Bỏ đề xuất điều tra thuế, thu thuế thương mại điện tử 1 triệu đồng

 Còn nhớ, ở thời điểm tháng 11 năm ngoái, khi Bộ Tài chính đề xuất cần bổ sung chức năng điều tra thuế cho cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra lo lắng, chuyên gia, luật sư phản đối.

Bởi lẽ, Bộ Tài chính muốn cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, nếu có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm thì trưởng đoàn kiểm tra, thanh tra, chi cục trưởng, cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm.

Đề xuất này, theo các doanh nghiệp và chuyên gia là không đảm bảo cơ sở pháp lý và quan trọng nhất là gây ra những hệ lụy như nguy cơ cán bộ thuế lạm quyền, gây nhũng nhiễu cho người nộp thuế.

Ngược lại, Tổng cục Thuế cũng đã có những giải thích thêm về việc cần thiết phải có chức năng này, mô hình từ các nước…

Và đến nay, trong bản dự thảo mới nhất, nội dung này đã được loại bỏ.

Liên quan đến nội dung quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, cơ quan chức năng cũng đã bỏ đi đề xuất thu thuế với hàng hóa chuyển phát nhanh xuyên biên giới theo hướng nếu có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên thì thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo một tỷ lệ (%), không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần như trong dự thảo cũ.

Theo tờ trình mà Bộ Tài chính dự thảo trình Chính phủ thì để vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này. Dự thảo Luật Quản lý thuế đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng: xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại; Bộ Công Thương…

Theo đó, một nội dung đáng chú ý trong dự thảo là ngân hàng thương mại có trách nhiệm “khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử. Đồng thời, thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Tương tự, Bộ Công Thương thì có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; thực hiện kết nối, cung cấp thông tin liên quan để quản lý thuế đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.

Dự thảo Luật Quản lý thuế mới để thay thế cho Luật Quản lý thuế 2006 được Bộ Tài chính công bố lần đầu vào tháng 11-2017. Trong thời gian qua, cơ quan này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành…

Theo Bộ Tài chính, dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi này dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thứ hai năm 2018) và trình thông qua tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp thứ nhất năm 2019).

Và thời gian có hiệu lực thi hành của Luật khi được thông qua sẽ từ 1-1-2020 hoặc từ ngày 1-7 cùng năm.

Xem thêm:

Điều tra thuế: lo ngại cơ quan thuế lạm quyền


Giày Đại Phát solution
Số người online:
9873
Số người truy cập:
9004567