'Bảo tàng Lịch sử Quân sự mở cửa' vào top sự kiện văn hóa 2024

 Chiều 6/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 15 hạng mục vào vòng bình chọn các sự kiện tiêu biểu trong năm.

Ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa, Phó trưởng ban tổ chức, đánh giá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình văn hóa tiêu biểu, nơi bảo tồn di sản quân sự của dân tộc, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan của nhân dân.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Huy

Khi mở cửa đón khách ở địa chỉ mới tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bảo tàng lập tức thu hút hàng nghìn khách mỗi dịp cuối tuần, là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bảo tàng được Bộ Quốc phòng xây mới trên diện tích 386.600 mét vuông, có thiết kế hiện đại. Đơn vị đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật, trong đó có bốn bảo vật quốc gia, gồm máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21 số hiệu 5121, tấm bản đồ của chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng T-54B số hiệu 843.

Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày đầu mở cửa. Ảnh: Giang Huy

Ban tổ chức còn đưa vào hạng mục bình chọn sự kiện: Công nghiệp văn hóa đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút, tạo hiệu ứng xã hội lớn. Trong phần diễn giải, ông Phan Thanh Nam cho biết năm qua, nhiều concert như Anh trai vượt ngàn chông gaiAnh trai say hi, chương trình Jazz quốc tế ở Nha Trang, thu hút khán giả. Ông nhắc lại việc hai concert Anh trai đều "cháy" vé, có hàng chục nghìn người xem.

Cùng đó, công nghiệp điện ảnh ghi dấu khi Trấn Thành, Lý Hải cùng trở thành các đạo diễn "nghìn tỷ" đầu tiên của Việt Nam, với Mai và Lật mặt 7. Bộ phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi tiến Sơn cũng thu về hơn 21 tỷ đồng, kỷ lục đối với dòng phim do Nhà nước sản xuất.

Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng vào top sự kiện nổi bật trong năm. Ngoài ra, việc Việt Nam có thêm hai di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, được ghi nhận.

Các sự kiện còn lại bao gồm một số chủ trương liên quan đường lối của ngành: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chính phủ ban hành hai quy hoạch lớn về văn hóa, thể thao và du lịch, khơi thông nguồn lực, tạo dựng thêm nền tảng cho sự đột phá, phát triển của ngành; Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; Lần đầu tiên xúc tiến quảng bá du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ.

Ở mảng du lịch, ban tổ chức chọn các sự kiện: Du lịch đón khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế, 120 triệu lượt khách nội địa; Làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được công nhận là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc; Vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Ở lĩnh vực thể thao, ban tổ chức vinh danh: Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương thế giới, lần thứ hai vô địch châu Á; Lực sĩ Lê Văn Công giành HCĐ Paralympic Paris 2024; Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á.

Trước đó, từ gần 100 sự kiện được 50 đơn vị đề cử, ban tổ chức đã chọn 15 sự kiện tiêu biểu. Các sự kiện vào top 10 sẽ được công bố trong tháng 12. Việc bình chọn diễn ra theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các nhà báo, phóng viên theo dõi mảng văn hóa bỏ phiếu trực tiếp tại buổi họp. Người dân có thể bình chọn trực tuyến trên website của Bộ, báo Văn hóa điện tử, báo điện tử Tổ quốc.

Hoạt động thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Năm ngoái, việc ấn Hoàng đế chi bảo hồi hương vào top 10 sự kiện được vinh danh.

Hà Thu


Giày Đại Phát solution
Số người online:
25599
Số người truy cập:
9482662