Âm nhạc chia sẻ của 'Có đâu bao giờ'

Chương trình diễn ra tối 28/2, tại TP HCM, đánh dấu lần hợp tác thứ hai của song ca "Vì ta cần nhau".

Không còn khoảng cách giữa nghệ sĩ biểu diễn và khán giả thưởng thức.

Khán phòng nhỏ, ấm cúng. 100 khách mời được xếp thành vòng tròn, bao quanh sân khấu. Chỉ cách chừng một bước chân, người nghe đã có thể tiếp cận sàn diễn. Và người hát có thể đứng ở bất kỳ đâu đó trong khán giả để cất lên những lời tự tình. "Tôi có cảm giác tiếng hát cứ thủ thỉ, thật gần bên tai, dường như hát riêng cho mình", một khán giả bày tỏ.

Đó cũng là ý tưởng xây dựng chương trình của êkíp "Có đâu bao giờ". Ca sĩ Hồng Nhung cho biết, việc "đặt" nhạc Trịnh trong không gian như thế là phù hợp, bởi nó tiến gần nhất đến tính giản đơn mà tinh tế, vốn dĩ là khuynh hướng chủ đạo trong các tác phẩm của nhạc sĩ. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự có nội lực từ chất giọng, cách hát để tiếng hát đến thẳng trái tim người nghe một cách mộc mạc, không mắc lỗi. Và đôi song ca đã làm được.

Hồng Nhung và Quang Dũng hòa quyện hơn khi song ca.

Người nghe không còn thấy nhiều chỗ bị "căng lời" trong cách hát của Quang Dũng. Ngay từ Dấu chân địa đàng, bài hát mở đầu cho phần độc diễn, anh đã cho thấy sự thay đổi tích cực. Hồng Nhung cũng tự tiết chế rất nhiều khả năng hát vang của mình để hiền hòa, dịu dàng hơn. Ru em từng ngón xuân nồng, Này em có nhớ mà cô thường xuyên hát trước đây cũng trở nên mới mẻ. Hai ca sĩ cũng cho thấy một bước tiến trong khả năng hòa giọng. Lần này, Hồng Nhung không còn bị cho là "lấn lướt" trong một số câu hát khó mà lùi về làm phần bè để giọng hát Quang Dũng được cất cao, bay bổng. Điển hình là hai ca khúc Ngẫu nhiên, Tình sầu nhận được nhiều tán thưởng.

Dù chọn ngày sinh nhật của cố nhạc sĩ để biểu diễn, cả Hồng Nhung và Quang Dũng đều không thổ lộ tình cảm của mình quá nhiều qua lời nói. Tất cả cảm xúc được chuyển tải vào giai điệu, qua tiếng đàn piano của nhạc sĩ Hoài Sa, tiếng guitar của nhạc sĩ Vĩnh Tâm... Để trong ánh sáng từ hàng nến trắng thắp lên, sự xúc động tự nhiên tìm đến. Người nghe thấy mình như tan hòa từng niềm vui, nỗi buồn trong mỗi câu hát Trịnh, không đơn thuần là cảm giác của tình yêu, mà có cả nỗi niềm về thân phận.

Khán phòng nhỏ giúp khán giả có thể thấy nét biểu cảm trên gương mặt ca sĩ.
Khán phòng nhỏ giúp khán giả có thể thấy nét biểu cảm trên gương mặt ca sĩ.

Góp phần không nhỏ vào thành công của chương trình là tài "điều khiển" ánh sáng của đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Nhờ hiệu ứng ánh sáng, khán giả có thể thấy được nét diễn trên gương mặt hay từng cảm xúc bất chợt mà đâu đó trong khi hát, cả Hồng Nhung và Quang Dũng không kìm được lòng mình.

"Có đâu bao giờ" ghi nhận một hình thức tổ chức biểu diễn mới ở Việt Nam, được xem là đêm nhạc sang trọng, quý tộc với sự đầu tư chu đáo ở khâu tổ chức. Chương trình được xây dựng như một hòa nhạc với buổi triển lãm tranh trước khi mở màn và dạ tiệc sau phần hát để bàn luận về đêm diễn. Bằng cách này, Hồng Nhung và Quang Dũng muốn tiên phong trong việc tiếp cận cách tổ chức show đẳng cấp của thế giới. Và với thành công từ đêm 28/2, cô Bống cũng không ngần ngại chia sẻ, sẽ thực hiện thêm nhiều đêm nhạc như "Có đâu bao giờ" trong thời gian tới.

* Ảnh: Cảm xúc của Hồng Nhung và Quang Dũng trong "Có đâu bao giờ"

Bài và ảnh: Nhiêu Huy


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27719
Số người truy cập:
7277151