Chênh lệch mức tăng lương tối thiểu và lương thực tế

 Trước phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến diễn ra vào tuần tới, ILO tại Việt Nam đã gửi báo cáo Tổng thuật về lương tối thiểu khu vực ASEAN trong khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao tới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Tổ chức này chỉ rõ lương tối thiểu danh nghĩa do Chính phủ quy định, còn lương thực tế có tính đến tác động của lạm phát và sức mua. Giai đoạn 2015-2022, Việt Nam điều chỉnh lương tối thiểu với quỹ đạo đi lên, từ 119 USD tháng 12/2015 lên 168 USD vào tháng 12/2022. Lần gần nhất điều chỉnh ngày 1/7/2022 với mức trung bình 6% sau hai năm rưỡi trì hoãn vì đại dịch Covid-19.

Song lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều. ILO thống kê thời kỳ 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 -2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.

ILO khuyến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lương tối thiểu theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của việc tăng lương cho người lao động, đo lường nhu cầu của họ và gia đình để thúc đẩy công bằng xã hội. Song điều chỉnh lương cũng cần dựa vào số liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động.

Giờ vào ca của lao động doanh nghiệp may Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc Thành

Khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 của Công đoàn Việt Nam cho thấy thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Công đoàn Việt Nam kiến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm khởi động lại đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 để nếu không kịp vào đầu năm 2024 thì vẫn cùng lúc với cải cách tiền lương khu vực nhà nước áp dụng từ tháng 7/2024.

Từ năm 2025, tiền lương khu vực công dự kiến tăng bình quân 7% mỗi năm. Phía Công đoàn Việt Nam cho rằng tỷ lệ điều chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp thấp nhất cũng nên xấp xỉ mức này. Bởi ngoài bù trượt giá cần tính nhiều yếu tố khác sau gần hai năm chưa điều chỉnh.

Công đoàn đồng thời kiến nghị Tổng cục Thống kê sớm công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ để các bên đàm phán mức tăng. Bởi Nghị quyết 27 đã quy định "cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hàng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu, khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương". Song sau 5 năm, cơ quan này vẫn chưa công bố.

Hội đồng Tiền lương quốc gia trong mỗi phiên đàm phán vẫn phải căn cứ vào tính toán của bộ phận kỹ thuật. Theo đó, mức sống tối thiểu một tháng của lao động gồm chi phí dành cho lương thực, thực phẩm chiếm 48% và phi lương thực, thực phẩm chiếm 52%. Chi phí nuôi con bằng 70% của người lớn.

Công đoàn Việt Nam cho rằng cách tính này chỉ mang tính ước lượng bởi đời sống phát triển thì cần tăng chi phí cho nhóm phi lương thực và giảm phần chi phí lương thực. Nếu giữ nguyên cách tính này, mức tăng mỗi kỳ điều chỉnh gần như chỉ bù trượt giá, tiền lương thực tế lao động nhận thêm không nhiều.

Hồng Chiêu


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8541
Số người truy cập:
9251624