Theo đại diện ban tổ chức, chủ đề "Ngàn thước lên cao" không chỉ là sự hùng vĩ của núi non như ý thơ Quang Dũng. Hội họa không đơn thuần thể hiện diện mạo bề ngoài mà khơi gợi, làm bật ý nghĩa bên trong. Triển lãm "Ngày rộng" lần ba diễn ra tại số 29 Hàng Bài, khắc họa hành trình sáng tạo nghệ thuật, sự dịch chuyển trong tư duy sáng tạo của các họa sĩ: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Quang Hoan, Kuolg Trần (Trần Cường), Phạm Khải.
Họa sĩ Phùng Văn Tuệ luôn kiên định với phong cách biểu hiện trừu tượng để kiếm tìm điều ẩn giấu sau bề mặt và cảm xúc sâu kín của nội tâm. Say mê những giai điệu và vũ điệu vùng cao, nét vẽ của của anh như neo giữ lại vỉa sâu trầm tích - điều làm nên hồn cốt nơi này.
Để bản sắc miền núi qua ngôn ngữ hội họa đạt hiệu quả cao, tác giả chú trọng gam trầm ấm. Về bút pháp, bề mặt tranh được phủ nhiều lần nhằm tạo lớp lang chiều sâu không gian. Người xem không thấy sự cụ thể trong mỗi tác phẩm nhưng nhìn sâu vào bố cục tranh, họ sẽ nhận ra trùng điệp giá trị và vẻ đẹp vùng cao ẩn tàng.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Lê Anh như đang diễn giải điều mà anh cảm thấy hơn là điều mà anh nhìn thấy, thể hiện qua bố cục tranh. Nếu thử bỏ qua sự quan tâm đến bố cục thì người xem vẫn bắt gặp một hiện thực đầy sinh động, điều này cho thấy khả năng tái tạo ký ức của họa sĩ.
Nguyễn Lê Anh khắc họa phong cảnh và con người vùng cao bằng rung cảm chân thực, tâm thức sáng tạo và những khoảnh khắc chớp sáng lay động nhất.
Vùng cao của Nguyễn Quang Hoan là những sắc hoa rực rỡ trong ánh nhìn xa xăm, triền núi sắc nhọn mà mềm mại trong nét vẽ hay dáng người nhỏ bé, đơn lẻ nhưng không chênh vênh nhờ gắn kết với mảnh đất này. Tác giả vận dụng gam trung tính tạo điểm nhấn cho tranh.
Về tạo hình, anh chọn lối tối giản nhưng vẫn nổi bật, tôn vinh nét đặc trưng nơi đây. Theo đại diện ban tổ chức triển lãm, điều quan trọng Nguyễn Quang Hoan luôn làm được là tạo không khí cho tác phẩm.
Kuolg Trần (Trần Cường) mang đến sự tươi mới trong bút pháp tân biểu hiện, tân tượng trưng. Mỗi tác phẩm là cung bậc cảm xúc về tình yêu, nỗi nhớ quê và hình bóng một nàng thơ luôn ẩn hiện. Yếu tố đó cũng tạo sự nhất quán và nét riêng cho họa sĩ.
Những nét vẽ bản năng, vô thức làm rõ ý tưởng "đi tìm bản ngã" của tác giả. Kuolg Trần chú trọng gam rực rỡ, kết hợp tạo hình mang ý đồ (luôn vẽ nhân vật có màu sắc đậm, đen và đường nét mạnh, lồng ghép nhiều hình thù, khuôn mặt ở góc độ khác nhau). Đối lập với hình tượng đó là các cô gái cùng nét vẽ mềm mại. "Cái tôi" được đề cao, cân bằng với "cái siêu tôi", giúp tác phẩm không bị rơi vào thế cực đoan mà vẫn đi đến tận cùng cảm xúc, ý tưởng.
Với hơn 10 bức sơn dầu vẽ phong cảnh quê hương, Phạm Khải đã trở lại lắng đọng hơn, cho thấy đây là đề tài lớn anh muốn khai thác. Tác giả phục dựng vẻ đẹp đã hoặc đang biến mất – điều chỉ nghệ thuật mới lưu giữ được.
Vẫn là cách tả, kể về quê hương với hình ảnh quen thuộc, tuy nhiên anh đã chọn góc nhìn diễn tả nhiều hơn chiều sâu nội tâm. Họa sĩ cũng chú ý ánh sáng nhằm tạo không gian đa chiều cho tác phẩm.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm phần lớn được thực hiện trong giai đoạn dịch căng thẳng. Theo đại diện ban tổ chức: "Ở bối cảnh hiện thực ấy, họa sĩ được quyền chối bỏ những thứ theo họ là phi nghệ thuật để tìm đến vẻ đẹp thực sự. Đó cũng là cơ hội để họ nhìn sâu vào bản thể, kiếm tìm và nhận ra chính mình rõ nét hơn".
Bài, ảnh: Kim Nhung