Trích 'Tật xấu người Việt' (phần 1): Ồn ào

 Sách gồm 48 bài viết, được Di Li soạn trong 15 năm, sau quá trình quan sát, so sánh khi tiếp xúc người Việt và nhiều người dân các nơi khác trên thế giới.

Dịp sách phát hành tháng 12, VnExpress đăng một số trích đoạn. Tên các phần trích do tòa soạn đặt.

Bìa sách Tật xấu người Việt.

Tôi chuyển sang căn chung cư mới được gần một năm thì bắt đầu rao bán nhà. Bạn bè kinh ngạc lắm vì họ biết tôi đã dồn toàn bộ công sức, tâm huyết và tiền bạc cho căn hộ ấy như thế nào. Khách đến chơi nhà hỏi thăm, tôi phờ phạc giải thích bằng đôi mắt thâm quầng của gấu trúc: "Mình vốn khó ngủ mà cái cậu tầng trên thức khuya quá, cậu ấy lại mới lấy vợ". Khách nghe đến đấy thì đều tủm tỉm ra ý hiểu rồi không cần nói nữa. Lần nào tôi cũng tức điên lên mà rằng "Nếu được như quý vị nghĩ thì tôi ngủ đã ngon. Đằng này là cậu ta hình như không chịu... ngủ với vợ".

Các khu chung cư bây giờ thường sử dụng vật liệu siêu nhẹ nên độ cách âm kém. Tầng trên có đánh rơi cái cúc áo xuống sàn nhà thì tầng dưới cũng nghe thấy. Kẻ tầng trên hồi mới chuyển đến thì có lẽ lấy phòng bên cạnh vừa làm phòng ngủ vừa làm chốn làm việc cho tiện nên tôi không bị ảnh hưởng gì mấy. Sau khi người này lấy vợ (vì sau này tôi thường nghe thấy tiếng cậu ta quát mắng vợ lúc nửa đêm, gọi vợ là "con chó", xưng là "bố mày", nên biết cậu ta mới cưới vợ), tôi bắt đầu thấy tiếng lịch kịch hay vọng trên đầu mình thì đoán phòng ngủ trước đây của cậu ta đã biến thành phòng cưới, còn thẳng phòng ngủ của tôi lên được thiết kế thành phòng làm việc. Nhưng vấn đề là cậu ta thường thức rất khuya, thường 1h sáng mới đi ngủ, có hôm tận 3h, nên tiếng chân người bước thình thịch (mùa đông thì cậu ta đi dép cho kêu loẹt quẹt lên), tiếng xô ghế, tiếng sập cửa sổ, tiếng giật nước trong nhà vệ sinh, tiếng vứt một chồng sách báo rất nặng xuống sàn, tiếng kéo khóa vali, tiếng giã chày (mà 2h sáng còn dùng chày với cối thì chỉ có thể là giã gừng, nhẽ có người bị cảm gió)... bắt đầu hành hạ giấc ngủ của tôi.

"Đầu đuôi là như vậy". Tôi giải thích với khách đến chơi nhà. "Nếu cậu ta ngủ với vợ đều đặn thì có lẽ cũng đi ngủ sớm như nhà người ta, đằng này đêm nào cũng đi lại như đèn cù đến sáng thì tôi đoán cả tháng cậu ta mới vào với vợ một lần".

"Thì phải lên góp ý chứ". Khách "hiến kế".

- Đương nhiên lên bấm chuông rồi, nhã nhặn hết sức có thể và hầu như năn nỉ nhưng "hàng xóm" tỏ vẻ khó chịu, bảo sống chung đụng thì phải chịu chứ làm thế nào được, rằng cậu ta phải làm việc đêm nên không thể nào mà khẽ khàng theo ý tôi được.

Em gái tôi cũng than phiền rằng tầng trên nhà cô ấy có đứa bé gái hay tập đàn. Được nghe hàng xóm chơi piano thì hay quá, nhưng đằng này là đánh tập, lại chỉ tập vào đêm khuya, nên cả tiếng đồng hồ cứ bị tra tấn một giai điệu lặp đi lặp lại, đã thế giai điệu lại còn sai, thì những muốn hóa điên. Cô em bực quá mới lên bấm chuông nhà hàng xóm, miệng nở nụ cười cầu hòa, nhưng chỉ nhận lại một hồi đáp hết sức khó chịu của bà thân sinh ra "pianist". Ngày hôm sau, "pianist" chuyển giờ tập từ 10 giờ thành 11 giờ đêm, như một cách trêu ngươi những người hàng xóm.

Cậu bạn tôi sống ở một khu chung cư bên Budapest nghe những chuyện ấy thì kể lại rằng có lần đi làm về, cậu thấy một ông Tây đang lom khom bôi dầu vào bản lề cánh cửa sắt nhà cậu. Đáp lại ánh mắt kinh ngạc của chủ nhà, ông Tây lúng túng bảo ông sống ở tầng dưới, mà cánh cửa sắt nhà cậu có lẽ khô dầu nên mỗi lần mở ra mở vô nó kêu kẽo kẹt làm bà vợ ông ta mất giấc ngủ, giờ ông xin phép được... bôi dầu cho nó đỡ kêu. Bạn tôi thấy vậy bèn xin lỗi rối rít, hứa rằng lần sau sẽ đều đặn tra dầu vào cánh cửa. Cậu bảo Tây họ không chịu được tiếng ồn.

Chuyện Tây không chịu được tiếng ồn của Ta thì cũng khối. Đã từng có đại sứ của một nước châu Âu mới sang Việt Nam chưa tròn năm thì mắt cũng thâm quầng như gấu trúc. Ông gọi điện về nước tâm sự với người bạn thân làm cùng Bộ Ngoại giao rằng thì là "Tôi không thể chịu đựng Việt Nam thêm được nữa. Không đêm nào tôi ngủ ngon giấc ở đây. Đủ mọi tiếng ồn không chịu nổi". Người kia thương bạn mới nảy ra ý "đổi chỗ". "Vậy là sau đó tôi sang đây làm đại sứ, còn ông ấy về làm đúng vị trí của tôi ở Bộ".

Người bạn tốt đó sau này thay thế vị trí đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam kể lại với tôi như vậy. Tuy nhiên, tôi thấy căn nhà riêng qua nhiều đời đại sứ đã được chuyển về khu villa hồ Tây, có lẽ là để tránh những tiếng ồn kinh hoàng vậy. Một vị đại sứ của quốc gia khác thì còn đặt hẳn vấn đề nhờ cậy tôi một chuyện cắc cớ sau: Chẳng là nguyên tắc của giới ngoại giao luôn phải bật điện thoại 24/7 để nhỡ Bộ Ngoại giao bên kia có việc gọi khẩn cấp thì còn có thể giải quyết tức thì, mà múi giờ chênh lệch nên bên kia là ban ngày thì đây đã nửa đêm. Rất nhiều hôm ông ta phải giải quyết công việc đến 2 giờ sáng, vừa đặt lưng ngủ thì 5 rưỡi đã bị đánh thức bởi "tiếng nhạc vui vẻ của các quý bà yêu thể dục".

- Tôi đã nhờ nhiều người nhưng không ai giúp được tôi việc này. Cô là người quen biết nhiều, quan hệ rộng, liệu cô có thể nhờ công an phường ra làm việc với mấy quý bà đó giúp tôi được không? Tôi chỉ cần họ vặn nhỏ nhạc đi thôi. Sau hơn một năm ở đây, tôi hầu như bị trầm cảm vì những tiếng nhạc ấy rồi. Mỗi đêm tôi chỉ ngủ được có ba tiếng rồi lại bị khua dậy.

... Tôi đã ở cùng cảnh ngộ ấy rồi nên hiểu lắm. Lỗi là ở căn villa của ông có cửa sổ trông ra hồ, nơi đẹp nhất để... tập thể dục. Căn hộ chung cư cũ của tôi cũng từng trông ra hồ công viên Nghĩa Đô. Cứ 5 rưỡi sáng mùa đông, khi trời còn đen kịt mặt người, tiếng nhạc Boom boom boom của Vengaboys đã nổi lên đầy phấn khích khiến toàn khu phố giật bắn mình. Từ ấy mỗi lần tìm mua nhà mới, tôi thường đi lòng vòng quanh khu đất xem có khả năng tồn tại công viên, vườn hoa, hồ nước hay nhà văn hóa ở đó không. Nếu xung quanh chỉ toàn là bê tông bưng bít, phong cảnh xấu xí thì tôi lấy làm hài lòng lắm, vì sẽ không ai muốn đến đó bật nhạc để tập thể dục buổi sáng cả.

Có lần anh chàng giáo sư Xoay Đinh Tiến Dũng còn bức xúc đến nỗi viết hẳn một bài trên Facebook về nông nỗi bị tra tấn bởi tiếng nhạc thể dục buổi sáng.

Căn hộ chung cư của anh trông ra công viên Cầu Giấy, và sau hàng năm trời đằng đẵng bị réo dậy lúc tờ mờ sáng như thể được rủ tập thể dục cùng, cô vợ anh chịu không nổi mới băng đường sang công viên góp ý rằng các chị có thể giảm bớt volume được không, nhưng đáp lại chỉ là cái vênh mặt thách thức đầy tinh thần thể thao, rằng tôi cứ bật to thế cho vui, đi mà kiện, có mà kiện củ khoai. Tinh mơ hôm sau, tiếng nhạc còn to hơn, như thể DJ đang phô diễn mix nhạc giữa vũ trường.

Đúng vậy, tôi bảo vị đại sứ kia rằng đến như người ta giã chày trên đầu tôi lúc 2 giờ sáng tôi còn chưa kiện được, đằng này là người ta có "tinh thần thể thao lành mạnh" vào lúc bình minh, biết kiện làm sao, theo chế tài nào. Chỉ cầu mong ý thức thôi. Mà ý thức về tiếng ồn của người Việt chắc luôn ở top đáy của thế giới.

... Ở các nước châu Âu, những quán cà phê quảng trường luôn có sức chứa tới hàng ngàn người, vậy mà người ta vẫn yên tĩnh, nói chuyện chỉ luôn rì rầm, còn trong thang máy, trên xe buýt, tàu điện ngầm là tuyệt đối không nói chuyện, vừa để tránh làm phiền người khác, vừa là không muốn tiết lộ thông tin cá nhân.

Nhưng chỉ một quán nước nhỏ ở ta cũng đã ầm ĩ như giữa quảng trường. Các bàn bên cạnh phải hứng chịu tiếng cười hô hố, tiếng văng tục chửi thề, phải nghe đầy đủ chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện ngoại tình, chuyện giường chiếu, chuyện bệnh tật, chuyện đấu đá cơ quan, chuyện ba hoa bốc phét một tấc đến giời, chuyện về lý do tại sao Biden có thể xử lý được việc gian lận cử tri (điều mà Nhà Trắng cũng chưa được biết). Và chỉ sau mười lăm phút thì tiểu sử đầy đủ của khách bàn bên đã được phơi bày cho toàn quán, mà có thể khổ chủ cũng lấy làm thích thú vì lý lịch của mình được quảng cáo để người không quen ai ai cũng thông tỏ.

Ấy mới là quán cà phê, còn sống bên cạnh các quán nhậu mà muốn nói chuyện thì cần phải hét lên để át tiếng dzô dzô trăm phần trăm. Những quán karaoke mà hàng xóm phải chịu trận thưởng thức mỗi ngày Kiếp nghèo, Kiếp đỏ đen, Kiếp cầm ca, Kiếp đam mê, Kiếp ve sầu với tông độ mà đến nhạc sĩ cũng thể tin nổi đó là bài hát của mình thì nếu muốn tận hưởng một thú vui xa xỉ là sự yên tĩnh, chỉ còn cách chuyển nhà. Bởi luật pháp quy định người hát karaoke gây ồn về đêm nghe đâu được xử phạt từ... 100.000 đến 300.000 đồng, mà phải là sau 10 giờ đêm ở khu chung cư. Còn quán karaoke thì được phép hát đến tận 12 giờ đêm kia...

(Trích sách Tật xấu người Việt, Di Li, Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
20584
Số người truy cập:
8813389