Trung Anh biến hóa từ vai khắc khổ đến giang hồ

 Nghệ sĩ Ưu tú Trung Anh sinh năm 1961 tại Hà Tĩnh, là diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ngoài sân khấu, Trung Anh còn gây dấu ấn với phim ảnh. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn nên anh thường đóng đinh vai lam lũ, khắc khổ. Mặt khác, khi đóng vai phản diện, anh tạo ấn tượng mạnh với khán giả, điển hình là Lương Bổng trong Người phán xử, Việt của Nếp nhà. Vừa qua, anh nằm trong danh sách đủ điều kiện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do Nhà hát Kịch Việt Nam gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhân vật Lương Bổng trong "Người phán xử"

Phim xoay quanh cuộc chiến trong thế giới ngầm của các tổ chức xã hội đen. Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) là ông trùm có vai vế cao, thường đứng ra phán xử các vụ tranh chấp trong giới giang hồ. Con gái Phan Hương (Thanh Hương) và con trai Phan Hải (Việt Anh) của ông đều có tính khí nóng nảy, chơi bời. Dù hoạt động phi pháp, Phan Quân luôn giữ cho gia đình vỏ bọc nề nếp.

Nhân vật Lương Bổng trong Người phán xử.

Nhân vật Lương Bổng trong "Người phán xử" - kịch bản được Việt hóa từ phim "The Arbitrator" của Israel.

 

Lương Bổng (Trung Anh) là trợ thủ trung thành, đắc lực của ông trùm. Bằng sự khéo léo và lanh lợi, Lương Bổng đã giúp Phan Quân loại bỏ những kẻ có âm mưu tạo phản và giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn trong gia đình ông trùm.

Để thể hiện hình tượng Lương Bổng lạnh lùng, trầm tĩnh, nghệ sĩ Trung Anh cho biết anh đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tập trung vào từng phân cảnh. Vai diễn giang hồ khiến nghệ sĩ gặp nhiều áp lực vì trước đó, Trung Anh chuyên trị những vai hiền lành, khắc khổ.

Nhà văn Ngô trong "Những công dân tập thể"

Những công dân tập thể do Vũ Trường Khoa và Trần Quang Vinh đạo diễn, ra mắt năm 2012. Phim xoay quanh đời sống người dân trong khu tập thể xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị chính quyền giải tỏa.

Diễn viên Trung Anh (phải) trong Những công dân tập thể.

Diễn viên Trung Anh (phải) trong "Những công dân tập thể".

Trong phim, Trung Anh vào vai nhà văn Ngô góa vợ. Ông đem lòng yêu bác sĩ Nha (NSND Lan Hương) nhưng không được con cháu chấp nhận. Tính Ngô gàn dở, luôn nghĩ bản thân nổi tiếng dù không có ai nhận đăng tác phẩm của ông. Nhà văn Ngô còn thích chọc ngoáy vào cuộc sống riêng của cư dân cùng khu nhà.

Vai diễn của nghệ sĩ mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả. Trong Những công dân tập thể, Trung Anh để tóc dài, buộc gọn đậm chất nghệ sĩ để phù hợp với xuất thân nhân vật.

Vai Minh của "Hôn nhân trong ngõ hẹp"

Phim do Vũ Trường Khoa đạo diễn, lên sóng vào năm 2015. Hôn nhân trong ngõ hẹp lấy đề tài ngoại tình, phản ánh xung đột trong gia đình ông Minh (Trung Anh). Khang - con trưởng ông Minh - ngoại tình khiến vợ đau khổ, sảy thai. Con rể ông cũng ngoại tình khiến con gái mang ý định trả thù bằng cách cặp với trai trẻ.

Nhân vật Minh (phải) trong Hôn nhân trong ngõ hẹp.

Nhân vật Minh (phải) trong "Hôn nhân trong ngõ hẹp".

Vào vai Minh, NSƯT Trung Anh thể hiện hình ảnh gia trưởng, sống nề nếp, hoài cổ và yêu thơ ca. Bề ngoài nhân vật Minh nghiêm khắc, đôi lúc vô tâm chuyện con cái nhưng thực chất ông sống tình cảm hay suy tư chuyện gia đình.

Nhân vật Hoàng trong "Ngự lâm không kiếm"

Phim do Trần Chí Thành đạo diễn, lên sóng năm 2016. Ngự lâm không kiếm xoay quanh gia đình do bà ngoại (NSƯT Ngọc Thoa đóng) dù đã 80 tuổi nhưng vẫn điều hành và làm chủ. Con gái duy nhất của bà lấy chồng sinh ra thế hệ thứ ba đều là con gái. Trong gia đình này, tất cả người chồng đều ở rể, sống theo chế độ "mẫu hệ".

NSƯT Trung Anh (trái) trong Ngự lâm không kiếm.

NSƯT Trung Anh (trái) trong "Ngự lâm không kiếm".

Trong phim, NSƯT Trung Anh vào vai Hoàng - bố vợ của ba chàng rể. Nhân vật Hoàng là người dí dỏm, thích chơi chim cảnh, tán gẫu và sợ vợ. Ông thường xuyên đội mũ nồi, cổ quấn khăn, điệu bộ khép nép. Cách xây dựng ngoại hình nhân vật góp phần mang đến tiếng cười cho khán giả.

hân vật Phát trong "Hoa cỏ may" phần ba

Phim gồm ba phần do đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện. Hoa cỏ may kể về những bạn trẻ lớn lên trong thời bao cấp. Phần ba của phim được sản xuất năm 2013 với câu chuyện của các nhân vật sau 10 năm.

NSƯT Trung Anh (phải) đóng cặp Vân Anh trong Hoa cỏ may phần ba.

NSƯT Trung Anh (phải) đóng cặp Vân Anh trong "Hoa cỏ may" phần ba.

Trong phim, NSƯT Trung Anh vào vai Phát - phó chủ tịch thành phố góa vợ. Phát si mê Thủy (Vân Anh) và hai người tiến đến hôn nhân. Trước đó, do làm ăn thua lỗ, Thủy đòi bố mẹ bán nhà nhưng không được. Cô tìm cách tiếp cận ông Phát để âm mưu có được các dự án về kinh tế. Mối quan hệ của vợ chồng Thủy thường xuyên bị Thắng - con trai ông Phát - phá quấy.

Về sau, Thủy nhận ra bản thân ngày càng lầm lỡ, cô quyết định nói ra toàn bộ sự thật với chồng rồi bỏ đi. Dù biết vợ dối lừa, Phát tha thứ và nhờ người tìm tung tích của Thủy. Vai Phát do Trung Anh đóng là nhân vật điềm đạm, ăn mặc giản dị và sống hòa đồng. Nét tính cách này tương đồng với những vai khắc khổ mà nghệ sĩ từng thủ vai.

Vai Việt trong "Nếp nhà"

Phim do Vũ Trường Khoa đạo diễn và lên sóng năm 2010. Nếp nhà xoay quanh những biến động trong một gia đình Hà Nội gốc với ba thế hệ cùng sinh sống. Đó là câu chuyện về lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử tinh tế, thanh lịch được lưu giữ qua nhiều năm tháng của người Tràng An. Chính nhờ nề nếp mà họ đã không bị biến chất và hội nhập được với cuộc sống hiện đại.

Nhân vật Việt (phải) trong Nếp nhà.

Nhân vật Việt (phải) trong "Nếp nhà".

Trong phim, Trung Anh thủ vai Việt - phó giám đốc công ty tư nhân. Anh là bạn thân của Khải - giám đốc. Vì ghen ghét, đố kỵ, Việt lập mưu, tìm đủ cách đẩy Khải vào tù với tội danh để thất thoát tiền của cơ quan. Mặt khác, mỗi khi làm điều xấu, Việt lại dằn vặt và giày vò bản thân. Trớ trêu, anh có tình cảm với Quỳnh (Minh Châu) - chị gái Khải.

Hóa thân nhân vật phản diện, NSƯT Trung Anh diễn tròn vai khi không chỉ lột tả bản chất xấu xa của nhân vật mà còn thể hiện nét tâm lý giằng xé, trăn trở. Qua những phân đoạn Việt cật vấn lương tâm, khán giả cảm nhận rõ sự đấu tranh tâm lý của nhân vật khi đứng giữa cái thiện và cái ác.

Vai Thập trong "Những đứa con của làng"

Phim do Nguyễn Đức Việt đạo diễn, công chiếu vào năm 2015. Những đứa con của làng là bộ phim điện ảnh về đề tài hậu chiến. Cốt truyện bắt đầu từ năm 1965 ở một ngôi làng miền Trung trong bom đạn chiến tranh khốc liệt. Một hôm xã trưởng bất ngờ dẫn lính về đánh sập cầu rồi giết hơn nửa làng trên một khúc sông. Ông Thập (NSƯT Trung Anh) là chỉ huy du kích bị thương nặng giữa dòng sông đầy máu.

NSƯT Trung Anh vào vai

NSƯT Trung Anh vào vai Thập trong "Những đứa con của làng".

20 năm sau, đất nước đã thanh bình. Ông Thập, bây giờ là trưởng làng, chưa bao giờ quên trận thảm sát cũ, càng không cho dân làng quên nó. Mặc dù xã trưởng chết đã lâu, ông vẫn không tha thứ. Ông bắt dân quật mộ hắn vào ngày giỗ làng. Huyện xây cho làng một cái cầu xi măng nhưng bị dang dở do thiếu kinh phí. Đông (Trần Bảo Sơn) - con trai xã trưởng - ở xa về xin xây nốt cây cầu cho làng để được bốc mộ cha và gặp trở ngại lớn.

 

Thập là người rắn rỏi, ngang ngạnh và cực đoan khi ôm mãi hận thù quá khứ. NSƯT Trung Anh từng chia sẻ anh phải mất ba tháng để tập cách đi lại khập khiễng của ông Thập và ép bản thân giảm cân để có thân hình gầy guộc, phù hợp với mẫu hình nhân vật. Nhờ vai diễn, NSƯT Trung Anh giành giải "Nam diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2015.

Trọng Trường

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
29407
Số người truy cập:
9201552