Tin vào công lý

Cuối cùng, ngày Ánh và gia đình mong đợi nhất cũng đã đến. “Gia đình em vui và hạnh phúc lắm. Nếu không có những bài viết của Báo NLĐ, không biết đến bao giờ mới có kết quả tốt đẹp như vậy. Chị ơi, em mừng lắm. Em cám ơn Báo NLĐ rất nhiều”.
 
Tôi nhận được tin nhắn của Ánh khi đang tham dự phiên tòa ở TAND TPHCM. Vậy nên, dù muốn, tôi vẫn phải đợi đến khi tòa nghỉ giải lao mới có thể điện thoại chúc mừng. Và Ánh đã “líu lo” như một cô bé vừa nhận được món quà của người lớn ban cho. Nghe giọng Ánh, tôi nhớ đến lần đầu gặp cô cách đây không lâu lắm.
 
Minh họa: NGUYỄN TÀI
 
Người khách đặc biệt
 
Một ngày gần cuối tháng 3-2010, một cô gái trẻ xinh xắn, dịu dàng với ánh mắt buồn rười rượi ẩn chứa vẻ hoang mang, lo lắng tìm đến tòa soạn.
 
Sau khi giới thiệu về mình và lấy trong giỏ xách ra bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an quận 1-TPHCM, Ánh bắt đầu trình bày nỗi oan khuất bằng giọng nghẹn ngào, đôi lúc chợt im bặt nén  xúc động.
 
Ngồi nghe Ánh kể, tôi quả thật không sao tưởng tượng được cô sinh viên quen được bố mẹ yêu chiều lại có lúc bị còng tay dẫn đi trước ánh nhìn dè bỉu, soi mói của bao người xa lạ vì cái tội không phải do mình gây nên.
 
“Em cảm thấy bị xúc phạm kinh khủng, chỉ muốn chết ngay thôi. Cũng may có mấy chị bị giam cùng phòng an ủi và nhất là khi vì uất quá mà em bị co giật, một bác quản giáo đã khuyên: “Nếu con có lỡ làm thì hãy nhận để còn được khoan hồng, nếu không thì nhất định không được nhận. Rồi có ngày sự thật cũng sẽ được tìm ra”.
 
Em đã tin vào điều ấy và nghĩ về bố mẹ để cố gắng vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã”. Ánh lấy khăn thấm giọt nước mắt đang chực trào ra.
 
Tai họa giáng xuống bất ngờ, gia đình Ánh như rơi xuống địa ngục. Biết tính nết con gái, bố mẹ Ánh càng đau như muối xát kim châm. Họ chạy đôn chạy đáo hỏi thăm tin tức, tìm người giúp đỡ.
 
Nhưng đến đâu cũng nghe câu nói: “Phải có chứng cứ thì công an mới bắt”. Tuyệt vọng, họ chỉ biết tự dằn vặt “vì năm tuổi của mình mà con trẻ phải gánh” và khóc.
 
“Cả đời bố mẹ em chưa bao giờ làm gì vi phạm pháp luật, luôn dạy con cái sống đạo đức, không tham lam. Vậy mà... Bố em nói, giá bố có thể vào đó thay em”- Ánh lại khóc.
 
Tai họa từ... một lần đóng phim
 
Năm thứ hai đại học, Ánh được mời đóng phim Nữ sinh và quen biết với H.T.T.T và N.T.M.P. Ngày 10-6-2008, H.T.T.T đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (quận 1) mở sổ tiết kiệm thời hạn 1 tháng, số tiền 30 triệu đồng.
 
Ngày 15-7-2008, H.T.T.T đến ngân hàng giao dịch đóng sổ tiết kiệm, khi kiểm tra túi xách, cô báo bị mất sổ tiết kiệm và giấy CMND.
 
Sau khi tiến hành kiểm tra, ngân hàng xác định ngày 14-7-2008, một khách hàng giả mạo H.T.T.T đã mang sổ tiết kiệm, giấy CMND bản chính đến làm thủ tục đóng sổ tiết kiệm và rút số tiền trong sổ (30.419.266 đồng, cả vốn lẫn lãi). Ngày 21-7-2008, ngân hàng trình báo công an.
 
Quá trình điều tra, nhân viên giao dịch ngân hàng  xác định người giả danh H.T.T.T đến ngân hàng rút tiền là Vũ Ngọc Ánh, đi chung với Ánh còn có N.T.M.P. Tuy nhiên, Ánh không thừa nhận đã giả mạo H.T.T.T, đồng thời N.T.M.P cũng khai không cùng Ánh đến Ngân hàng Nam Á.
 
Giám định chữ viết và chữ ký trên các tài liệu rút tiền tại ngân hàng và chữ viết, chữ ký của Ánh, Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TPHCM kết luận: Mẫu chữ ký không đủ cơ sở kết luận giám định; mẫu chữ viết có một số điểm giống nhau nhưng chưa đủ cơ sở kết luận giám định.
 
Ngày 20-11-2008, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 bổ sung 2 mẫu chữ viết khác của Ánh (từ thời học phổ thông) để đối chiếu.
 
Ngày 4-12-2008, Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TPHCM kết luận: “Các mẫu trên là do cùng một người viết ra”. Ngày 12-1-2010, Ánh bị tạm giam.
 
Ngày 10-2-2010, VKSND quận 1 quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam.
 
Công lý đã thắng
 
Tòa soạn yêu cầu tôi hỏi ý kiến của VKSND quận 1 về vụ án để bài viết hoàn thiện hơn. Chưa nhận được câu trả lời vì lãnh đạo đi công tác, hôm sau, Ánh lại đến tìm tôi với ánh mắt thất thần. Cô vừa nhận được cáo trạng đề ngày 25-3 của VKSND quận 1 truy tố  về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
“Em không làm việc đó nhưng phải nói sao để họ tin bây giờ? Một tháng bị tạm giam đến nay em vẫn còn bị ám ảnh, không đêm nào không dùng thuốc ngủ để có thể yên giấc.
 
Chứng cứ để buộc tội em là kết luận giám định mẫu chữ viết (bằng mắt thường) và biên bản nhận dạng qua ảnh của nhân viên ngân hàng (đã lên mạng xem phim Nữ sinh sau khi sự việc xảy ra). Chữ viết giống nhau là chuyện thường, huống chi là chữ con gái khi học phổ thông? Vả lại, từ nhỏ đến giờ, bố mẹ lo cho em đầy đủ, vì cớ gì em thông đồng cùng một người khác lừa ngân hàng lấy số tiền 30 triệu đồng, chia đôi chẳng đáng bao nhiêu để rồi phải khổ sở như vầy?”. Ánh rơi nước mắt.
 
Gặp Ánh hai lần, lần nào cô cũng khóc khiến tôi không biết nói gì hơn, đành khuyên Ánh phải chờ và tin tưởng vào sự phán xét công bằng của công lý.
 
Rất may, niềm tin ấy cũng đã thành sự thật. Có điều, sẽ trọn vẹn hơn nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động thực hiện tiếp việc bồi thường oan. Bởi như người xưa nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, huống chi đây không đơn thuần là việc bồi thường, xin lỗi mà còn là danh dự, nhân phẩm của một công dân.
 
Sau 6 tháng đợi chờ
 
Ngày 6-4, Báo NLĐ có bài viết “Vụ án quyển sổ tiết kiệm” và nhận được phản hồi của khá đông độc giả. Tiếp đó, ngày 10-4, Báo NLĐ đăng ý kiến một số luật sư thể hiện những băn khoăn về chứng cứ buộc tội.
 
Tháng 5-2010, TAND quận 1- TPHCM trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an quận 1 yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án, đặc biệt là việc giám định lại chữ viết của bị can.
 
Tháng 8-2010, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 có quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can vì đã hết thời hạn điều tra bổ sung nhưng chưa có kết quả giám định.
Tố Trâm


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4030
Số người truy cập:
4767587