Bạn tư duy tiền bạc thế nào?

 Nhiều người có thói quen xấu và cách nhìn không lành mạnh về tiền bạc, ảnh hưởng đến cách chi tiêu, tiết kiệm. Đó là lý do tại sao hai người có cùng mức lương có cảm giác khác nhau về tài chính. Một người liên tục rơi vào tình trạng thiếu tiền, trong khi người khác lập ngân sách xoay sở tiết kiệm đặt cọc mua nhà.

Huấn luyện viên, người đào tạo về tiền bạc Sarah McCalden (London, Anh) tin có những cách nhìn khác như vậy là do "tư duy về tiền bạc". "Tư duy về tiền bạc là tất cả niềm tin và thái độ của bạn về tiền bạc. Nó thúc đẩy các quyết định bạn đưa ra và hành động để kiếm tiền, tiêu tiền, tiết kiệm, đầu tư", Sarah nói.

Theo Sarah cách bạn dùng tiền và giữ tiền bắt nguồn từ chính tư duy tiền bạc của bạn.

Ảnh minh họa: Metro

Làm thế nào để xác định tư duy kiếm tiền của bạn?

Tư duy kiếm tiền có hai khía cạnh: tư duy thiếu và tư duy thừa. Sarah đưa ra ví dụ về một cặp vợ chồng trẻ. Cả hai kiếm được khoản bằng nhau. Người chồng lớn lên cùng với cha mẹ, những người luôn nghĩ mình không đủ tiền mua được thứ gì họ muốn. Khi lớn lên, chàng trai luôn có cảm giác không bao giờ là đủ và luôn có điều gì đó xảy đến khiến anh phải tiêu những xu cuối cùng. Anh nói không đủ khả năng tiết kiệm và dù có, những đồng tiền đều biến mất.

"Anh chồng luôn cảm thấy phải vật lộn qua từng tháng, từng ngày. Nhìn về tương lai, anh thấy vất vả và lo lắng", Sarah nói.

Trong khi đó, người vợ không lo lắng về tiền bạc, vì lớn lên trong một gia đình giàu có. Mẹ thường nói với cô "chúng ta thật may mắn khi có mọi thứ mình cần". Cha mẹ khuyến khích cô nghĩ "Làm thế nào có thể mua được thứ gì đó?", thay vì nói rằng họ không đủ tiền chi trả.

Cô gửi 40 bảng mỗi tháng vào khoản tiết kiệm ngay sau khi được trả lương và tích lũy được khoản tiết kiệm gần 500 bảng trong năm qua. Người vợ biết mình có khả năng ngăn bản thân sử dụng thẻ tín dụng và sử dụng quỹ khẩn cấp. Cô tin mình giỏi về tiền bạc và luôn mang tờ 50 bảng Anh trong ví để nhắc nhở bản thân rằng mình có tiền, thấy hài lòng về điều đó.

"Niềm tin về tiền bạc thường bắt nguồn từ thời thơ ấu. Chúng ta không thể quay lại và thay đổi tuổi thơ nhưng hoàn toàn có thể thay đổi niềm tin, thái độ về tiền bạc", Sarah nói.

Cô khuyên hãy xem xét và ý thức về những gì chúng ta tin tưởng. Bạn học được gì khi chứng kiến cha mẹ nói chuyện và sử dụng đồng tiền? Nỗi sợ của họ là gì? Quan điểm của họ thế nào? Quy tắc của họ xung quanh tiền bạc? Họ thực hiện những lựa chọn thế nào với số tiền của mình? Thái độ của họ với tiền bạc là gì?

Hãy viết những thứ này ra để có một bức tranh rõ ràng. Hãy đặt câu hỏi, nếu tiền bạc là một con người, bạn sẽ mô tả mối quan hệ với chúng ra sao? Mục đích kiếm tiền trong thời điểm này của gia đình bạn là gì? Bạn làm gì để kiếm nhiều tiền hơn nhằm đáp ứng mục đích của đời mình?

Hãy nghĩ về những người bạn xung quanh. Họ có suy nghĩ tích cực hay tiêu cực về tiền bạc? Họ nói và làm gì liên quan đến tiền bạc? Nghe có vẻ lãng phí thời gian, nhưng nghiêm túc, hãy ngồi xuống và viết câu trả lời cho những câu hỏi này. Cuối cùng, bạn có thể thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận tiền bạc.

Hãy thay đổi suy nghĩ về tiền bạc của bạn theo các bước sau:

Thực hành lòng biết ơn

Điều đầu tiên chuyên gia khuyên bạn là thực hành lòng biết ơn. Nếu bạn biết ơn những gì mình có, bạn sẽ dễ chịu hơn. Chỉ tập trung vào những gì bạn thiếu thì luôn có suy nghĩ "Tôi không bao giờ có đủ".

Viết một lời khẳng định tích cực

Điều thứ hai, sẽ tốn nhiều công sức hơn một chút, là ngồi xuống, viết ra ít nhất một lời khẳng định tích cực về tiền bạc. Viết những điều ngược lại với suy nghĩ mà bạn có và lập trình trong não. Nói đi nói lại rằng bạn muốn thay đổi suy nghĩ đó.

Học hỏi

Đọc một cuốn sách về tiền. Có rất nhiều thứ để bạn lựa chọn, nhưng Sarah khuyên một trong những cuốn sách nên đọc là "Cha giàu, Cha nghèo" của Robert Kiyosaki.

Cho đi

Nếu bạn cảm thấy thiếu, hãy mua Big Issue (tạp chí đường phố về văn hoá và giải trí giúp đỡ những người vô gia cư) hoặc đưa một người bạn đi uống cafe. Rộng rãi với mọi người sẽ khiến bạn thoải mái và nhận ra sự giàu có của bản thân.

Theo dõi tiền của bạn

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy theo dõi tiền của bạn. Mọi thứ đến với bạn hàng ngày. Viết nó trong nhật ký hoặc trên một bảng tính. Ngay cả khi nó bằng không.

Chỉ một hoạt động này, nếu bạn thực hiện hàng ngày, sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn. Hãy biến điều này thành một thói quen.

Nhật Minh (theo Metro)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
67885
Số người truy cập:
8590268