Các quan chức bầu cử Iraq đang kiểm tra phiếu của cử tri tại một đơn vị kiểm phiếu ở Baghdad hôm 2/2. (Ảnh: Reuters)
Iraq: Bầu cử cấp tỉnh (31/1); bầu cử quốc hội (tháng 12)
Các vòng bỏ phiếu hồi cuối tháng 1 vừa qua đã diễn ra một cách hòa bình, đối lập với cuộc bầu cử cấp tỉnh gần nhất vào năm 2005. Rất nhiều người Sunni ở Iraq đã đi bỏ phiếu lần đầu tiên sau khi từng tẩy chay các cuộc bầu cử cách đây 4 năm. Điều này sẽ làm tăng cơ hội đoàn kết người dân Iraq, đưa nước này trở thành một thể thống nhất.
Các đảng thế tục người Shi’ite dường như đã giành được vị thế nhờ các đảng tôn giáo của người Shi’ite hiện chiếm ưu thế ở nước này. Nhiều người Iraq đổ lỗi việc này đã đẩy đất nước tới bờ vực nội chiến trong giai đoạn 2006 - 2007.
3 tỉnh vốn hợp thành một vùng tự trị nằm dưới quyền kiểm soát của người Kurd vẫn phải lên kế hoạch cho các cuộc bỏ phiếu cấp tỉnh, vì những lí do nội bộ, mặc dù cuộc bầu cử cho nghị viện vùng đã được yêu cần tổ chức vào tháng 5.
Tỉnh Kirkuk giàu tài nguyên dầu mỏ đang tranh chấp - một khu vực mà người Kurd tuyên bố chủ quyền nhưng có dân cư hỗn hợp các sắc tộc - cũng nằm ngoài các vòng bỏ phiếu mới nhất vì những chia rẽ về hệ thống bầu cử được coi là quá khó để giải quyết.
Chừng nào Iraq tránh được những than phiền về các kết quả bầu cử cấp tỉnh, các cuộc bỏ phiếu dường như có thể thúc đẩy quá trình rút quân của Mỹ khỏi nước này. Các quan sát viên cũng coi cuộc bầu cử là một bằng chứng báo hiệu kết quả bỏ phiếu bầu quốc hội tại Iraq vào tháng 12. (Đó có thể là tin tốt lành đối với Thủ tướng Nouri al-Maliki, người có các đồng minh nhiều khả năng sẽ thắng lợi lớn vào thời điểm này).
Israel: Bầu cử quốc hội (10/2)
Tiếp sau cuộc xung đột Gaza, các cử tri Do Thái sẽ có thể cất lên tiếng nói của mình về tương lai của mối quan hệ Israel - Palestine. Hai đảng dẫn đầu - Kadima ôn hòa và Likud cánh hữu - đã có quan điểm đối lập nhau về các cuộc đàm phán với người Palestine được Mỹ hậu thuẫn.
Trong khi lãnh đạo đảng Kadima - Tzipi Livni cam kết sẽ thúc đẩy các vòng thương lượng thì lãnh đạo đảng Likud - Binyamin Netanyahu cho rằng, thay vì làm việc đó, ông sẽ chú trọng đến việc phát triển nền kinh tế của Palestine. Ông Netanyahu cũng phản đối bất kỳ thỏa thuận nào dẫn tới việc chia rẽ Jerusalem.
Kết quả các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, cuối cùng đảng Likud dường như sẽ giành được quyền thành lập một chính phủ liên minh với sự trợ giúp của đảng Yisrael Beitenu cực đoan chủ nghĩa - đảng có cơ hội trở thành đảng lớn thứ ba tại nước này. Lãnh đạo của đảng Yisrael Beitenu - Avigdor Lieberman từ lâu đã lên tiếng kêu gọi hành động quân sự quyết liệt nhằm chống lại Hamas. Ông cũng muốn trục xuất các công dân Arập khỏi Israel.
Lãnh đạo đảng Kadima - Tzipi Livni (phải) và người đứng đầu đảng Likud đối lập - Binyamin Netanyahu. (Ảnh: Daylife/THX)
Các nhà quan sát cũng nhận thấy Israel đang có xu hướng tiến theo cánh hữu. Đảng Lao động do Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đã giành được thêm nhiều sự ủng hộ nhờ kết quả của chiến dịch quân sự ở Gaza nhưng không đủ để đưa đảng này trở thành đối trọng của Likud hoặc Kadima.
Nam Phi: Bầu cử quốc hội và tổng thống (tháng 3, 4)
Các cuộc bỏ phiếu ở Nam Phi dự kiến diễn ra trong tháng 3 hoặc tháng 4 chắc chắn sẽ hồi hộp nhất kể từ khi Nelson Mandela trở thành tổng thống vào năm 1994.
Trong cuộc bầu cử quốc hội, đảng Quốc hội châu Phi (ANC) cầm quyền đang đối mặt với thách thức dân chủ lớn đầu tiên từ một đảng ly khai mới - đảng Nghị viện của nhân dân (COPE) - được thành lập sau khi ANC lật đổ vị lãnh đạo trước Thabo Mbeki khỏi ghế tổng thống.
COPE hy vọng sẽ hưởng lợi từ sự bất mãn đang thịnh hành về kết quả kinh tế của ANC sau 14 năm cầm quyền.
Đảng cũng đang chú ý đến việc giành quyền kiểm soát các tỉnh quan trọng như Gauteng, Eastern Cape và Western Cape, cũng như hy vọng ngăn chặn ANC chiếm 2/3 số ghế tại quốc hội, việc sẽ cho phép ANC thay đổi hiến pháp, ví dụ như bằng cách bảo đảm quyền miễn trừ truy tố cho lãnh đạo đảng là Jacob Zuma - một ứng cử viên mạnh, đang được yêu thích cho ghế tổng thống.
Indonesia: Bầu cử quốc hội (tháng 4); bầu cử tổng thống (tháng 7)
Người dân trên 18.000 hòn đảo của Indonesia sẽ đi bỏ phiếu hai lần trong năm nay khi cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 4 và tiếp đó là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 7.
Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống dân chủ lần thứ hai được tổ chức tại Indonesia và được coi là một bước chuyển quan trọng đối với một nền dân chủ non trẻ, đặc biệt nếu nó dẫn tới một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.
Các cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 4 và tháng 7 tới được đánh giá là bước chuyển quan trọng đối với Indonesia. (Ảnh: Corbis)
Tổng thống đương nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono và cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri đã bày tỏ ý định sẽ tái tranh cử. Tuy nhiên, vẫn còn có những cử viên khác nắm giữ cơ hội được lãnh đạo quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới.
Theo giới phân tích, các vấn đề chính đang thu hút sự quan tâm của các cử tri là kinh tế, cơ hội việc làm và cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt ở cấp cao vốn đang gây hại cho nền chính trị Indonesia.
Ấn Độ: Bầu cử quốc hội (tháng 4, 5)
Hơn 230 đảng, kể cả 6 đảng quốc gia chính ở Ấn Độ, sẽ cạnh tranh giành phiếu ủng hộ của hơn 650 triệu cử tri vào mùa xuân này. Kết quả sẽ là một chính phủ liên minh, có thể do đảng Quốc đại trung tả cầm quyền hoặc đảng Bharatiya Janata Party (BJP) trung hữu đứng đầu.
Tại cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2004, hai đảng này chỉ giành được một nửa số ghế tại quốc hội. Tuy nhiên, các đảng phái được thành lập theo tiêu chí các vùng hoặc đẳng cấp đang lên ở Ấn Độ.
Đảng Bahujan Samaj của những người đẳng cấp thấp đã có một chiến thắng quan trọng tại bang Uttar Pradesh vào năm 2007 và vị lãnh đạo nóng nảy của đảng - Mayawati, một cựu giáo viên, đã có thể trở thành một nhân vật quan trọng trong các vòng đàm phán liên minh sau cuộc bầu cử cấp quốc gia.
Kết quả các vòng bỏ phiếu toàn quốc hồi tháng 12/2008 không có tính khích lệ đối với đảng BJP, bất chấp đảng này cáo buộc sự yếu kém của chính phủ do đảng Quốc đại đứng đầu dẫn tới các cuộc tấn công của khủng bố tại Mumbai. Tuy nhiên, hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm sút của Ấn Độ là một tin xấu đối với đảng Quốc đại.
Câu hỏi lớn hiện nay là liệu liên minh cầm quyền tiếp theo có đủ mạnh để theo đuổi những chính sách táo bạo hay sẽ bị kìm hãm vì các chương trình nghị sự đầy mâu thuẫn của số đông thành viên liên minh.
Iran: Bầu cử tổng thống (12/6)
Vị tổng thống đương nhiệm gây tranh cãi của Iran - Mahmoud Ahmadinejad có thể trở thành lãnh đạo đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo này không tái cử nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai.
Cuộc bầu cử tổng thống cách đây 4 năm đã đưa ông Mahmoud Ahmadinejad lên nắm quyền ở Iran. (Ảnh: Corbis)
Một số người cho rằng, ông Ahmadinejad có thể đối mặt với một đối thủ mạnh là Ali Larijani, Chủ tịch Quốc hội, một người bảo thủ nhưng đang nói ngôn ngữ của ngoại giao quốc tế và có thể sẵn sàng tham gia đối thoại với giới cầm quyền mới ở Mỹ. Cho tới tận cuối năm 2007, ông Larijani là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Tehran.
Cựu Tổng thống chủ trương cải cách - Mohammad Khatami cũng đang bị những người ủng hộ thúc ép ra tranh cử một lần nữa. Rất nhiều cử tri theo đường lối cải cách đã tẩy chay cuộc bầu cử năm 2005 vốn đưa ông Ahmadinejad lên nắm quyền, nhưng dự kiến sẽ tham gia các vòng bỏ phiếu lần này. Ông Khatami đã có gắng thực thi cải cách trong hai nhiệm kỳ tổng thống của mình nhưng đã bị ngáng trở bởi bộ máy bảo thủ.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là kinh tế. Giá dầu hiện nay đã giảm trong khi Iran đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát hơn 25% và con số thất nghiệp tăng cao.
Các ứng cử viên tiềm năng khác cho chiếc ghế Tổng thống Iran là người kế nhiệm ông Ahmadinejad làm Thị trưởng Tehran - Mohamed Baqer Qalibaf, một chính khách bảo thủ và nhà cải cách - Mehdi Karroubi, người đã trao tặng bất kỳ công dân nào ở nước này 50USD khi ra tranh cử cách đây gần 4 năm.
Afghanistan: Bầu cử tổng thống vào mùa hè
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc bầu cử tổng thống ở Afghanistan dự kiến diễn ra vào tháng 5. Tuy nhiên, nó đã bị hoãn lại tới tháng 8 do tình hình an ninh ngày càng xấu đi nghiêm trọng, đặc biệt là cuộc xung đột giữa phiến quân Taliban và liên quân quốc tế cũng như lực lượng chính phủ ở miền nam và đông đất nước.
Nếu các vòng bỏ phiếu diễn ra đúng kế hoạch vào tháng 8, vẫn đề lớn sẽ là liệu người Pashtun, nhóm sắc tộc lớn nhất tại Afghanistan, có tham gia bầu cử hay không. Để thành công, Chính phủ Afghanistan cần gắn kết và giành được niềm tin của người dân trong nước.
Bất chấp tỉ lệ tín nhiệm trong và ngoài nước đều giảm, Tổng thống Hamid Karzai đã tuyên bố rằng, ông sẽ tìm kiếm cơ hội tái cử nhiệm kỳ hai. Những đối thủ chính trị "nặng kí" khác dự kiến sẽ tham gia cuộc cạnh tranh vào mùa hè này.
Trong số những người được cho là sẽ chạy đua giành ghế lãnh đạo đất nước có nhiều cựu bộ trưởng, kể cả Ali Jalali, Ashraf Ghani và tiến sĩ Abdullah Abdullah cũng như vị thủ hiến tỉnh hùng mạnh Gul Agha Sherzai. Hiện cũng có những đồn đoán rằng Zalmay Khalilzad - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, sinh ra ở Afghanistan có thể nhăm nhe can dự vào sự kiện quan trọng này.
Nhật: Bầu cử quốc hội (tháng 9)
Tỉ lệ tín nhiệm đối với Thủ tướng Nhật Taro Aso đang sụt giảm nghiêm trọng. (Ảnh: Telegraph)
Nhật phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng 9 và sự kiện đó có thể là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chính trị quốc gia này. Trong suốt 50 năm qua, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã lãnh đạo đất nước hầu như liên tục, nhưng lần này đảng Dân chủ (DPJ) đối thủ đang có cơ hội thực sự để giành chiến thắng.
Đảng LDP đã đối mặt với hàng loạt vấn đề trong năm qua như các trở ngại kinh tế, bê bối tham nhũng và thế bế tắc trong cơ quan lập pháp, dẫn tới tỉ lệ tín nhiệm liên tục ở mức thấp.
Taro Aso đã được chọn làm thủ tướng hồi tháng 9 trong khi hai người tiền nhiệm của ông chỉ trụ ở vị cầm quyền được 1 năm mỗi người. Dư luận từng dự đoán rằng ông Aso có thể tổ chức bầu cử sớm ngay sau khi lên nắm quyền trong khi tỉ lệ ủng hộ dành cho ông vẫn còn cao.
Tuy nhiên, khi tỉ lệ tín nhiệm sụt giảm và dự báo về nền kinh tế đang tiến theo chiều hướng tồi tệ hơn, triển vọng về việc tổ chức bầu cử sớm hiện dường như càng trở nên xa vời.
Đức: Bầu cử quốc hội (27/9)
Cuộc bầu cử sẽ đẩy Thủ tướng Angela Merkel của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier của đảng Dân chủ xã hội (SPD) - hai yếu nhân thuộc chính phủ liên minh đương nhiệm vào thế đối địch nhau.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier sẽ trở thành đối thủ của nhau trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. (Ảnh: Bundeskanzlerin)
Không ai trong số họ muốn bị ép buộc phải lặp lại cùng một liên minh. Các thành viên CDU muốn cộng tác với đảng Dân chủ Tự do (FPD), trong khi đảng SPD muốn bắt tay với đảng Xanh.
Tuy nhiên, nền chính trị Đức đang ngày càng trở nên phức tạp hơn và liên minh 3 đảng có thể sẽ là kết quả của cuộc bầu cử lần này: Một liên minh "Đèn giao thông" giữa APD, FDP và đảng Xanh hoặc một liên minh "Jamaica" giữa CDU, FDP và đảng Xanh.
Cả bà Merkel và ông Steinmeier đang nhắm tới vị trí trung tâm của nền chính trị Đức. Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế đang có nguy cơ đe dọa tỉ lệ tín nhiệm cao dành cho nữ thủ tướng đương nhiệm.
Sau khi bác bỏ các biện pháp tài chính nhằm kích thích nền kinh tế, bà Merkel đã bị chỉ trích vì có phản ứng chậm. Kể từ đó, bà Merkel đã cho cắt giảm các loại thuế và tăng cường chi tiêu.