riêng biệt", báo cáo của RUSI có đoạn.

Trong khi đó, quân đội Nga có kho đạn đủ để sử dụng trong vài năm, theo ước tính của RUSI. Lực lượng Nga mỗi ngày bắn tới 20.000 quả đạn, gấp hơn ba lần so với Ukraine. Nga còn sử dụng máy bay không người lái (UAV) và gây nhiễu radar, giúp tăng hiệu quả các đợt tập kích vào vị trí của quân đội Ukraine.

Pháo phản lực HIMARS của Ukraine di chuyển trên một tuyến đường ở tỉnh Zaporizhzhia trong ảnh công bố ngày 4/7. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia Drummond nhận định tình trạng chậm bàn giao các mặt hàng như chip và bộ phận điều khiển ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất vũ khí công nghệ cao mà phương Tây chuyển cho Ukraine, đặc biệt là rocket M31 cho Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS).

Ukraine đã nhận 16 tổ hợp HIMARS cùng một số Pháo phản lực Phóng loạt (MRLS) và dùng chúng để tập kích vị trí quân Nga, gây ra nhiều thiệt hại. Nga đang tìm cách săn lùng để phá hủy các loại vũ khí này cũng như kho đạn đi kèm.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng chuỗi cung ứng vũ khí của phương Tây cho Ukraine gần đây ổn định hơn, song các chiến dịch phản công như của Ukraine tại tỉnh Kherson có thể bộc lộ những điểm tắc nghẽn trong dòng chảy vũ khí từ phương Tây, có thể tác động đáng kể tới tình hình chiến sự.

Nguyễn Tiến (Theo Telegraph)

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
119048
Số người truy cập:
7611227