Hội thảo sẽ tổ chức trong ba ngày từ 9 đến 11-1 với sự tham gia của 120 đại biểu với 33 tham luận khoa học, trong đó có 7 tham luận của 7 đại biểu quốc tế đến từ các nước: Pháp, Đức, Cyprus, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Hội thảo nhằm mục tiêu khẳng định sự đồng thuận cao của cộng đồng VN và quốc tế trong kế hoạch xây dựng hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trình UNESCO, đồng thời giới thiệu những kết quả bước đầu trong công tác kiểm kê nghệ thuật đờn ca tài tử tại các địa phương năm 2010.
Du khách quốc tế tham gia đờn ca tài tử tại Cần Thơ. Ảnh: C.T.V
Giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Khê cho biết: "Trong bảy vị giáo sư-tiến sĩ về âm nhạc quốc tế tham gia hội thảo, có 4 vị nằm trong ban chấp hành Hội Âm nhạc thế giới. Trong đó, có giáo sư-tiến sĩ Yamaguti Osamu ở đại học Osaka (Nhật Bản) đã từng có tiếng nói rất giá trị trong việc bảo vệ hồ sơ để UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế của VN là kiệt tác văn hóa phi vật thể của thế giới. Đờn ca tài tử của Nam Bộ vẫn còn sức sống lan tỏa và ngày càng lớn mạnh, với 2.019 CLB đang hoạt động trong 21 tỉnh, thành phía Nam nên rất có sức thuyết phục".
Trong khuôn khổ hội thảo, sáng 9-1, một chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử quy tụ nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được tổ chức. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ mời các đại biểu và đoàn giáo sư-tiến sĩ đến từ 7 quốc gia tham gia chương trình biểu diễn đờn ca tài tử tại Làng văn hóa Một thoáng Việt Nam (Củ Chi – TPHCM) và Khu Du lịch Bình Quới trong hai ngày 10 và 11-1.
Theo kế hoạch, toàn bộ hồ sơ và tư liệu đúng chuẩn quốc tế của đờn ca tài tử Nam Bộ phải được nộp vào ngày 31-3 tại Văn phòng UNESCO ở thủ đô Paris-Pháp.
T.Hiệp