Trung Quốc là một trong những quốc gia có tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn. Theo quy định được duy trì từ thập niên 1950, độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ Trung Quốc là 50, còn nam giới là 60.
Theo quy định này, thế hệ "bùng nổ dân số" của Trung Quốc, những người sinh vào đầu thập niên 1960 và từng mang lại nguồn nhân lực dồi dào cho nước này, giờ đây đang đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, quỹ hưu trí đô thị, dù nhận được trợ cấp của chính phủ, dự kiến cạn kiệt khoản tiền tích lũy suốt hai thập kỷ qua vào năm 2035, buộc quỹ này phải dựa hoàn toàn vào nguồn đóng góp của lực lượng lao động mới, theo dự báo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS).
Tình trạng này có thể khiến chính phủ Trung Quốc phải yêu cầu người dân kéo dài thời gian lao động và tăng tuổi nghỉ hưu, như nhiều nền kinh tế lớn khác đã làm. Tuổi nghỉ hưu trung bình năm 2020 ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 64,2 với đàn ông và 63,4 với phụ nữ.
Zhou Xiaochuan, cựu thống đốc ngân hàng trung ương, hồi tháng 2 cảnh báo nhiều người Trung Quốc có thể phải dựa vào các quỹ hưu trí tự nguyện. "Hệ thống hưu trí ở Trung Quốc cần chuẩn bị đối phó với lượng dân số khổng lồ đang già hóa nghiêm trọng", ông Zhou cho biết.
Nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây thông qua luật nâng tuổi nghỉ hưu, gây ra làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tuần ở nước này. Mỹ cũng phải nỗ lực duy trì hệ thống An sinh Xã hội, khi chi phí bắt đầu vượt quá nguồn thu năm 2021.
Tuy nhiên, dân số Trung Quốc đang già đi với tốc độ nhanh hơn đáng kể, trong khi mức thu nhập bình quân của người dân thấp hơn so với Pháp và Mỹ. Đây được cho là hậu quả của chính sách một con được duy trì nghiêm ngặt trong thời gian dài, khiến lượng phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ ngày ngày giảm, cùng thế hệ con một ít có nhu cầu kết hôn và lập gia đình.
Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc (MOHRSS) ước tính hơn 40 triệu người Trung Quốc, lớn hơn dân số Canada, sẽ nghỉ hưu trong giai đoạn 2020-2025. Dân số trong tuổi lao động 16-59 tuổi dự kiến giảm 35 triệu người trong cùng thời kỳ.
"Giới chức Trung Quốc đang theo dõi sát những con số này. Họ đều biết quy định về tuổi nghỉ hưu hiện tại là không bền vững", Cai Yong, chuyên gia xã hội học tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, Mỹ, cho biết.
Các nhà kinh tế và nhân khẩu học cho rằng Trung Quốc có thể sửa đổi quy định lâu đời về tuổi hưu trong năm nay, sau nhiều năm không đưa ra bất cứ đề xuất nào để giải quyết vấn đề mất cân bằng trong quỹ hưu trí.
Trong khi các quan chức chính phủ và chuyên gia kinh tế cảm nhận được tính cấp bách của việc thay đổi quy định về tuổi hưu, nhiều người Trung Quốc ở độ tuổi trung niên lại đang mong chờ được nghỉ hưu theo chế độ như trước, dù đây vẫn là độ tuổi chín muồi của họ trong sự nghiệp.
Bà Guo Jinyi tại Chiết Giang nghỉ hưu năm ngoái ở tuổi 50, sau hai thập kỷ làm việc tại một công ty bảo hiểm nhà nước ở địa phương. Bà nhận lương hưu 6.000 tệ (872 USD) mỗi tháng, khoản tiền bà cho là "vừa đủ để bắt đầu chương hai của cuộc đời".
Bà hiện dành phần nhiều thời gian tham gia các lớp khiêu vũ và đưa cháu đi chơi tại các trung tâm thương mại. "Tôi may mắn vì có thể về hưu đúng hạn. Thật không công bằng nếu những người trẻ hơn phải nghỉ hưu muộn hơn", bà nói.
Nhóm dân trên 60 tuổi đã chiếm 1/5 dân số Trung Quốc, dự kiến tăng lên 1/2 vào cuối thế kỷ, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Cảnh nhiều người hưu trí ở độ tuổi như bà Guo khiêu vũ, tập thể dục tại các quảng trường, khu dân cư ở nhiều thành phố Trung Quốc cũng không còn xa lạ.
Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh sẽ phải thay đổi tuổi hưu "một cách chậm rãi", tăng độ tuổi về hưu thêm vài tháng mỗi năm trong vài năm, thay vì lập tức tăng vọt như chính sách của Pháp.
Một số nhà nghiên cứu gợi ý động thái đầu tiên có thể là nâng tuổi hưu của phụ nữ ngang với nam giới. Một số nhóm nữ lao động nhất định có thể nghỉ hưu ở tuổi 50, trong khi những người khác cần chờ đến 55 tuổi.
Nhưng quá trình triển khai được dự đoán sẽ đối mặt nhiều chông gai, do ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người hưu trí.
Khi được hỏi về thời điểm công bố kế hoạch nâng tuổi hưu, Thủ tướng Lý Cường hồi tháng 3 cho biết chính phủ "sẽ nghiên cứu, phân tích cẩn thận và đầy đủ để thận trọng đưa ra chính sách mới trong thời gian tới". Chính phủ Trung Quốc và MOHRSS không trả lời yêu cầu bình luận.
Chính quyền các tỉnh Sơn Đông và Giang Tô đã tiên phong với quy định cho phép một số lao động tay nghề cao được hoãn nghỉ hưu nếu họ muốn. Tuy nhiên, nhiều lao động cho rằng đây sẽ là quy định bắt buộc trong vài năm tới và cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi.
"Tôi đã sẵn sàng làm việc đến 65 tuổi", một kế toán giấu tên 31 tuổi làm việc trong một công ty nhà nước ở Sơn Đông nói, cho biết thêm các lãnh đạo đơn vị đã nhiều lần tổ chức họp nội bộ về phương án nâng tuổi hưu.
Anh cũng đang nỗ lực tiết kiệm tài chính bởi không kỳ vọng sẽ được hưởng chế độ hưu trí giống như cha mẹ mình. Nỗi lo về nguy cơ không được hưởng đầy đủ chế độ từ quỹ hưu trí nhà nước đã thúc đẩy nhiều người trẻ Trung Quốc tìm đến các chương trình bảo hiểm cá nhân.
Giới chức và các chuyên gia kinh tế cũng lo rằng nhiều người Trung Quốc chưa chuẩn bị một cách kỹ càng trước tình trạng dân số quốc gia đang già hóa nhanh chóng. Nhiều trung niên Trung Quốc thậm chí còn quyết định nghỉ hưu sớm hơn so với độ tuổi quy định hiện nay.
Vào thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, Vivi Shi, hiện 46 tuổi, đã đóng cửa doanh nghiệp xây dựng ở Vũ Hán và bắt đầu sống dựa vào trợ cấp nhà nước, tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư.
"Đột nhiên không có ai làm việc cả. Tôi cũng cảm thấy ổn khi không phải làm việc quá sức", cô nói.
"Trì hoãn về hưu" và "nghỉ hưu sớm" là hai trong các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc năm nay. "Điều cần thiết là phải giúp công chúng hiểu rõ hơn về thực tế hiện nay", cựu thống đốc Zhou nhấn mạnh.
Đức Trung (Theo WSJ)