Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Vladimir Putin trong buổi lễ duyệt binh tại Trung Quốc năm 2014. Ảnh: AFP. |
Nezavisimaya Gazeta, một trong những tờ nhật báo lâu đời và lớn nhất của Nga theo hướng trung dung, cho biết trong bài xã luận gần đây rằng Nga và các nước Trung Á là yếu tố then chốt trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, phe đối lập tại những quốc gia này đã lên tiếng chỉ trích chương trình ngày càng quyết liệt hơn do lo ngại về tham nhũng và tổn hại môi trường.
Ban đầu, chỉ Kazakhstan và Kyrgyzstan công khai phản đối Trung Quốc vì nghi ngờ quốc gia Đông Á muốn mở rộng tầm ảnh hưởng, thậm chí thâu tóm Trung Á. Nhưng giờ đây, ý muốn chống lại Bắc Kinh cũng trở nên phổ biến tại các nước khác trong khu vực, Liberty Times, một hãng thông tấn lớn của Đài Loan, đưa tin. Tờ báo này lưu ý thêm rằng các chính trị gia đối lập có thể dễ dàng lợi dụng tình hình để buộc tội chính phủ bán tài sản đất nước cho Trung Quốc.
Trung Quốc lần đầu đưa ra sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013. Đây là dự án xây dựng qua hơn 60 nước, dựa trên ý tưởng hồi sinh Con đường tơ lụa từng kết nối Trung Quốc với Trung Á, châu Âu và xa hơn nữa. Mục đích chính của nó là giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng giúp Bắc Kinh có thêm đối tác thương mại.
Việc Trung Quốc tăng cường tìm kiếm lợi ích tại Trung Á diễn ra khi Nga cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng. Giới chuyên gia nhận định sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và kế hoạch xây dựng không gian kinh tế Á - Âu của Nga sẽ không thể cùng tồn tại.