Cấm dầu Nga - lựa chọn chông gai của châu Âu

 Sự thống trị hàng thập kỷ của Nga đối với thị trường năng lượng châu Âu đang dần sụp đổ kể từ khi khủng hoảng Ukraine bùng phát. Liên minh châu Âu (EU) tuần này dự kiến tung ra đòn trừng phạt mạnh nhất với Moskva bằng một lệnh cấm hoàn toàn dầu nhập khẩu từ Nga.

Giới phân tích cho rằng động thái quyết liệt này có thể cắt đứt mối quan hệ dầu mỏ giữa châu Âu với Nga, nhưng Richard Bronze, người phụ trách về địa chính trị tại công ty nghiên cứu Energy Aspects, nhận định nỗ lực đó sẽ "rất phức tạp".

"Lệnh cấm sẽ cắt mối liên kết giữa hai phần vốn rất gắn bó với nhau trong hệ thống năng lượng toàn cầu, gây ra nhiều gián đoạn và gia tăng chi phí liên quan", ông nói. "Nhưng các nhà hoạch định chính sách EU ngày càng tin rằng cần làm điều đó nhanh chóng, vừa để cắt giảm nguồn thu của Nga và giảm mức độ ảnh hưởng của Moskva với châu Âu".

Mục tiêu của EU rất rõ ràng. Trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, châu Âu muốn ngăn các khoản tiền Moskva có thể thu về từ dầu khí, vốn là nguồn xuất khẩu lớn nhất và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga. Florian Thaler, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu năng lượng OilX, ước tính doanh thu bán dầu của Nga sang châu Âu đạt 310 triệu USD mỗi ngày.

Quyết định cấm dầu sẽ là một phần trong nỗ lực chấm dứt khả năng Nga sử dụng năng lượng như một công cụ gây áp lực với châu Âu. Tuần trước, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria, động thái mà giới phân tích cho rằng để cảnh báo các thành viên khác của EU.

Oswald Clint, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Bernstein, cho rằng EU có thể cấm dầu mỏ Nga dễ dàng hơn so với khí đốt, bởi nguồn nhiên liệu này không phụ thuộc lớn vào các đường ống như khí đốt.

A worker checks the valve of an oil pipe at the Lukoil company owned Imilorskoye oil field outside the West Siberian city of Kogalym, Russia, January 25, 2016

Công nhân kiểm tra đường ống dẫn dầu của công ty Lukoil tại giếng dầu Imilorskoye ở ngoại ô thành phố Kogalym, Nga hôm 25/1/2016. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đối với châu Âu, cắt nguồn cung dầu Nga sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và gây chia rẽ. Khoảng 25% nguồn dầu thô của châu Âu được nhập từ Nga, nhưng có sự khác biệt về mức độ phụ thuộc giữa các quốc gia. Những nước châu Âu càng gần Nga càng phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới này.

Anh, quốc gia không thuộc EU và khai thác được dầu từ Biển Bắc, tuyên bố sẽ từ bỏ dần năng lượng Nga. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp cũng nhập khẩu tương đối ít nguồn dầu từ Moskva.

Nhưng một số quốc gia khác, trong đó có Hungary, Slovakia, Phần Lan và Bulgaria, nhập khẩu hơn 75% nguồn dầu từ Nga và có thể gặp rất nhiều khó khăn để tìm nguồn cung thay thế. Ngoại trưởng Peter Szijjarto ngày 3/5 nói Hungary và nền kinh tế nước này "không thể thiếu" dầu thô từ Nga.

Lượng dầu lớn đã được vận chuyển qua đường ống Druzhba (trong tiếng Nga có nghĩa là "Tình hữu nghị") từ Nga qua các nhánh phía bắc tới Đức và Ba Lan, cũng như qua nhánh phía nam tới Slovakia, Cộng hòa Czech và Hungary.

Các nhà máy lọc dầu dọc các tuyến đường vận chuyển này, trong đó có cơ sở PCK ở Schwedt, gần Berlin "đã hoạt động bằng dầu thô của Nga trong 50 năm qua". "Bạn cần tìm những nguồn thay thế tương tự trên thị trường quốc tế", Thaler nói.

Chuyên gia này cho rằng Hungary và Slovakia có khả năng nhận nhiều dầu hơn từ các tàu chở dầu ở Biển Adriatic, thông qua đường ống chạy qua Croatia, trong khi Cộng hòa Czech có thể nhận dầu từ một kho chứa ở Trieste, Italy. EU có thể phải miễn trừ trong một thời gian dài cho Hungary và một số nước khác để nhận được sự ủng hộ của họ với lệnh cấm dầu Nga.

Trong khi đó, Đức và Ba Lan dường như quyết tâm chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga. Sự thay đổi của Đức được xem là chìa khóa cho chính sách của châu Âu. Berlin có kế hoạch đưa dầu qua cảng biển phía đông Rostock và qua biên giới Ba Lan qua cảng Gdansk.

Chính phủ Đức cho biết họ đã có thể chấm dứt các hợp đồng dầu thô với Nga, ngoại trừ nhà máy lọc dầu ở Schwedt và nhà máy Leuna ở phía đông, chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu nhập từ Nga.

"Điều đó có nghĩa lệnh cấm đang được thực hiện từng bước", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói hôm 2/5.

Giới quan sát cho rằng việc cắt nguồn cung dầu thô từ Nga vẫn có thể là quyết định rất tốn kém, bởi có nhiều loại dầu thô với đặc tính khác nhau và các nhà máy lọc dầu thường được thiết kế để sử dụng một loại nhất định.

Zsolt Hernadi, người đứng đầu công ty dầu mỏ Hungary MOL, gần đây cho biết họ có thể cần tới 4 năm và 700 triệu USD để điều chỉnh lại dây chuyền các nhà máy lọc dầu trong trường hợp cấm dầu Nga.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng lệnh cấm dầu Nga có thể gây ra cuộc cạnh tranh tốn kém về nguồn cung thay thế.

Viktor Katona, một chuyên gia về dầu tại công ty Kpler chuyên theo dõi dòng chảy năng lượng, cho rằng chỉ có nguồn dầu từ Arab Saudi là phù hợp nhất để thay thế dầu Nga. Nhưng đến nay, Arab Saudi cho thấy rất ít động thái tăng sản lượng khai thác để đáp ứng nhu cầu của châu Âu.

Ông Katona thêm rằng nguồn dầu từ Iran cũng có thể là một giải pháp, nhưng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên nước này đã làm giảm doanh số bán nhiên liệu của Tehran. Dầu từ Venezuela, cũng bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt, cũng thường được đề cập như một giải pháp khả thi thay thế dầu thô Nga.

Xe tải đang nạp nhiên liệu vào thùng chứa tại Wesseling, Đức tháng trước. Ảnh: AP.

Lệnh cấm dầu Nga "sẽ gây ra nỗi đau cho các nhà máy lọc dầu châu Âu và người tiêu dùng ở châu lục sẽ phải hứng chịu hậu quả", theo Katona.

Giới phân tích thêm rằng việc xả kho dầu dự trữ của Washington và Cơ quan Năng lượng Quốc tế ở Paris, dự kiến bơm ra thị trường hơn một triệu thùng mỗi ngày trong vòng 6 tháng, cho đến nay tác động đến người Mỹ nhiều hơn là thị trường châu Âu.

Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, quyết định khó khăn nhất là phải làm gì đối với nhà máy lọc dầu ở Schwedt, vốn do tập đoàn Rosneft của Nga sở hữu phần lớn cổ phần. Rosneft cũng nắm giữ lượng cổ phần nhỏ trong hai nhà máy lọc dầu khác ở Đức. Một công ty Nga khác là Lukoil cũng có cổ phần trong các nhà máy lọc dầu ở châu Âu, trong đó có ISAB ở Silicy, một trong những nhà máy lọc dầu chính của Italy.

"Những công ty đó sẽ có rất ít động lực để cắt nguồn dầu thô Nga", Bronze nói.

Bộ Kinh tế Đức nói không mong đợi nhà máy lọc dầu ở Schwedt "tự nguyện chấm dứt quan hệ với Nga" và đang tìm hiểu các lựa chọn pháp lý, trong đó có khả năng nhà nước tiếp quản cơ sở này.

Lệnh cấm dầu Nga ngay lập tức không chỉ gây tổn thất cho chính châu Âu, mà còn có thể không đạt hiệu quả mong đợi trong mục tiêu cắt giảm doanh thu từ năng lượng của Moskva, theo các nhà quan sát.

Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy dự đoán dù sản lượng dầu xuất khẩu của Nga có thể giảm vào năm 2022, tổng doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu của Moskva có thể tăng khoảng 45%, lên 180 tỷ USD.

Khi châu Âu áp lệnh cấm, Nga có thể tìm kiếm những thị trường mới cho nguồn dầu của họ ở Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia cũng đang rất cần nguồn cung giữa khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là với nguồn dầu giá rẻ của Moskva. "Đó có thể đơn giản là trò chơi ai nhanh chân hơn" với nguồn dầu này, chuyên gia Katona nói.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Thanh Tâm (Theo NY Times)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4283
Số người truy cập:
8980907