10 phim truyện tranh giải tại LHP Quốc tế VN

Ngô Ngạn Tổ và Trương Gia Huy sắp đến Hà NộiĐạo diễn 'Salt' sẽ tới VN

Với tiêu chí tập trung vào nền điện ảnh của khu vực Đông Á và Đông Nam Á, hạng mục Tranh giải của Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần thứ I sẽ quy tụ những tác phẩm gây sự chú ý của hai khu vực này trong năm nay với nhiều phong cách thể hiện khác nhau.

LHP Quốc tế VN lần I sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 21/10 tại Hà Nội. Tên của bộ phim truyện hay nhất tham dự LHP năm nay sẽ được xướng lên vào Lễ bế mạc và Trao giải diễn ra lúc 20 giờ ngày 21/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Dưới đây là 10 phim truyện được lựa chọn vào hạng mục Tranh giải:

1. Long thành cầm giả ca (Việt Nam)

"Long thành cầm giả ca" là một trong hai đại diện của điện ảnh nước nhà tranh giải.

Được dựa trên một bài thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du, Long thành cầm giả ca là câu chuyện xoay quanh cuộc đời và mối lương duyên của Tố Như và người đàn bà gảy đàn thành Thăng Long tên Cầm. Xuất thân trong một gia đình có mẹ và dì đều làm ca kỹ, Gái (tên của Cầm khi còn ở quê) được gửi lên thành Thăng Long học đàn và đổi tên. Khi lớn lên, cuộc gặp tình cờ với tân khoa Tố Như trên đường phố đã khiến Cầm có những cảm xúc khác lạ (xem trailer).

Đất nước loạn lạc, hai người gặp lại nhau trong cuộc ly tán và bắt đầu một chuyện tình lãng mạn nhưng cũng đầy éo le. Mấy chục năm sau khi gặp lại nhau, Cầm đã trở thành một nữ ca kỹ già. Xót xa trước thân phận của người con gái ấy, Tố Như đã làm tặng nàng bài thơ Long thành cầm giả ca. Phim do đạo diễn Đào Bá Sơn thực hiện và đã ra mắt khán giả VN từ hôm 1/10. Long thành cầm giả ca cũng là bộ phim dã sử duy nhất tham dự hạng mục Tranh giải.

2. Trung úy (Việt Nam)

"Trung úy" được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại LHP quốc tế đầu tiên tổ chức tại VN.

Trung úy của đạo diễn Hà Sơn là đại diện thứ hai của điện ảnh nước chủ nhà tham gia hạng mục Tranh giải. Phim là câu chuyện về cuộc sống chân thực của những người lính thời chiến. Với sự giúp đỡ của cô gái bản địa Xi-Pha, viên trung úy đã hai lần đánh phá được sân bay của quân thù. Chiến tranh đã tạo nên những con đường riêng cho các thanh niên trẻ tuổi, đưa họ tiến lên chiến đấu vì nền độc lập cho đất nước. Người trung úy ấy sống sót, nhưng anh không thể trở về...

Thuộc thể loại phim chiến tranh, tâm lý xã hội nhưng Trung úy có vô vàn cảnh nóng và sau khi cắt gọt tới 40% mới có thể lọt qua cửa kiểm duyệt. Bấm máy từ tháng 11/2007 nhưng con đường ra rạp của Trung úy gặp phải muôn vàn khó khăn vì những yếu tố nhạy cảm. Được lựa chọn tham dự LHP Quốc tế VN, phim được hy vọng sẽ ghi dấu ấn cho nền điện ảnh VN ngay trên sân nhà.

3. Big Boy (Thái Lan)

"Big Boy" - đại diện Thái Lan lấy đề tài về giới trẻ và bộ môn nghệ thuật hip hop.

Đại diện của điện ảnh Thái Lan tham dự LHP Quốc tế VN lần thứ I là một bộ phim dành riêng cho giới trẻ có tên Big Boy. Trong khi ông ngoại Poon luôn đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, anh chàng Po thất bại trong mọi công việc và luôn bỏ dở giữa chừng những giấc mơ của mình. Giữa hai ông cháu Poon và Po không có sự hòa hợp. Muốn chứng tỏ cho ông thấy rằng mình không phải là một kẻ bất tài, Po đi học nhảy breakdance (xem trailer).

Những cực nhọc và vất vả của những động tác vũ đạo đôi khi cũng muốn Po bỏ cuộc. Tuy nhiên, càng khám phá, Po càng nhận ra rằng ước mơ lớn nhất của cậu chính là trở thành một B-Boy. Sau đó, chàng thanh niên còn phát hiện ra rằng đó cũng chính là mơ ước còn đang dang dở của ông ngoại cậu khi còn trẻ. Phim đo đạo diễn, nhà biên kịch kiêm nhà sản xuất trẻ Monthon Arayangkoon thực hiện.

4. Breakup Club (Hong Kong)

Tiết Khải Kỳ và Phùng Tổ Danh trong phim "Breakup Club".

Lấy ý tưởng là một trang web giúp những kẻ thất tình khiến người yêu quay trở lại, nữ đạo diễn Barbara Wong đã tạo nên một bộ phim tình cảm có phong cách rất độc đáo mang tên Breakup Club. Thông qua website BreakupClub.asia., độc giả chỉ cần gõ tên một đôi tình nhân hạnh phúc khác vào trong đó rồi ấn Enter, ngay lập tức họ sẽ chia tay nhau. Anh chàng Joe đã tự quay phim chính mình để chứng tỏ sự tồn tại của BreakupClub.asia (xem trailer).

Tuy nhiên, Joe không biết rằng cả người thân lẫn đạo diễn đều đang quay bí mật ghi lại cuộc sống hàng ngày của anh. Với sự tham gia của cả đạo diễn lẫn đoàn làm phim, Breakup Club dẫn dắt người xem bước vào câu chuyện tình yêu của Joe với một cô nàng bí ẩn có tên Flora. Phim có sự tham gia của Phùng Tổ Danh (con trai siêu sao võ thuật Thành Long) và nữ diễn viên Tiết Khải Kỳ.

5. The Dreamer (Indonesia)

Ba nhân vật chính trong "The Dreamer" - đại diện của điện ảnh Indonesia.

The Dreamer là câu chuyện kể về thời niên thiếu của cậu bé Ikal với người em họ Arai và anh bạn Jimbron. Để tiếp tục việc học tập, cả ba đã phải rời bỏ làng quê để tới thành phố cảng Manggar bắt đầu cuộc sống mới. Tại đây, người thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết Julian Balia đã truyền cảm hứng để ba cậu bé theo đuổi những hoài bão của mình. Ikal, Arai và Jimbron cùng hứa với nhau sẽ tới Paris học tập và đi du lịch vòng quanh thế giới.

Tuổi thơ của ba đứa trẻ sống cùng nhau tại một vùng quê nghèo cùng sự thay đổi, những thăng trầm khi lên thành phố đã được lột tả một cách sâu sắc trong The Dreamer. Riri Riza - đạo diễn bộ phim - là một trong những tên tuổi có phong cách kể chuyện sáng tạo nhất của điện ảnh Indonesia hiện đại. The Dreamer đang được đánh giá là một trong những ứng cử viên nặng ký cho giải thưởng tại LHP Quốc tế VN lần thứ I.

6. Hanamizuki (Nhật Bản)

Câu chuyện tình tay ba lãng mạn trong "Hanamizuki".

Hanamizuki của điện ảnh Nhật Bản lại là một câu chuyện tình tay ba lãng mạn giữa những thanh niên hiện đại của xứ sở hoa anh đào. Nhân vật chính của phim là Sae Hirasawa - cô nữ sinh trung học sống một cuộc sống giản dị bên mẹ tại làng chài yên bình ở miền Bắc nước Nhật. Sae luôn ước mơ được ra nước ngoài sống và tìm mọi cách để hiện thực hóa nó. Khi cơ hội đang tiến gần đến với Sae, cô gặp gỡ và yêu Kohei - một cậu bạn học khác trường (xem trailer).

Cả hai động viên nhau theo đuổi giấc mơ của mình nhưng mọi chuyện thay đổi khi Sae đỗ vào một trường đại học danh giá ở Tokyo, còn Kohei trở về làm ngư dân. Sự xa cách khiến mối quan hệ của đôi bạn trẻ trở nên căng thẳng. Đúng lúc đau khổ nhất, Sae đã gặp Kitami - một chàng trai thuộc giai cấp thượng lưu và có cùng suy nghĩ với cô. Sae phải lựa chọn giữa một bên là tình yêu, một bên là giấc mơ mà cô vẫn hằng theo đuổi...

7. Ice Kacang Puppy Love (Malaysia)

Đạo diễn kiêm diễn viên Ah Niu và nữ diễn viên chính Lý Tâm Khiết trong phim "Ice Kacang Puppy Love".

Lấy bối cảnh thập niên 1990 tại một ngôi làng nhỏ ở Malaysia, Ice Kacang Puppy Love kể về một nhóm thanh niên lớn lên trong thời kỳ thiếu thốn, chỉ có những quả bóng cỏ, chọi cá là trò chơi tuổi thơ. Trong ký ức của họ còn tồn tại hình ảnh những người bán kem Kacang, bánh mỳ Roti và những cửa hàng cũ nát trong một buổi chiều trong xanh, oi ả. Những đứa trẻ mang tính cách khác nhau, cùng lớn lên từ ngôi làng cổ với biết bao kỷ niệm khó quên (xem trailer).

Ice Kacang Puppy Love muốn giới thiệu với người xem những nét văn hóa, truyền thống lâu đời của người dân Malaysia thông qua cuộc hành trình trưởng thành của một nhóm người trẻ tuổi sống trong thời kỳ có nhiều biến động và thay đổi của xã hội. Nhưng trên hết, tình yêu, sự hy sinh và tha thứ là những gì mà đạo diễn Ah Niu muốn gửi gắm thông qua tác phẩm của mình. Anh cũng là nam diễn viên chính trong phim.

8. Lao Wai (Trung Quốc)

Cảnh trong phim "Lao Wai" của đạo diễn Fabien Gaillard.

Lao Wai là bộ phim truyện đầu tiên của đạo diễn người Pháp Fabien Gaillard. Phim xoay quanh chuyện tình giữa Mei - một cô gái trẻ người Trung Quốc và Paul - anh chàng người Pháp. Mặc dù thành thạo tiếng Trung và hiểu biết về đời sống Thượng Hải, Paul vẫn là một người nước ngoài. Sự khác biệt về văn hóa, phong tục Đông - Tây là nguyên nhân khiến Mei và Paul luôn có sự xung đột, tranh cãi dù họ rất yêu nhau.

Đạo diễn Fabien Gaillard chuyển tới sống ở Thượng Hải từ năm 2006 và bắt đầu đi làm nhiếp ảnh. Ông từng có một số bộ phim tài liệu về Trung Quốc, trước khi thực hiện tác phẩm điện ảnh đầu tay - Lao Wai. Dựa vào trải nghiệm của một người nước ngoài sống ở Thượng Hải, Fabien muốn chuyển tải những suy nghĩ, tình cảm của ông dành cho mảnh đất này lên màn ảnh rộng.

9. The Red Shoes (Philippines)

Hai diễn viên chính trong phim "The Red Shoes" của điện ảnh Philippines.

The Red Shoes của điện ảnh Philippines dẫn dắt người xem bước vào thế giới thời trang đầy màu sắc của những chiếc giầy. Năm lên 10 tuổi, cậu bé Lucas Munizca vinh dự được chiêm ngưỡng bộ sưu tập 3000 đôi giầy của Đệ nhất phu nhân. Lucas đã lấy trộm một đôi giầy màu đỏ, một chiếc cậu tặng cho người con gái đầu tiên mình yêu, chiếc còn lại dành cho người mẹ góa của mình. Hai mươi năm sau, Lucas chỉ đi một kiểu giầy và bị mắc kẹt trong những ký ức của quá khứ sau khi chia tay tình đầu (xem trailer).

Khi người mẹ góa đột nhiên cần cả đôi giầy thì Lucas buộc phải đối mặt với những ký ức cũ hiện về trong cuộc sống thực tại. Anh phải giải quyết hậu quả của việc ăn cắp ngày trước và lý do tại sao mình làm vậy. Nhẹ nhàng, hài hước, lãng mạn, The Red Shoes là một trong những tác phẩm đặc trưng cho phong cách điện ảnh của Philippines trong những năm gần đây. Phim có sự tham gia của người đẹp bốc lửa Nikki Gil.

10. Sand Castle (Singapore)

"Sand Castle" là một bộ phim cảm động về tình cảm gia đình và lý tưởng sống của những thanh niên 18 tuổi.

Phản ánh những suy nghĩ và thái độ đối với cuộc sống khi bước sang tuổi trưởng thành, Sand Castle - đại diện của điện ảnh Singapore tham dự LHP Quốc tế VN năm nay - cũng được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu Phim truyện xuất sắc. En vừa bước sang tuổi 18 đã phải đối mặt với nỗi đau gia đình. Cha mất vì bệnh ung thư, mẹ đi bước nữa, bà bị mất trí nhớ, En chuẩn bị phải lên đường nhập ngũ (xem trailer).

Cậu chuyển về sống cùng với ông bà và phải quyết định xem mình nên đặt lòng tin vào đâu. Trong một xã hội mà lý tưởng thay đổi như dòng cát chảy, En phải đấu tranh cho những gì cậu nghĩ là đúng. Khi mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình càng lúc càng trở nên xa cách và sự quên lãng ngày càng chiếm lĩnh tâm hồn của con người, liệu lâu đài cát của niềm tin mà En đã xây dựng có bị dòng thủy triều cuốn trôi theo sóng biển?

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
119336
Số người truy cập:
7381627