Châu Á đang ngồi trên đống lửa Covid-19

 Các quốc gia từ Lào, Việt Nam và Thái Lan ở Đông Nam Á, cho đến những nước giáp ranh với Ấn Độ như Bhutan và Nepal đã báo cáo ca nhiễm tăng đáng kể trong vài tuần qua.

Tại Lào vào tuần trước, Bộ trưởng Y tế đã săn lùng thiết bị y tế, vật tư và thuốc điều trị khi ca nhiễm tăng gấp hơn 200 lần trong một tháng. Các bệnh viện của Nepal nhanh chóng hết giường và hết oxy. Tại Việt Nam, Hà Nội từ ngày 3/5 cho học sinh nghỉ học, khi Việt Nam đối mặt với đợt lây nhiễm cộng đồng đầu tiên trong hơn một tháng.

Các cơ sở y tế đang chịu áp lực lớn ở Thái Lan, nơi 98% ca mới là do biến thể dễ lây lan hơn. Một số quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt với làn sóng Covid-19 đầu tiên.

Cảnh sát quân sự tuần tra khu đỏ để đảm bảo người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch ở Phnom Penh ngày 23/4. Ảnh:

Cảnh sát quân sự tuần tra "khu đỏ" để đảm bảo người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch ở Phnom Penh ngày 23/4. Ảnh: Reuters.

Mặc dù những nước này có dân số và quy mô bùng phát dịch nhỏ hơn nhiều Ấn Độ, mức tăng đột biến còn nghiêm trọng hơn nhiều, báo hiệu nguy cơ lây lan mất kiểm soát. Tình trạng dịch bùng phát trở lại ở những nơi đã tránh được thảm cảnh vào năm ngoái cho thấy cần gấp rút cung cấp vaccine cho các nước nghèo hơn để ngăn chặn đại dịch kéo dài.

"Điều rất quan trọng là phải nhận ra rằng tình hình ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu", Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới, nhấn mạnh. "Đây vẫn là thách thức lớn".

Lào là nước ghi nhận mức tăng ca nhiễm so với tháng trước nghiêm trọng nhất 22.000%, tiếp theo là Nepal và Thái Lan, cả hai đều chứng kiến ca nhiễm mới tăng vọt hơn 1.000% so với tháng trước. Cũng nằm trong top đầu danh sách là Bhutan, Trinidad và Tobago, Suriname, Campuchia và Fiji.

"Tất cả các quốc gia đều gặp rủi ro", David Heymann, giáo sư dịch tễ học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, nói.

Việc dịch đột ngột bùng phát ở Lào, nơi chỉ ghi nhận 60 ca cho đến ngày 20/4, cho thấy những thách thức mà một số quốc gia không giáp biển phải đối mặt. Họ khó ngăn chặn nhập cảnh bất hợp pháp hơn.

Lào đã ra lệnh phong tỏa thủ đô Vientiane và cấm đi lại giữa thủ đô và các tỉnh. Bộ trưởng Y tế liên hệ với các nước láng giềng như Việt Nam để được hỗ trợ nguồn lực. Nepal và Bhutan cũng chứng kiến ca nhiễm gia tăng, một phần do công dân hồi hương. Nepal, quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể virus mới từ Ấn Độ, có nguồn lực chống dịch hạn chế.

Ali Mokdad, giám đốc chiến lược tại Đại học Washington nhận xét tình hình "rất nghiêm trọng". "Biến thể mới đòi hỏi một loại vaccine mới và mũi tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm phòng - chúng sẽ gây trì hoãn kiểm soát đại dịch".

Mokdad cho biết khó khăn kinh tế của các nước đang phát triển khiến cuộc chiến càng trở nên khó khăn hơn. Thái Lan, quốc gia đang tìm cách vực dậy ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, vừa đưa ra quy định cách ly bắt buộc trong hai tuần đối với tất cả người nhập cảnh. Chính phủ đã giảm dự báo doanh thu du lịch năm 2021 từ mức đề ra hồi tháng một là 260 tỷ baht (8,3 tỷ USD) xuống 170 tỷ baht (5,4 tỷ USD).

Khi hệ thống y tế công cộng của đất nước đang chịu nhiều áp lực, giới chức đang cố gắng thiết lập các bệnh viện dã chiến để có thể đáp ứng được "cơn lũ" bệnh nhân. Theo Yong Poovorawan, Giám đốc Trung tâm Virus học Lâm sàng tại Đại học Chulalongkorn, khoảng 98% ca ở Thái Lan là biến thể từ Anh.

Khoảng hai triệu học sinh ở Hà Nội chuyển sang học online khi Việt Nam ghi nhận 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng kể từ hôm 29/4. Từ ngày 30/4, các quán bar, tiệm karaoke, câu lạc bộ và phòng game ở Hà Nội phải đóng cửa.

Ca nhiễm trong cộng đồng xuất hiện tại các thành phố lớn gồm Hà Nội và TP HCM, cùng với các tỉnh miền bắc như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái và Hưng Yên. 4 tỉnh này cùng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng đóng cửa trường học.

Các ca nhiễm liên quan đến nam thanh niên 27 tuổi trở về từ Nhật Bản vào ngày 7/4 và chuyên gia Trung Quốc nhập cảnh để làm việc, cả hai đều có kết quả dương tính với nCoV sau đợt cách ly bắt buộc hai tuần. Các ca mới xuất hiện ngay trước kỳ nghỉ lễ ở Việt Nam, khi nhiều gia đình đi du lịch trên khắp nước, làm tăng nguy cơ bùng phát rộng hơn.

Tại Campuchia, kể từ đầu đợt bùng phát hiện nay, hơn 10.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện tại hơn 20 tỉnh. Thủ đô Phnom Penh hiện là "vùng đỏ", tức khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao, mặc dù chính phủ nói rằng sẽ nới lỏng các hạn chế vào ngày 6/5.

Ở Sri Lanka, chính quyền cách ly các khu dân cư, cấm tổ chức đám cưới và hội họp, đóng cửa rạp chiếu phim và quán rượu khi ca nhiễm tăng kỷ lục sau lễ hội năm mới của địa phương vào tháng trước. Chính phủ nói rằng tình hình giờ được kiểm soát.

Sau khi gần như không chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nhờ kiểm soát biên giới khắt khe, một số quốc đảo Thái Bình Dương giờ hứng chịu làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Các thành phố ở điểm nóng du lịch Fiji đã đóng cửa sau khi quân đội lây nCoV ra cộng đồng.

"Việc ca nhiễm gia tăng gần đây trên khắp Thái Bình Dương cho thấy chúng ta không thể chỉ dựa vào kiểm soát biên giới mà phải triển khai tiêm vaccine", Jonathan Pryke, người đứng đầu nghiên cứu về khu vực Thái Bình Dương của Viện Lowy, Sydney cho biết. "Ấn Độ là lời cảnh báo gây sốc cho khu vực này về cách đại dịch có thể vượt khỏi tầm kiểm soát chóng vánh như thế nào".

Heymann cho rằng các quốc gia phát triển cần đóng góp để đảm bảo việc chia sẻ vaccine, kit xét nghiệm và vật tư y tế công bằng hơn trên toàn cầu. "Các nước phát triển có thể và nên tài trợ vật tư, đồng thời chia sẻ với các nước khác bất kỳ số vaccine thừa nào họ có", ông nói.

Trong khi đó, báo chính thức Triều Tiên Rodong Sinmun tuần trước viết rằng vaccine không phải giải pháp tối ưu, sau khi đợt triển khai do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn bị trì hoãn. "Một số loại vaccine được coi là có hiệu quả cao đã gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong, khiến nhiều quốc gia phải ngừng sử dụng chúng", bài báo có đoạn viết.

Chương trình Covax phân phối vaccine trên toàn thế giới đã lên kế hoạch chuyển đi 1,9 triệu liều trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, dịch tại Ấn Độ đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu.

Triều Tiên nói rằng họ không ghi nhận ca Covid-19 nào nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi, do cơ sở hạ tầng y tế kém của nước này và biên giới lỏng lẻo với Trung Quốc. Họ đã hạn chế giao thông qua biên giới, cấm du khách, yêu cầu các nhà ngoại giao về nước và huy động nhân viên y tế.

Tại Hàn Quốc, khoảng 3,5 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau khi bắt đầu chương trình tiêm chủng ngày 26/2. Nước này có kế hoạch tiêm vaccine cho 12 triệu người vào cuối tháng 6 với nỗ lực đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.

Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo virus vẫn tiếp tục lây lan vì vaccine không thể ngăn chặn hoàn toàn. "Covid-19 có thể là bình thường mới", Oh Myoung-don, người đứng đầu ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi Hàn Quốc, nói. "Chúng ta sẽ phải sống chung với Covid-19, giống như tiêm phòng cúm mùa".

Phương Vũ (Theo Bloomberg)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11472
Số người truy cập:
9006958