Triển lãm sơn mài và lụa tôn vinh đường cong phụ nữ

 Sự kiện giới thiệu 65 tác phẩm của hai họa sĩ Ngô Thành Nhân và Lê Thị Hường, kéo dài từ ngày 1 đến 7/11 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài. Trong đó, Ngô Thành Nhân mang đến 31 bức tranh sơn mài sáng tác trong suốt gần 40 năm làm nghề.

Họa sĩ cho biết nhân vật trong tranh có thể là người mẫu hoặc những phụ nữ xung quanh anh. Anh sử dụng thủ pháp ước lệ, khắc họa vóc dáng nhân vật qua những mảng hình đơn giản nhưng ẩn chứa nỗi niềm trong đó.

Không gian trưng bày triển lãm. Ảnh: Hiểu Nhân

Họa sĩ tuân theo cách làm sơn mài truyền thống trên nền vóc sơn ta. Các chất liệu sử dụng như vỏ trứng, trai, vàng, bạc đều cứng, rắn, gây khó khăn trong việc khắc họa vẻ mềm mại của cơ thể phụ nữ. Anh khắc phục bằng cách vẽ nhiều lớp rồi mài, đánh bóng để đạt hiệu quả mong muốn. Mỗi bức, họa sĩ mất khoảng hai tháng để thực hiện. "Tôi phải vẽ, dát nguyên liệu theo nhiều lớp, sắc độ, sau đó mài thật lâu để các lớp màu hiện lên dần dần, tạo ra hòa sắc đẹp cho một bức chân dung sơn mài", anh nói.

Nguyễn Thành Nhân bên bức Bay, kích thước 60x60 cm, sáng tác năm 2018. Ảnh: Hiểu Nhân

Lê Hường giới thiệu 34 tác phẩm lụa, khai thác vẻ đẹp hình thể phụ nữ trong nhiều bối cảnh khác nhau. Họa sĩ cho biết bị cuốn hút bởi những cô gái có thân hình khỏe khoắn, mập mạp và phong thái tự tin. Vì vậy, chị đưa vào trong tranh vẽ.

Chị trung thành với kỹ thuật nhuộm màu truyền thống giúp đạt hiệu quả cao về sự trong trẻo và sắc độ. Họa sĩ dùng màu nước chuyên biệt để vẽ lụa, chọn tông mạnh, độ tương phản cao. Ngoài ra, chị kết hợp màu xanh chàm của người Mông - được làm từ lá chàm để nhuộm vải, hồng (bhrông) chế từ củ nâu, màu đen làm từ cà phê của người Ê đê. "Những gì có thể vẽ lụa được là tôi thử nghiệm. Kết quả hiện tại là tổng hòa của nhiều chất liệu thiên nhiên, tạo hiệu ứng lạ về thị giác, giúp tác phẩm có dấu ấn của dân gian Việt Nam trong tạo hình đương đại", chị nói.

Họa sĩ cho biết cố gắng thể hiện khéo léo, lột tả vẻ gợi cảm nhưng không phản cảm. "Bố nuôi - họa sĩ Lê Công Thành - từng nói với tôi rằng vẽ khỏa thân phải nhìn ra cái thánh thiện của người mẫu, tránh để người xem có cảm giác dung tục, đấy mới là nghệ thuật. Tôi đã thấm lời dạy bảo đó", Lê Hường nói.

Họa sĩ Lê Hường bên bức Thiếu nữ. Ảnh: Hiểu Nhân

Họa sĩ Bằng Lâm nhận xét khi dạo bước trong phòng triển lãm, mỗi bức tranh dẫn dắt cảm xúc, mang đến cho ông nhiều bất ngờ và xúc động. Hai họa sĩ với chất liệu, phong cách khác nhau nhưng tựu trung đều muốn tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ. Họ trung thành theo kỹ thuật sơn mài và lụa truyền thống của Việt Nam nhưng cách tạo hình đậm chất hiện đại. "Cả hai vẽ bằng tình yêu, cảm xúc riêng, tranh nude nhưng không phản cảm, mang đậm tính nghệ thuật và lôi cuốn người xem", ông nói.

Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Hường

Ngô Thành Nhân sinh năm 1956, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, chuyên về chất liệu sơn mài. Trong hơn 40 năm sáng tác, họa sĩ từng góp mặt trong nhiều triển lãm nhóm ở Hong Kong, Trung Quốc, Singapore... Anh cũng tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu tranh cá nhân tại Hà Nội và TP HCM. Họa sĩ từng nhận giải nhất của Mỹ thuật Thủ Đô vào năm 1983, giải thưởng của Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam 1992.

Lê Thị Hường là họa sĩ tự do, thành viên nhóm Ngũ Sắc - gồm các họa sĩ nữ Vũ Thị Thu Hương, Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Lệ Mai, Thanh Nga. Chị từng tham gia nhiều triển lãm nhóm và buổi giới thiệu tranh cá nhân.

Hiểu Nhân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
23378
Số người truy cập:
9250492