Bạch phiến hiện là mối đe dọa lớn cho xã hội Nga. Ảnh: DAILY MAIL
Đường đi của chất trắng
Theo nhật báo Pháp Le Monde, 21% lượng bạch phiến sản xuất tại Afghanistan được tiêu thụ ở Nga và bình quân mỗi ngày, bọn buôn lậu chuyển khoảng 200 kg bạch phiến và chất ma túy khác vào nước này từ các nước Trung Á. Tướng Viktor Ivanov là người được Thủ tướng Nga Vladimir Putin tin cậy vì hai người từng là đồng đội ở cơ quan tình báo KGB trước đây. Nhưng cuộc chiến chống ma túy vẫn chưa có hiệu quả, cơ quan có thẩm quyền chỉ thu giữ được khoảng 4% lượng ma túy đổ vào nước Nga và hiện có khoảng 2 triệu người từ 18 đến 39 tuổi sử dụng ma túy thường xuyên.
Nhóm người này dễ trở thành nạn nhân của căn bệnh AIDS và nguyên nhân của nhiều tệ nạn xã hội. Một số khá đông dân nghiện sống tại các thành phố công nghiệp thuộc vùng Ural, giữa trục giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không với Trung Á.
Ma túy được vận chuyển lậu từ Kazakhstan qua biên giới Nga và rất khó kiểm soát vì đường biên giới này dài đến 7.000 km. Con đường tơ lụa thời xưa nay đã thành đường buôn lậu ma túy với những quốc gia nghèo bị tình trạng bất ổn và tệ nạn tham nhũng hoành hành như Tajikistan và Kyrgyzstan là trạm trung chuyển.
Một cư dân gốc Uzbekistan tại thành phố Osh (Nam Kyrgyzstan) thuật lại: “Từ cuối năm 1990 đến nay, tất cả gia đình và dòng họ chúng tôi sống và gầy dựng sự nghiệp nhờ vận chuyển ma túy”. Trong một đất nước có đồng lương trung bình chỉ khoảng 100 USD, mối lợi to lớn do ma túy mang lại dễ dàng quyến rũ. Một ký bạch phiến ở Afghanistan có giá 1.500 USD, lên tới 6.000 USD tại biên giới Kazakhstan và giá ở Moscow là 50.000 USD.
Liên quan với chính quyền
Đất nước Kyrgyzstan là mắt xích chính trên đường buôn lậu ma túy. Từ biên giới Tajikistan, bạch phiến được chuyển sang miền Nam Kyrgyzstan rồi đến phía Tây qua Uzbekistan hoặc lên hướng Bắc theo ngả Kazakhstanđể chuyển vào Nga. Theo giới phân tích, việc vận chuyển này ít nhiều có liên quan tới chính quyền và cảnh sátKyrgyzstan.
Trong thời gian làm tổng thống Kyrgyzstan từ 2005 – 2010, ông Kurmabek Bakiyev đã giải thể cơ quan chống buôn lậu ma túy trực thuộc Bộ Nội vụ vào năm 2008 mà không giải thích lý do. Đến năm 2009, ông cho đóng cửa cơ quan kiểm soát ma túy. Trong thời gian này, một quỹ về đầu tư và cải cách được thành lập mà nguồn gốc tài chính không được minh bạch do con trai ông là Maxim Bakiyev đứng đầu. Janysh Bakiyev, anh của Maxim, là chỉ huy lực lượng an ninh.
Trước tình hình này, Nga yêu cầu nỗ lực hợp tác quốc tế, đặc biệt là những chương trình phối hợp chống ma túy trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Điều làm Nga bất bình nhất là NATO tỏ ra thiếu thiện chí hợp tác trong việc chống buôn lậu ma túy tại Afghanistan. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin tố cáo rằng NATO đã cho thấy “thái độ thụ động khó hiểu” trong cuộc chiến chống ma túy và đã không đáp ứng “đề nghị hợp lý” của CSTO về vấn đề này.