Nhà văn Bùi Hiển (1919 - 2009) được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2022, ngày 19/5, tại Hà Nội. Ông có một đời văn hoạt động dài lâu, bền bỉ.
Nhiều bạn văn, đồng nghiệp chung nhận định Bùi Hiển là một tác giả nghiêm túc, tâm huyết với nghề viết. Gia đình nhà văn cho biết ông còn để lại khoảng 70 cuốn sổ tay viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, trong đó ghi chép nhiều tư liệu sau những chuyến đi thực tế để tìm đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác.
Bùi Hiển sinh ra tại làng Phú Nghĩa Hạ, nay thuộc xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ ông đã được học và tiếp xúc nhiều với nền văn hóa Pháp, do học trường Quốc học Vinh từ năm 13 đến 17 tuổi. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương qua những truyện ngắn gửi đăng báo.
Ở "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" (chữ dùng của nhà thơ Thế Lữ), Bùi Hiển chịu ảnh hưởng lối viết truyện ngắn của nhà văn Pháp nổi tiếng Guy de Maupassant và nhà văn đương thời Nguyễn Công Hoan. Nhưng ông vẫn tìm được lối đi riêng. Guy de Maupassant và Nguyễn Công Hoan hướng ngòi bút về những chủ đề đô thị với con người thị dân thuộc mọi tầng lớp xã hội. Còn Bùi Hiển, ngay từ tập truyện ngắn đầu tay Nằm vạ (xuất bản năm 1941), đã tập trung khắc họa đời sống người miền quê vùng biển xứ Nghệ.
Trong hồi ký Những năm tháng ấy, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan có nhận xét: "Bùi Hiển được bạn đọc chú ý từ những truyện về phong tục, về mê tín dị đoan của người dân quê xứ Nghệ". Thành công đầu tiên của Bùi Hiển giúp cho ông đặt một nền móng vững chắc cho cuộc đời hoạt động văn học của mình. Tháng 8 năm 1945, Bùi Hiển tham gia Tổng khởi nghĩa tại thành phố Vinh. Sau đó Bùi Hiển lần lượt phụ trách các công tác: Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh Nghệ An, đồng thời là Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Nghệ An, Ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Liên khu IV.
Khác nhiều nhà văn cùng thời, những sáng tác sau năm 1945 của Bùi Hiển đi tiếp con đường văn chương ông vạch ra từ thuở mới dấn thân vào nghiệp viết. Thay vì tập trung vào những ồn ào, những tuyên truyền trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của dân tộc, Bùi Hiển vẫn viết về những con người cùng thời, kiên trì lối diễn đạt giản dị, chân thực, hướng con người đến những điều tốt đẹp.
Trả lời cho người bạn thân là nhà văn Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển nói về quan điểm sáng tác của ông: "Nói tiếng nói khiêm tốn, khơi dậy những gì tốt đẹp vẫn tàng ẩn trong bất cứ con người nào" (Bùi Hiển, Tác phẩm và dư luận, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2003). Bùi Hiển cũng từng viết về vai trò của văn học dưới nhãn quan của ông trong tác phẩm Hướng về đâu văn học: "Văn học thật ra, suy cho cùng, chẳng làm được gì nhiều lắm. Nhưng nó có khả năng, có thiên chức đánh thức dậy những ước ao hướng thiện và những tiềm tàng tự hướng thiện ở từng con người một".
Có lẽ vì thấm nhuần quan điểm ấy, nên những tác phẩm văn xuôi của Bùi Hiển luôn hướng đến việc lột tả vẻ đẹp của con người một cách sâu kín và giản dị, đồng thời vẫn đượm chất thơ. Không khốc liệt, không day dứt, những nhân vật của nhà văn như cô tiểu đội trưởng Bích Hường trong truyện ngắn Hai giọt nước mắt của tiểu đội trưởng Bích Hường, cô gái mù trong truyện ngắn Chiếc lá, chị Mẫn trong truyện ngắn cùng tên đều là những con người bộc lộ tính cách nhân văn đằng sau vẻ ngoài đơn thuần, mộc mạc.
Ngay cả khi cần phê phán, lên án cái xấu, cái ác của con người, nhà văn Bùi Hiển vẫn khẳng định: "Tôi rất kị kiểu nhà văn nào đó lên giọng dạy đời, chì chiết hoặc chửi bới, cứ như thù hận con người (...). Khi cần phê phán, tôi thích dùng lối văn châm biếm nhẹ nhàng, chen tí hài hước khoan dung, nhằm đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người, nó đang ngủ gà ngủ gật vì kém nội lực bản thân hoặc bị khỏa lấp do những eo xèo cuộc sống, và nhằm đừng để trượt dần dù là vô tình vào cái xấu, cái ác". (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn - 1997).
Từ năm 1954 đến những năm cuối đời, ông vừa viết văn, làm báo, dịch sách và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam như: Ủy viên biên tập tuần báo Văn học, báo Văn nghệ, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam. Ở cương vị nào, nhà văn Bùi Hiển cũng ghi được những dấu ấn thành công.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhà văn Bùi Hiển cho ra mắt những truyện ngắn pha lẫn màu sắc bút ký, ghi chép như: Ánh mắt, Đánh trận giặc lúa, Một cuộc hành quân và Người tù binh Pháp. Sau năm 1954, Bùi Hiển cho ra mắt các truyện, truyện ký như Ánh mắt, Trong gió cát, Đường lớn, Những tiếng hát hậu phương, Hoa và thép.
Sau năm 1975, một loạt tác phẩm của nhà văn ra đời như: Tuyển tập Bùi Hiển tập 1 và 2, các tập truyện ngắn Ngơ ngẩn mùa xuân, Hai mươi lăm truyện ngắn 1940 - 1995, tác phẩm lý luận phê bình Hướng về đâu văn học, tập sách chân dung văn học Bạn bè một thuở, Bùi Hiển, tác phẩm và dư luận. Ngoài tập truyện ngắn Nằm vạ, cho đến những năm cuối đời, Bùi Hiển vẫn tiếp tục ra mắt nhiều tác phẩm văn xuôi.
Bên cạnh công việc viết văn, làm báo, nhà văn Bùi Hiển còn tập trung vào mảng dịch thuật. Ông đã dịch những tác phẩm nổi tiếng của nhiều nhà văn nước ngoài từ tiếng Pháp như: Đội cận vệ thanh niên của nhà văn Nga Alexander Fadeev, Những người chết còn trẻ mãi của nhà văn Đức Anna Seghers, Những truyện ngắn phương Đông của nhà văn Pháp Marguerite Yourcenar, Bản di chúc Pháp của nhà văn Pháp Andrei Makine, Những kẻ văn minh của nhà văn Pháp Claude Farrère.
Hà Thanh Vân