4 vũ khí có thể giúp Đài Loan răn đe Trung Quốc

 

Một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ. Ảnh: Military.

Một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ. Ảnh: Military.

Căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan đang có dấu hiệu gia tăng sau khi Mỹ thông qua Đạo luật Đi lại Đài Loan. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/3 cảnh báo mọi hành động thúc đẩy Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc sẽ đối mặt với "sự trừng phạt của lịch sử", ám chỉ một cuộc tấn công quân sự nhằm thống nhất hòn đảo này.

Chuyên gia J. Michael Cole của National Interest cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan đang sở hữu nhiều loại vũ khí có thể răn đe đòn tấn công tiềm tàng của Trung Quốc.

Máy bay không người lái vũ trang tầm xa

Do hạn chế về khoảng cách và diện tích nhỏ hẹp của các sân bay, lực lượng chiến đấu cơ Đài Loan dễ bị vô hiệu hóa trước tên lửa đạn đạo Trung Quốc. Để khắc phục điểm yếu này, Đài Bắc có thể trang bị dòng máy bay không người lái (UAV) vũ trang có tầm hoạt động đủ xa như MQ-9 "Reaper" để xâm nhập vào không phận Trung Quốc.

Với kích thước nhỏ và khả năng hoạt động bí mật, MQ-9 "Reaper" hoàn toàn có khả năng lợi dụng các "điểm mù" trong hệ thống phòng không Trung Quốc để phóng tên lửa không đối đất Vạn Kiếm hoặc tên lửa bức xạ chống radar phá hủy các sân bay, trạm radar, trung tâm chỉ huy, căn cứ hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, Đài Loan cũng có thể mua các mẫu UAV "tự sát" như Harpy của Israel để tấn công làm tê liệt hệ thống radar, dọn đường cho các đợt  ném bom bằng máy bay thông thường nhằm vào Trung Quốc.

Tiêm kích hoạt động trên đường băng ngắn

4 vũ khí của Đài Loan có thể gây thiệt hại nặng cho Trung Quốc - 1

Tiêm kích JAS 39 Gripen của Thụy Điển. Ảnh: Wiki.

Việc mất kiểm quyền kiểm soát không phận sẽ gây nguy hiểm cho những hệ thống vũ khí quan trọng dưới mặt đất của Đài Loan, bao gồm các trực thăng tấn công AH-64E Apache. Do đó, Đài Bắc cần phải tăng cường năng lực triển khai không quân bằng cách mua hoặc phát triển những tiêm kích có khả năng cất/hạ cánh trên đường băng ngắn hay theo phương thẳng đứng. Điều này giúp giảm đe dọa từ một cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa Trung Quốc.

Đài Loan từ lâu đã bày tỏ mong muốn mua chiến đấu cơ F-35B từ Mỹ nhưng Washington nhiều khả năng không thể cung cấp mẫu máy bay này cho Đài Bắc do những lý do về chính trị và ngân sách. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn có những lựa chọn khác như dòng tiêm kích đa nhiệm JAS 39 Gripen của Thụy Điển.

Ngoài khả năng chiếm ưu thế trên không, tiêm kích đa nhiệm hiện đại với khả năng hoạt động bí mật và tầm tác chiến xa hơn mẫu chiến đấu cơ F-16A/B đang có trong biên chế sẽ là bước tiến quan trọng giúp Đài Loan có thể không kích Trung Quốc đại lục, như một phần trong chiến lược tấn công đa tầng, gồm chiến tranh điện tử, tên lửa hành trình và UAV tấn công tầm xa.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất

Bên cạnh tên lửa hành trình tầm ngắn HF-2E (Hsiung Feng) có tầm bắn chỉ 650 km, Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Trung Sơn (CSIST) của Đài Loan được cho là đang phát triển một loại tên lửa hành trình đất đối đất cải tiến, với tầm bắn lên đến 1.200 km.

Việc phát triển tên hành trình tầm trung và tầm xa sẽ giúp lực lượng phòng vệ Đài Loan có khả năng tấn công những mục tiêu như hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát, trinh sát (C4ISR), radar, bệ phóng tên lửa đạn đạo, sân bay và các mục tiêu quan trọng khác nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc.

Được trang bị đầu đạn thông thường hay chống bức xạ, các tên lửa hành trình này có thể vô hiệu hóa khả năng tấn công của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc nhằm vào Đài Loan, cũng như làm tê liệt năng lực tấn công hạt nhân của Bắc Kinh.

Tàu ngầm diesel - điện

4 vũ khí của Đài Loan có thể gây thiệt hại nặng cho Trung Quốc - 2

Một tàu ngầm lớp Tench của lực lượng phòng vệ biển Đài Loan. Ảnh: AP.

Nhiều quan chức Đài Loan ủng hộ việc mua thêm các tàu ngầm diesel - điện có độ ồn thấp để tăng cường năng lực tác chiến cho lực lượng phòng vệ trên biển.

Theo giới chuyên gia, bất cứ phương tiện nào có khả năng hoạt động bí mật và có thể đe dọa tàu chiến Trung Quốc tại eo biển Đài Loan hay tây Thái Bình Dương đều khiến Bắc Kinh phải chùn bước trong các tính toán quân sự. 

Nhờ được trang bị ngư lôi và có thể cả tên lửa hành trình, tàu ngầm diesel - điện sẽ là vũ khí quan trọng giúp Đài Loan ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển và tấn công hòn đảo từ Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ không sản xuất tàu ngầm diesel - điện, nhưng một số nước châu Âu đang phát triển loại vũ khí này và có thể hỗ trợ Đài Loan đóng những tàu ngầm có lượng giãn nước trung bình. Ngoài ra, hòn đảo này cũng có thể mua những tàu ngầm cũ từ Nhật Bản, thường có tuổi đời hoạt động không quá 18 năm.

Nguyễn Hoàng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14255
Số người truy cập:
9051068