- Cảm giác của ông khi về nước?
- Khi máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), tôi cảm thấy vô cùng vui vẻ và thoải mái. Một trận mưa mang đến sự mát mẻ cho toàn thành phố, như gội sạch mọi nỗi muộn phiền. Ra khỏi cửa sân bay, rất nhiều bà con dù không quen biết chạy đến xin chụp hình lưu niệm với tôi - những khán giả chưa bao giờ gặp nhưng đã dành cho Chế Linh quá nhiều tình cảm. Tôi cho rằng, không có món quà nào lớn hơn như thế đối với một người con xa xứ trở về nhà.
Vợ chồng Chế Linh về nước trong sự chào đón của người hâm mộ, tối 27/9, tại TP HCM. Ảnh: M.H. |
- Hơn 50 năm theo đuổi con đường ca hát, liveshow ở Việt Nam lần này có ý nghĩa gì trong sự nghiệp của ông?
- Sau hơn 30 năm thăng trầm ở hải ngoại được trở về hát trên quê hương - tôi phải cảm ơn sự yêu mến của khán giả. Nhiều người nghĩ không còn được gặp hình hài này bằng xương bằng thịt, nhưng cuối cùng thì đã thỏa lòng ao ước. Đây là hạnh phúc chung cho cả Chế Linh và người hâm mộ. Liveshow “Chế Linh - 30 năm tái ngộ” là điều rất quý báu trong cuộc đời tôi. Nó là món quà tri ân với những ai đã dành sự ưu ái cho Chế Linh. Có những gia đình, cha mẹ thường xuyên mở nhạc Chế Linh, khiến con cái cũng "nhiễm" Chế Linh lúc nào không hay (cười).
- Sau 30 năm ở trời Tây, giọng hát của ông có gì thay đổi với khi còn ở Việt Nam?
- Giọng hát là sự truyền tải của tâm hồn. Tâm hồn tôi thì vẫn thế, vẫn là sự hòa trộn do tổ tiên Việt và Chăm tạo thành. Người Chăm ít lắm, tôi muốn trở thành một nghệ sĩ để qua lời ca tiếng hát của mình, có thể làm cho mọi người hiểu hơn, yêu hơn dân tộc Chăm. Những ngày đầu đi hát, tôi lo lắng sẽ bị kỳ thị, bị khó khăn về ngôn ngữ và cách phát âm, sợ con đường mình đi sẽ không tới đích. Cuối cùng, tôi mới biết hóa ra bấy lâu nay mình chỉ lo hão. Những đàn anh, đàn chị không chỉ giúp đỡ tôi về nghề nghiêp mà còn nhắc nhở tôi hãnh diện mình là người Chăm.
Hồi ở Việt Nam, tôi rất lơ là trong vấn đề phổ biến âm nhạc của dân tộc, nhưng khi ra nước ngoài, tôi vừa đi hát bằng nhạc Việt, vừa hát bằng nhạc Chăm. Mới đầu cũng sợ khán giả phản đối nhưng họ đã nghe rất say sưa, dù không hiểu chút gì về tiếng Chăm. Tôi cảm thấy hãnh diện vì mình đã góp phần bảo vệ và gìn giữ văn hóa Chăm. Hai văn hóa Việt - Chăm tôi đều phải gánh như nhau. Có điều đến tuổi này rồi, cho phép tôi gánh văn hóa Chăm nặng hơn một chút (cười).
Bên cạnh Chế Linh luôn có người vợ hiện tại - Vương Nga. Ảnh: M.H. |
- Dòng nhạc ông theo đuổi được gọi là nhạc sến và đang bị nhiều dòng nhạc mới mẻ khác cạnh tranh chỗ đứng. Ông băn khoăn thế nào về điều này?
- Mỗi người khi chọn con đường đi cho mình đều phải cân nhắc, suy nghĩ rất kỹ. Mỗi dòng nhạc đều phục vụ một nhóm khán giả riêng. Tôi cho rằng chỉ có hai dòng nhạc: nhạc phổ thông và nhạc thính phòng. Nhạc bolero rất gần gũi bình dân. Tôi không hiểu từ đâu người ta gọi nó là nhạc "sến". Nhiều người tức giận khi bị gọi là ca sĩ hát nhạc sến nhưng tôi lại rất hãnh diện. Nửa thế kỷ qua, khán giả vẫn thích nghe tôi hát - đó là một thành công không thể phủ nhận.
Trong một vườn hoa, trăm bông đua nở. Không phải hoa hồng, hoa lan mới là hoa quý. Có những người lại thích hoa dại đó thôi. Không chỉ âm nhạc mà văn học, hội họa, điện ảnh… cũng phân ra thành nhiều thể loại và chính điều đó làm nên sức hấp dẫn cho nghệ thuật. Chúng ta không nên vì thích dòng nhạc này mà khó chịu với dòng nhạc khác.
- Ngoài đi hát, ông còn là người viết nhạc. Chế Linh ca sĩ và Tú Nhi nhạc sĩ có những điểm khác biệt nào?
- Tôi may mắn được học nhạc nên có cơ hội vừa hát vừa sáng tác - thuận lợi hơn trong việc phổ biến nghệ thuật. Tôi viết bài hát từ tâm tư của mình, của bạn hữu và xã hội. Như thế, Chế Linh có thể trải lòng ra để khán giả đo được lòng mình. Tôi vẫn cho rằng, người nghệ sĩ sáng tác bài hát đã khó, người ca sĩ còn khó hơn vì họ là người truyền tải tác phẩm. Họ phải nhập tâm vào bài hát, diễn đạt tốt những tâm tư mà tác giả gửi gắm trong đó.
Tôi sáng tác khá nhiều ca khúc trong đó có những bài tôi tâm đắc và được khán giả yêu mến như: Bài ca kỷ niệm, Đoạn cuối tình yêu, Mai lỡ mình xa nhau… Có nhiều người khi nghe đã thắc mắc, chắc tôi đi qua nhiều cuộc tình và bị phụ bạc nhiều lắm nên mới viết như thế. Không ít khán giả gửi thư san sẻ nỗi buồn với tôi nhưng sau khi nghe tôi giải thích, họ tìm ra ý nghĩa mới của bài hát. Đó chính là sức sống mãnh liệt mà những người khi trải qua đau khổ, bị tình phụ, bạn bè bỏ rơi lúc cơ hàn… tìm được cách để đứng lên. Giống như “dĩ độc trị độc” vậy.
Ngoài đời, tôi không hề yếu đuối như những gì người ta hình dung về Chế Linh trên sân khấu. Tôi chưa bao giờ gặp bi kịch như trong những bài hát. Tôi sống cuộc sống không có nhiều sóng gió, rất mãn nguyện và bình an, luôn biết đặt vấn đề sức khỏe và tinh thần lên hàng đầu.
Đêm nhạc đầu tiên của Chế Linh diễn ra vào 20h ngày 21/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Sau đêm nhạc tại Hà Nội, Chế Linh sẽ hội ngộ khán giả Đà Nẵng ngày 29/10 tại Nhà hát Trưng Vương; khán giả Hải Phòng ngày 5/11 tại Cung Văn hóa Việt Tiệp và khán giả TP HCM ngày 19/11 tại Nhà hát Hòa Bình. Ảnh: M.H. |
- Đi qua bốn cuộc hôn nhân, tại sao ông lại nói mình không hề đau khổ vì tình?
- Hai người vợ trước không cùng tôi kéo dài hạnh phúc, nhung chúng tôi vẫn tôn trọng nhau. Họ giúp tôi giải quyết nhiều vấn đề, nuôi các con khi tôi ở xa. Người vợ thứ ba không may mất sớm.
Tôi sống bên cạnh người vợ thứ tư - Vương Nga - tới nay đã được 36 năm. Nga là người hỗ trợ tinh thần cho tôi về mọi mặt và cũng là người động viên tôi về nước để làm liveshow cống hiến cho khán giả. Nga còn lên mạng xem khán giả trong nước đang thích nghe những bài nào, viết ra một danh sách và đặt trên mặt bàn cho tôi tập. Làm vợ một nghệ sĩ, cô ấy hiểu những khó khăn của tôi. Ngay từ khi lấy tôi, cô ấy đã ý thức được rằng, chồng mình không chỉ là của riêng mình, anh ta còn là của công chúng. Chính vì thế, chúng tôi không ai bị buồn phiền vì ai hết.
Từ trước đến giờ, có rất nhiều tin đồn về cuộc đời Chế Linh nhưng tôi không bao giờ biện minh vì tôi biết, mình là người của quần chúng. Họ đi mua đĩa, đi xem những đêm nhạc của mình, nuôi sống mình mà không đòi hỏi điều gì. Mình nợ khán giả quá nhiều nên họ cũng có quyền quan tâm đến đời tư của mình. Một lần nữa, tôi khẳng định, tôi vô cùng hạnh phúc và cảm ơn những người đàn bà đã đi qua cuộc đời tôi.
- Vậy còn những người con của ông, nhiều người theo nghiệp cha nhưng chưa ai có được thành công đáng kể. Ông định hỗ trợ họ thế nào?
- Cám ơn trời đã cho tôi những đứa con rất tốt. Chúng chính là nguồn năng lượng của tôi. Tôi có 14 người con, trong đó có 7 nam và 7 nữ. 7 người con trai đều theo nghề bố, sáng tác và hát dù chưa nổi tiếng nhưng cũng khiến tôi tự hào. Người con đầu của tôi và Nga đã tốt nghiệp kỹ sư tại Canada, nhưng chỉ thích nghiên cứu, hát các loại nhạc đạo và thiền. Người con trai út tên là Chế Đăng Quang đang học nhạc viện tại Canada nhưng lại nghiên cứu và hát nhạc Việt. Tôi mong ước các con tôi sẽ làm những điều tốt nhất cho bản thân và cho cuộc đời.
Ngọc Trần thực hiện