|
Narayana Murthy (phải) và Bill Gates tại Infosys ở Bangalore, Ấn Độ - Ảnh tư liệu |
>> Kỳ 1: Honda và chiếc bánh Mỹ
>> Kỳ 2: Sự tích “giấc mơ”
Chuyện ở ga tàu
Năm 1974, ông du lịch “bụi” từ Pháp đi xuyên qua các nước thuộc Liên Xô cũ về Ấn Độ. Một đêm, ông từ Bulgaria đến thành phố Nis ở Nam Tư. Murthy đói và mệt nhưng lúc đó đã hơn 9g30 tối và thành phố Nis đã đóng cửa. Murthy đặt chiếc túi ngủ xuống sân ga tàu hỏa, nơi mà ông gọi là “khách sạn thông thường” của mình và đánh một giấc tới sáng. Murthy cũng không thể kiếm được một bữa ăn hay một căn phòng. Hôm đó là chủ nhật.
Ngân hàng duy nhất trong thành phố đóng cửa còn các nhà hàng thì từ chối phục vụ Murthy, trừ phi ông thanh toán bằng đồng nội tệ. Ông quay trở về chiếc túi ngủ trên sân ga tàu hỏa và ngủ hết cả ngày, đợi chuyến tàu của mình sẽ đến vào tối hôm đó. Khi tàu vào đến ga, tất cả những gì Murthy có thể nghĩ tới lúc đó là có một bữa ăn nóng sốt. Ông ngồi đối diện với một phụ nữ trẻ, một nhà kinh tế, người bắt đầu kể chi tiết những nỗi khó khăn gian khổ mà mình đã gặp phải ở đất nước này.
Một người đàn ông ngồi gần đó sau khi nghe lỏm câu chuyện đã báo với cảnh sát. Cảnh sát lôi Murthy xuống tàu và tống ông vào một căn phòng nhỏ ở nhà ga tàu hỏa. Murthy bị nhốt ở đó một mình suốt ba ngày, chỉ có một chút ánh sáng hắt vào qua một chiếc cửa sổ bé tí. Cuối cùng, cảnh sát thả Murthy ra và vứt ông lên một chiếc tàu hỏa chở hàng đi Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Murthy tự nhủ: “Nếu chế độ này đối xử với những người bạn của mình còn như thế thì mình càng không muốn là kẻ thù của họ”. Sau sự kiện đó, ông nguyện sẽ bước vào “một cuộc thử nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh” và “quyết tâm một ngày nào đó sẽ thành lập một công ty hiện thân cho những nguyên lý tốt đẹp nhất trên thế giới, bằng cách tạo ra của cải vật chất cho tất cả mọi người”.
Phút im lặng quyết định
Năm 1980, Murthy là trưởng một nhóm viết phần mềm của một công ty công nghệ Ấn Độ tên Patni Computer Systems. Ông nhận thấy một số thay đổi cơ bản trong công nghệ toàn cầu có thể đem đến một cơ hội để khởi dựng công ty như mình mong ước.
Đầu thập niên 1980, máy vi tính trở nên mạnh hơn với kích thước nhỏ hơn và giá bán thấp hơn. Phần mềm mới chẳng hạn như bảng tính (spreadsheet) và các hệ điều hành chất lượng cao hơn đang xuất hiện trên thị trường.
Murthy nói: “Chúng tôi nhận ra đây chính là nơi tập hợp các sự kiện sắp sửa biến sức mạnh của máy vi tính hiện diện khắp mọi nơi”. Ý tưởng của Murthy là thành lập một công ty dịch vụ phần mềm, sẽ lướt trên làn sóng tiến bộ công nghệ này để đi tới. Năm 1981, Murthy và sáu nhân viên khác của Patni cùng gặp nhau tại căn hộ của ông, góp vào tổng cộng 250 USD và thành lập Công ty Infosys Technologies.
Trong khi Murthy ở lại Ấn Độ lo việc quản lý Infosys thì sáu nhà đồng sáng lập khác tỏa đi khắp nước Mỹ để quảng cáo rùm beng nhằm thu hút sự chú ý về công ty của họ. Khách hàng đầu tiên là một công ty Mỹ mà ngày nay không còn tồn tại, Công ty Data Basics. Infosys đã thuyết phục Data Basics đồng ý thuê ngoài công việc nâng cấp phần mềm của họ. Tiếp theo đó là một số khách hàng lớn có tên tuổi, trong đó có Digital Equipment.
Thời đó ít có dự án lập trình được gia công tại Ấn Độ. Việc thông tin liên lạc tới Ấn Độ quá sức không đáng tin cậy và các công ty Mỹ thuê Infosys thoải mái hơn khi thấy phần việc mà họ muốn làm gia công phải được hoàn thành ngay tại chỗ, chính ở công ty mình. Infosys phái các chuyên gia đến văn phòng của các khách hàng, nơi họ sẽ lưu lại đó làm việc cho đến khi dự án kết thúc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đặc biệt của Murthy đã có một khởi đầu chông chênh. Năm 1989, Infosys chỉ thu được vỏn vẹn 1 triệu USD doanh thu. Các đối tác của Murthy bắt đầu nghi ngờ về khả năng tồn tại của mô hình kinh doanh của họ. Liệu một doanh nghiệp Ấn Độ mới thành lập như Infosys có thể trở thành một công ty công nghệ thông tin quốc tế? Họ đang trải qua hàng tuần xa nhà, xa gia đình, sống lang bạt trên những nẻo đường ở nước Mỹ với mức lương còm cõi. Họ đang cảm thấy mệt mỏi và chán ngấy.
Ước muốn ra đi của họ được cụ thể hóa trong một lời đề nghị bán đứt cổ phần của mình với tổng trị giá 1 triệu USD. Cả bảy nhà sáng lập Infosys tổ chức một cuộc họp quyết định và sau một cuộc thảo luận dài, tất cả đều biểu quyết bán đứt, ngoại trừ Murthy.
Ông ngồi lặng im trong hầu hết thời gian diễn ra tranh luận và sau đó đề nghị chính mình sẽ mua cổ phiếu của các nhà đồng sáng lập khác. Cách giải quyết của Murthy đã khích lệ sự tự tin của tất cả mọi người. Họ thay đổi quyết định và từ bỏ việc rao bán công ty... Giấc mơ lại tiếp tục sứ mệnh của mình.
Thiên đường ước mơ
Tới những năm đầu của thế kỷ này, Ấn Độ đã trở thành cường quốc công nghệ thông tin toàn cầu. Trong năm tài chính 2000 của Ấn Độ, doanh thu từ toàn bộ ngành công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ BPO tại Ấn Độ đạt 8 tỉ USD. Tám năm sau, khu vực này tăng trưởng tới 64 tỉ USD với 2 triệu lao động. Cùng các công ty lớn khác, Infosys của Murthy trở thành gã khổng lồ trong ngành này. Infosys đã cưỡi lên làn sóng gia công để đạt doanh thu 4,2 tỉ USD.
Trên con đường phát triển đó, Murthy đã thực hiện được ước mơ là tạo lập một công ty đem lại của cải ấm no cho tất cả mọi người. Năm 1994, Infosys đã đưa ra chương trình quyền mua cổ phiếu cho nhân viên quy mô lớn đầu tiên của Ấn Độ, qua đó của cải được tạo nên nhờ công ty kinh doanh thành công đã được rải ra cho nhiều công nhân.
Ngày nay, công ty từng bắt đầu ra đời tại phòng ngủ của Murthy đã tọa lạc tại một khu phức hợp văn phòng rộng 32ha ở ngoại ô thành phố Bangalore, mang dáng dấp kết hợp giữa khuôn viên một trường đại học với khu vui chơi giải trí Disneyland. Công viên bao quanh những tòa nhà khác thường này có cả các bản sao kỳ quặc của một kim tự tháp Ai Cập và nhà hát Con Sò Sydney.
Kỳ diệu Lenovo
Năm 1985, Lenovo mới chỉ tròn 1 tuổi, lĩnh vực kinh doanh chính là bán máy vi tính cá nhân cho IBM tại Trung Quốc. Nhà sáng lập Lenovo, Liễu Truyền Chí, đến tham dự một hội nghị do IBM tổ chức cho các nhà phân phối của mình tại khách sạn Sheraton Vạn Lý Trường Thành sang trọng ở Bắc Kinh mà không có complet để mặc, phải mượn áo bố mình. Kỷ niệm sống động nhất của ông về cuộc hội nghị là những chiếc bánh quy mà IBM thết đãi thoải mái khách tham dự.
Vào những ngày đầu của công cuộc cải cách tại Trung Quốc, những thứ xa xỉ như bánh quy là rất hiếm. Liễu Truyền Chí nhớ lại: “Tôi giật mình nhận ra công ty này lớn đến nỗi có thể mua được nhiều bánh quy đến thế! Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc ngồi vào vị trí như IBM”. Chỉ 20 năm sau ông đã sở hữu ngay chính công ty đó.
|
MICHAEL SCHUMAN
NGÔ THỊ TỐ UYÊN dịch