Bài toán 3.000 tỷ USD từ Trung Quốc cho chứng khoán Việt Nam

 Có dấu hiệu đảo chiều nhẹ trong 2 ngày gần đây, song cú sụt tới 30% của chứng khoán Trung Quốc trong vòng vài tuần qua đã khiến không ít nhà đầu tư thất vọng với thị trường này. Trong lúc chỉ số Shanghai Composite lao dốc, vốn hóa thị trường giảm trên 3.000 tỷ USD, nhiều chuyên gia cho rằng những sàn chứng khoán khác ở châu Á, trong đó có Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư.

"Chúng tôi đã trao đổi với nhiều nhà đầu tư tổ chức, họ nói rất nhiều về thị trường Việt Nam", ông Eric Mustin - Phó chủ tịch WallachBeth Capital chia sẻ với CNBC.

chung-khoan-TQ-4965-1436504081.jpg

Chứng khoán Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý của thị trường toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Đại diện WallachBeth Capital ví Việt Nam như thị trường Trung Quốc cách đây một năm, trong bối cảnh nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây nhất, Việt Nam đã cho phép nới tỷ lệ sở hữu (room) của khối ngoại tại một số lĩnh vực, ông Mustin cho rằng điều này sẽ khiến thị trường chứng khoán hưởng lợi lớn.

Bà Erin Gibbs - Giám đốc phụ trách đầu tư của S&P Capital IQ cũng nhấn mạnh Việt Nam đang dần trở thành thị trường mới nổi thực sự theo những tiêu chuẩn của S&P. "Việt Nam là một trong những thị trường cận biên mạnh mẽ nhất và họ có thể dễ dàng nâng hạng lên mới nổi", Gibbs nói.

Với việc Chính phủ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ở New York vào đầu tháng 7, các nhà đầu tư Mỹ đang để ý tới Việt Nam. "Thị trường Việt Nam có chút ít tương quan với S&P, chỉ số được coi là tôn chỉ của nhà đầu tư quốc tế và những người quan tâm đến thị trường mới nổi", bà Gibbs cho biết.

Đánh giá thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, song các chuyên gia ngoại cho rằng trong ngắn hạn, vẫn sẽ chưa có điều thần kỳ nào xảy ra. "Đối với nhà đầu tư chứng khoán, họ sẽ không rót tiền vào trừ phi trông thấy một sự phát triển ở nơi đó". "Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm", lãnh đạo S&P Capital IQ cho hay.

Giám đốc chiến lược thị trường mới nổi của Brown Brothers Harriman - Win Thin nhận định nhà đầu tư có thể muốn đợi cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đi qua và tình trạng bán tháo của Trung Quốc chấm dứt mới quay sang những thị trường như Việt Nam. 

Vị này cho rằng khi chứng khoán Trung Quốc khó khăn, thị trường Việt Nam có thể hấp dẫn, nhưng với mức GDP khoảng 171 tỷ USD, vẫn còn một chặng đường dài để thay thế Trung Quốc. "Thị trường Việt Nam quá nhỏ, gần như chỉ được so sánh là Thái Lan thứ 2", Thin nói.

Các chuyên gia ngoại khuyến nghị Việt Nam cần giải quyết những thách thức bao gồm ổn định lạm phát và tăng GDP bình quân đầu người. 

Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Bảo Ngọc - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Công ty Chứng khoán MBS nhận xét thị trường Việt Nam có hưởng lợi từ việc thị trường Trung Quốc sụt giảm hay không vẫn là câu hỏi lớn. "So với vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường Việt Nam chưa là gì", ông Ngọc nói.

Trước khi xảy ra cơn khủng hoảng, vốn hóa thị trường Trung Quốc có thời điểm lên tới 10.500 tỷ USD, trong khi vốn hóa của Việt Nam khoảng 60 tỷ USD. Trong đợt lao đốc vừa qua, hơn 3.000 tỷ USD vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã "bốc hơi", song con số này cũng gấp tới 50 lần vốn hóa thị trường Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam vẫn chưa được xếp vào rổ chỉ số MSCI Emerging Market cũng cản trở việc đón dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc.

Vị chuyên gia từ MBS đánh giá rất khó để Việt Nam hấp thụ được lượng vốn hàng nghìn tỷ USD, nhưng với hiệu ứng từ đợt xúc tiến đầu tư tại Mỹ vừa qua cộng với việc Chính phủ cho phép nới room từ 1/9, Việt Nam có thể trông chờ dòng tiền từ các quỹ đầu tư nhỏ.

"Tôi kỳ vọng sau tháng 9 Việt Nam sẽ đón một dòng vốn nhỏ từ các quỹ đầu tư Mỹ khi họ hoàn thành các thủ tục gia nhập thị trường. Lúc đó, chúng ta mới có cơ hội đón nhận dòng vốn mới", ông Ngọc bày tỏ.

Trong dài hạn, nếu Việt Nam hoàn thành xây dựng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và có các biện pháp tăng thanh khoản và nâng hạng thị trường thành công, chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội đón những dòng vốn "khủng" hơn.

Sau một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường suốt hai tuần qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang có tín hiệu hồi phục trở lại. Chỉ số Shanghai Composite tăng gần 5,76% trong phiên hôm qua và đến 11h30 sáng nay, chỉ số này tiếp tục tăng 5,16%.

Trong khi đó, VN-Index đóng cửa phiên sáng nay ở mức 625,61 điểm, tăng 3,51 điểm so với phiên trước. Trong nửa ngày giao dịch, đã có 134 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13834
Số người truy cập:
9051419