Tấm bản đồ chỉ đường cho bộ đội tiến về Sài Gòn ngày 30/4/1975

 "Tôi hỏi má còn đường nào khác vào Sài Gòn không? Má nói có cầu sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được", thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên thứ trưởng Quốc phòng, kể lại cuộc trò chuyện với má Sáu Ngẫu (Huỳnh Thị Sáu), cách đây 50 năm tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia đại thắng mùa xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam, tổ chức ngày 20/4 tại TP HCM.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tại hội thảo khoa học đại thắng mùa xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam, ngày 20/4. Ảnh: An Phương

Khi đó, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 của Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 – Binh đoàn Quyết Thắng. Ngày 18/3/1975, khi đơn vị đang tham gia lao động trên công trường đắp đê sông Đáy, phân lũ sông Hồng ở Ninh Bình thì nhận được lệnh của Sư đoàn "tổ chức hành quân cơ động gấp từ vị trí để đi nhận nhiệm vụ chiến đấu".

Đêm 29/4, Trung đoàn 27 đến gần nghĩa địa của khu vực Búng, cách quận lỵ Lái Thiêu khoảng 10 km. Lúc này, theo hiệp đồng của mặt trận sẽ có cơ sở nằm vùng hỗ trợ, mật hiệu để nhận diện là đọc "Hồ Chí Minh" sẽ được bên kia đáp lại "muôn năm".

Khoảng 19h, Trung đoàn trưởng Hiệu, chính ủy Trịnh Văn Thư cùng đội trinh sát men theo bìa rừng, nghĩa địa thì phát hiện một ngôi nhà có đèn lúc sáng lúc mờ. "Tôi phán đoán đây là cơ sở cách mạng nên tiếp cận và đọc mật hiệu", tướng Hiệu nhớ lại. Một lúc sau, má Sáu Ngẫu khẽ mở cửa, cho mọi người vào nhà.

Lúc này, trung đoàn trưởng Hiệu nói rõ là chỉ huy quân giải phóng, có nhiệm vụ theo trục đường 13, ngày mai đánh qua Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình với mục tiêu đánh chiếm bộ tư lệnh Tăng thiết giáp của địch ở Gò Vấp.

"Nếu má có các thông tin thì giúp chúng con", Trung đoàn trưởng 27 đề nghị và đưa ra một bản đồ chỉ huy. Tuy nhiên, sau khi xem, má Sáu Ngẫu nói không rành bản đồ này nên vào buồng trong lấy ra tấm bản đồ Thành đô. Các cứ điểm quan trọng được má đánh dấu rõ ràng, ghi rõ các điểm địch phòng thủ bằng nét chữ rất đẹp.

Nhìn vào bản đồ, má Sáu Ngẫu chỉ vị trí cách đây 5 km có Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, khoảng gần 2.000 lính, người chỉ huy là đại tá Hinh. Bà dặn tiếp, ở địa điểm này không cần đánh mà hãy kêu hàng trước rồi dồn lực đánh qua quận lỵ Lái Thiêu, phải chiếm được cầu Vĩnh Bình, nếu không xe sẽ không vào được nội đô.

Thời điểm đó, quận lỵ Lái Thiêu là tuyến phòng thủ cuối cùng phía Bắc Sài Gòn của chính quyền nên được bố trí ba tiểu đoàn bảo an, hai chi đoàn xe tăng, một tiểu đoàn pháo binh và gần 2.000 quân trong trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương.

"Tôi hỏi má có con đường nào khác để vào Sài Gòn không? Má trả lời chỉ còn cầu sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được. Sau đó, để chúng tôi an tâm, má nói để người con là Phước và Đức đi cùng", tướng Hiệu nhớ lại.

Tuy nhiên, vì Phước, Đức mới 16 và 14 tuổi nên Trung đoàn trưởng Hiệu và Chính ủy Thư từ chối, hẹn "thắng trận cuối cùng này" sẽ quay lại gặp má.

Bên tấm bản đồ ngày 29/4/1975, tại nhà má Sáu, từ trái qua, Phước, Chính ủy Trịnh Văn Thư, má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, Đức. Ảnh: Tư liệu báo Quân đội nhân dân

Từ tấm bản đồ và các thông tin của má Sáu, Trung đoàn 27 lên kế hoạch tác chiến ngay trong đêm. 4h ngày 30/4, Trung đoàn bắt đầu tiến công. Đúng như dự báo của má Sáu Ngẫu, tại trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, sau ít phút nổ súng, toàn bộ quân lính đi thành hàng cầm vải trắng giơ cao xin hàng.

Sau hơn hai giờ chiến đấu, đến rạng sáng 30/4/1975, Trung đoàn 27 đã làm chủ quận lỵ Lái Thiêu. Tuyến "tử thủ" mà Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân giải phóng đã bị đập tan, cánh cửa phía Bắc Sài Gòn rộng mở.

Đến 9h30, Trung đoàn 27 và Trung đoàn bộ binh cơ giới 202 chiếm được cầu Vĩnh Bình, cách Sài Gòn 10 km. 10h, Trung đoàn 27 chiếm được Bộ Tư lệnh Thiết giáp Việt Nam Cộng hòa và 13 căn cứ lục quân công xưởng, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa (nay là Bệnh viện 175).

Thượng tướng Hiệu cho rằng với tấm bản đồ nội đô Sài Gòn của má Sáu Ngẫu cung cấp đã giúp Trung đoàn 27 tiến đánh các mục tiêu chính xác, giảm được rất nhiều thương vong.

Giữ lời hứa, ngay hôm sau ông Hiệu và đồng đội đã về thăm má Sáu Ngẫu và hai em Phước, Đức. Lúc này, ông mới được biết má là giáo viên tiếng Pháp dạy học ở Sài Gòn, có chồng cũng là người theo cách mạng nhưng đã hy sinh. Sau này, bà được Trung đoàn 27 gọi là "Bà má tham mưu" và mất năm 1989.

Từ câu chuyện tấm bản đồ của bà, nhạc sĩ Văn Thành Nho sáng tác bài hát Tấm bản đồ má trao và trở thành bài hát truyền thống của Trung đoàn 27.

Lê Tuyết


Giày Đại Phát solution
Số người online:
26459
Số người truy cập:
11194964