Trong 7 ngày qua, 34 quốc gia ghi nhận số ca mắc hàng tuần ca nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có 18 nước châu Âu và 7 nước châu Phi, theo số liệu của AFP. Dữ liệu của Worldometers ngày 8/1 cho thấy ca nhiễm trên toàn thế giới đã vượt mức 303,6 triệu.
Biến chủng Omicron khiến thế giới ghi nhận 13,5 triệu ca nhiễm trong tuần trước, cao hơn 64% so với 7 ngày trước đó, nhưng tỷ lệ tử vong trung bình toàn cầu giảm 3%. Omicron được đánh giá dễ lây lan hơn nhiều so với các biến chủng trước đó, nhưng dường như ít gây trở nặng hơn.
Cơ quan y tế công cộng Pháp hôm 7/1 cho biết nguy cơ nhập viện ở người nhiễm biến chủng Omicron thấp hơn khoảng 70% so với các biến chủng trước, dẫn dữ liệu từ Mỹ, Anh, Canada và Israel. Tuy nhiên, với trung bình 2 triệu ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày trên toàn cầu, chuyên gia cảnh báo nguy cơ các hệ thống y tế bị áp đảo.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ hôm 7/1. Ảnh: AFP.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng Omicron không nên được coi là biến chủng nhẹ, vì nó "đang khiến nhiều người nhập viện và tử vong". "Thực tế, sóng thần lây nhiễm rất lớn và nhanh chóng, đang áp đảo các hệ thống y tế trên toàn thế giới", ông nói.
Sự lây lan chóng mặt của Omicron kể từ khi được phát hiện cách đây 6 tuần đã khiến nhiều quốc gia đẩy mạnh tiêm chủng và một số quốc gia phải áp biện pháp hạn chế.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua cho biết chỉ người đã tiêm đầy đủ hoặc đã khỏi Covid-19, đồng thời trình kết quả xét nghiệm âm tính, mới được tới quán bar, nhà hàng. Tuy nhiên, người đã tiêm mũi tăng cường được miễn yêu cầu xét nghiệm.
Số ca nhiễm tăng nhanh ở Ấn Độ do biến chủng Omicron cũng làm dấy lên lo ngại nguy cơ những ngày đại dịch đen tối nhất vào năm ngoái trở lại. Gautam Menon, giáo sư tại Đại học Ashoka của Ấn Độ, cảnh báo rằng "điều này có thể gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở mức tương đương hoặc tệ hơn làn sóng trước".
Tuy nhiên, tòa án thành phố Calcutta, bang Tây Bengal, đã bác đề nghị hủy một lễ hội lớn của người Hindu, bất chấp lo ngại virus có thể lây lan nhanh chóng trong số 500.000 người dự kiến tham dự.
"Người dân từ tất cả các bang trong nước sẽ tham dự lễ hội tôn giáo và ngâm mình dưới dòng sông thiêng", nhà bảo vệ môi trường Subhash Dutta nói. "Họ có thể mang theo các loại biến chủng và lễ hội tôn giáo này có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm nhất trong những ngày tới".
Huyền Lê (Theo AFP)