Cần có "U23" cho văn hóa nghệ thuật

 Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là phải tạo ra được những con người tài năng, có tâm hồn thay vì chỉ giỏi kỹ năng

Nhiều lỗ hổng trong đào tạo nguồn nhân lực cho văn học, nghệ thuật (VHNT) là vấn đề đặt ra tại tọa đàm "Đào tạo nguồn nhân lực VHNT: Thực trạng và giải pháp" do Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT TP HCM tổ chức chiều 5-2.

Nghiệp dư hóa nghề diễn

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - cho rằng: "Hiện nay, chúng ta đang bị "xâm lăng" về văn hóa. Riêng về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật càng khó, bởi vì đây là lĩnh vực của tài năng, của trái tim, tâm hồn chứ không chỉ là đào tạo kỹ năng, kỹ thuật".

"Công tác đào tạo nhân lực cho VHNT đang có nhiều khoảng trống, đặc biệt là mảng điện ảnh truyền hình…" - PGS-TS-NSƯT Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, khẳng định. "Chưa có các ngành đào tạo về truyền thông, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng…" - NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cho biết.

Cần có U23 cho văn hóa nghệ thuật - Ảnh 1.

NSƯT Hải Phượng phát biểu tại hội thảo chiều 5-2

"Nhu cầu của thị trường cần nên đã xuất hiện nhiều "lò" đào tạo diễn viên "ăn xổi" mọc ra như nấm cùng những chiêu trò nhức nhối. Khi các sân khấu hài ăn nên làm ra, các nhóm hài được thành lập nhiều không kể xiết với các mảng miếng tấu hài "chọc cười". Lúc game show lên ngôi, nhu cầu sử dụng các diễn viên giỏi ứng biến, đối đáp cũng tăng đột biến khiến nhiều công ty, đơn vị, cá nhân chớp thời cơ đào tạo kiểu "chớp nhoáng" làm nghiệp dư hóa nghề diễn và xuất hiện nhiều biểu hiện trục lợi…" - bà Dương Thị Liên Chi, Trưởng Phòng Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, nhìn nhận.

Thiếu nhân sự chuyên trách về quảng bá

"Nhiều tác phẩm lớn trong văn học Việt đã khẳng định được giá trị và cũng là nguồn tài nguyên đặc biệt nhưng công chúng không hề biết đến. Chúng ta thiếu chiến lược quảng bá văn học Việt ra nước ngoài, thiếu kế hoạch tổng thể về phát triển văn hóa - nghệ thuật, trong đó có đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên trách" - nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nói.

Thực tế là có nhiều tác phẩm hay nhưng không được quảng bá do không có đội ngũ nhân sự chuyên trách về quảng bá trong khi bản thân tác phẩm có khả năng chạm đến trái tim người xem. Điều đó lý giải tại sao bây giờ nghe lại các ca khúc xưa, xem lại các vở diễn xưa… khán giả vẫn luôn xúc động. Đôi khi dấy lên những cuộc tranh luận trái chiều quyết liệt về các tác phẩm xưa nhưng bất luận thế nào, công chúng mặc nhiên công nhận tác phẩm VHNT xưa vô cùng trong sáng và rất dễ gợi liên tưởng về những điều tốt đẹp, về ý chí, niềm tin, nghị lực, lý tưởng sống - những điều mà xã hội hôm nay thiếu thốn.

Gần đây, Liên hiệp Hội VHNT TP HCM lập ra Trung tâm VHNT TP HCM, đây là mô hình tốt về đào tạo tài năng văn hóa - nghệ thuật. "Trung tâm sẽ góp phần làm lành mạnh và tăng tính chuyên nghiệp trong các hoạt động VHNT, từ đó tạo ra các tác động tích cực cho môi trường hoạt động VHNT ở TP HCM, mở hướng tiếp cận và từng bước vươn ra hoạt động VHNT ở khu vực và quốc tế" - PGS-TS Văn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT

TP HCM, khẳng định. Cần kế hoạch dài hơi

"Cần có cái nhìn rộng hơn và những kế hoạch dài hơi, tạo điều kiện cho đầu tư văn hóa - nghệ thuật và tìm kiếm đầu ra mạnh hơn nữa, đầu tư vào các phim trường, cụm rạp chiếu, nhà hát… Hiện nay, mới chỉ có nước ngoài đổ tiền đầu tư và thu lời từ các hạng mục này chứ trong nước hoàn toàn chưa quan tâm. Chẳng hạn như các phim trường ở huyện Củ Chi (TP HCM), phim trường ở tỉnh Bình Phước… đều chỉ là dự kiến mãi chưa triển khai. Chúng ta cũng khó khăn nhưng không đến nỗi khó đến mức không thể làm được" - bà Phạm Phương Thảo nói.

"Việc đội tuyển U23 vừa rồi đã gây nên được những cảm xúc rất tốt cho xã hội chính là kết quả của việc tuyển chọn nguồn nhân lực thể thao từ tất cả địa phương trên cả nước. Đào tạo được những đội ngũ tài năng như thế từ khi còn rất trẻ là cực kỳ khó. Trên cơ sở xem xét, đánh giá thực trạng, Thành ủy, UBND TP cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này" - bà Thảo nói. 

Rất ít người học âm nhạc nghệ thuật dân tộc

NSƯT Hải Phượng cho biết: "Có những năm không tuyển được em học sinh nghệ thuật âm nhạc dân tộc nào. Học sinh tài năng lựa chọn theo học âm nhạc nghệ thuật dân tộc là rất ít. Nghệ sĩ của mảng này cũng rất thiệt thòi, ít sô diễn, đời sống thấp. Có lần đi tham dự cuộc thi biểu diễn âm nhạc dân tộc, thấy các đoàn phía Bắc đi vài chục người mà các nhóm phía Nam mình chỉ có vài ba người tham dự, nhìn đã muốn khóc, chỉ tính về lực lượng thôi đã thua đứt rồi…".

 
Bài và ảnh: Hòa Bình

Giày Đại Phát solution
Số người online:
16993
Số người truy cập:
7637097