Một dự án xây dựng của Trung Quốc tại Port Moresby, Papua New Guinea ngày 14/11. Ảnh: Reuters. |
Khi Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill hồi tháng 6 để mở khả năng Trung Quốc cung cấp tài chính cho việc phát triển cảng ở bờ biển phía bắc nước này, Australia đã có phản ứng nhanh chóng, theo Reuters.
Canberra đầu tháng này tuyên bố họ sẽ tài trợ cho việc phát triển cảng của Papua New Guinea, nước láng giềng gần nhất của họ. Các nhà phân tích coi đây là nỗ lực của Australia để khẳng định vị thế ở Nam Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc đang muốn có vai trò nổi bật hơn ở đây.
"Cảng ở đảo Manus là mối quan tâm lớn đối với chúng tôi", một nguồn ngoại giao cấp cao của Mỹ nói. "Có khả năng các tàu quân sự Trung Quốc sẽ thường xuyên sử dụng cảng này nếu Bắc Kinh tài trợ dự án nên chúng tôi rất vui khi thấy Australia mới là bên làm việc đó".
Australia sẽ chính thức hóa thỏa thuận này tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tuần này, được tổ chức tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea. Đây là lần đầu tiên nước nghèo nhất trong số 21 nền kinh tế của APEC tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Australia và Trung Quốc đã ủng hộ hàng trăm triệu USD để giúp nước này tổ chức diễn đàn.
Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Port Moresby ngày 16/11. Ảnh: AFP. |
Để phục vụ APEC, Australia đã gửi các khí tài đến Port Moresby bao gồm trực thăng hải quân, tàu tuần tra và khoảng 1.500 người từ Lực lượng Quốc phòng. Trong khi đó, Trung Quốc cung cấp 62 xe quân sự trị giá 5 triệu USD vào năm ngoái. Các quan chức Papua New Guineacho biết chúng được sử dụng cho các hoạt động an ninh của APEC. Trung Quốc cũng hỗ trợ xây dựng đường, trạm xe buýt và nơi tổ chức các sự kiện phục vụ cho APEC.
"Cuộc họp APEC đang trở thành cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Australia về ảnh hưởng ở Thái Bình Dương", Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Australia, nhận xét.
Trung Quốc đã chi 1,3 tỷ USD cho các khoản vay và viện trợ từ năm 2011 cho các quốc đảo Thái Bình Dương, gây ra lo ngại rằng một số quốc gia nhỏ có thể lâm vào cảnh nợ nần với Bắc Kinh mà không trả nổi. Bắc Kinh nói rằng họ không có động cơ ngầm nào ngoài việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển của các quốc đảo Thái Bình Dương và rằng Australia nên xem họ như một đối tác chứ không phải là đối thủ trong khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo họ sẽ cung cấp cho khu vực 2,18 tỷ USD bằng các khoản vay và trợ cấp cơ sở hạ tầng chi phí thấp. Australia vốn là nước tài trợ lớn nhất cho Papua New Guinea. Họ đã hứa sẽ hỗ trợ 412 triệu USD vốn ODA cho Papua New Guinea năm 2018-2019, tăng so với mức 393 triệu USD năm 2017-2018.
Nick Bisley, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe của Melbourne nhận xét: "Quan điểm ở Australia là họ đã lơ là khu vực trong một khoảng thời gian nên giờ họ đang khởi động lại chính sách với Thái Bình Dương".
Đảo Manus là căn cứ hải quân lớn của Mỹ trong Thế chiến II, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Thái Bình Dương của Washington. Các nhà phân tích nói rằng sự hiện diện của Trung Quốc tại đây có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển ở Thái Bình Dương của phương Tây trong khi giúp Bắc Kinh tiếp cận gần với căn cứ của Mỹ ở Guam, cách Papua New Guinea vài nghìn km.
"Australia lo ngại rằng Thái Bình Dương có thể trở thành Biển Đông tiếp theo, nơi Bắc Kinh quân sự hóa khu vực", Bisley nói.
Papua New Guinea là nước nợ Trung Quốc nhiều nhất ở Nam Thái Bình Dương, với gần 590 triệu USD. "Sự hiện diện của Trung Quốc có thể thấy rõ ở khắp mọi nơi. Họ đạt được điều đó phần lớn thông qua việc đầu tư vào đất nước", một nhà ngoại giao Pháp nói.
"Australia lo lắng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và chúng ta có thể thấy họ có chiến lược lâu dài để cạnh tranh với Trung Quốc ở đây", Zhang Baohui, giám đốc từ Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan, Hong Kong, nói.