Công bố hôm 13/5, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết, cùng bị khởi kiện với doanh nghiệp VN là các công ty dệt may của Trung Quốc và Thái Lan. Đài Loan được chọn là thị trường thay thế tính mức độ phá giá các sản phẩm vải sợi của VN.
Theo Cơ quan điều tra chống bán phá giá của Ấn Độ, trong thời gian từ nay đến 16/6, doanh nghiệp các nước liên quan phải gửi thông tin đến cơ quan này để xem xét. Nếu không, Ấn Độ sẽ dựa trên tài liệu do phía nguyên đơn cung cấp để quyết định kết quả điều tra.
Hàng dệt may Việt Nam thu hút nhiều khách nước ngoài. Ảnh: T.A. |
Hồi đầu tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng công bố kết luận không tìm đủ bằng chứng để tiến hành điều tra bán phá giá đối với hàng dệt may nhập khẩu từ VN. Để đi tới kết luận này, Mỹ đã xem xét toàn bộ dữ liệu nhập khẩu dệt may VN vào Mỹ từ tháng 8/2007 đến tháng 1/2008.
DOC đã phân tích dữ liệu nhập khẩu của 5 nhóm sản phẩm từ VN gồm quần dài, sơ mi, đồ lót, đồ bơi và áo thun. Trợ lý Bộ trưởng thương mại phụ trách nhập khẩu của Mỹ David Spooner cho biết: "Giá của hàng VN là tương đương, thậm chí cao hơn các nhà cung cấp khác".
Tuy vậy, "DOC sẽ vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế giám sát để bảo đảm hàng dệt may VN không bán phá giá vào Mỹ và đe dọa các nhà sản xuất nội địa", ông David Spooner cho hay.
DOC còn so sánh xu thế biến động giá và số lượng của hàng dệt may VN đối với các nước và khu vực khác cũng xuất khẩu sang Mỹ như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philipines...
Kết quả so sánh cũng cho thấy không có đủ cơ sở để DOC tiến hành điều tra bán phá giá đối với hàng dệt may VN.
Lần xem xét dữ liệu tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng tháng 9 năm nay.
Theo VnExpress