Trước đó, Tàn thể tiền truyện đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế như giải nhất hạng mục hoạt hình LHP KHEM 2019 (Mỹ); giải nhất hạng mục hoạt hình LHP BloodStained 2019 (Nhật Bản)… Phim dài 15 phút, là câu chuyện hư cấu kể về thế giới hậu tận thế, nơi con người, người nhân bản và máy móc phải chiến đấu vì sự sinh tồn của mỗi giống loài. “Tàn thể tiền truyện mở đầu cho rất nhiều câu chuyện khác trong thế giới tàn thể. Chúng tôi dự kiến sẽ sản xuất 22 tập (10 - 12 phút/tập) trong loạt phim này”, đạo diễn Đặng Hải Quang chia sẻ.
Cùng với Tàn thể tiền truyện, DeeDee Animation Studio đã sản xuất và hợp tác thực hiện nhiều dự án phim hoạt hình mang đến sự thích thú cho khán giả người lớn. Chẳng hạn, loạt phim hoạt hình ngắn Yêu Kiều của nhóm vừa ra mắt mới đây đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Ba tập phim (5 phút/tập) giúp người xem tiếp cận Truyện Kiều của Nguyễn Du theo cách dễ hiểu, dễ xem, pha chút hài hước. Bộ phim Đại vương, xin hãy tiết chế kể câu chuyện “cướp vợ” oái oăm của Trần Quốc Tuấn, vị tướng lẫy lừng thời nhà Trần, được phát hành trước đó cũng đã thu hút tới hàng trăm ngàn lượt xem trên mạng xã hội.
Dự án phim hoạt hình hành động lịch sử dành cho khán giả trên 18 tuổi do DeeDee Animation Studio hợp tác cùng TNA Entertainment (nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh và Janet Ngô) thực hiện ra mắt mới đây cũng đã gây bất ngờ cho khán giả. Đó là loạt 7 tập phim về các nữ tướng Thánh Thiên, Lê Chân, Bát Nàn, Ả Chạ, Phật Nguyệt, Hồ Đề, Quý Lan, được thực hiện cùng dự án điện ảnh Trưng Vương. 3 tập phim đã ra mắt là Bát Nàn, Ả Chạ, Thánh Thiên nhận được nhiều lời khen ngợi cho phim hoạt hình thuần Việt với những câu chuyện lịch sử Việt Nam. Còn nhớ cách đây 2 năm, Việt sử kiêu hùng - dự án phim dã sử diễn họa đầu tiên được một nhóm những người trẻ thực hiện, khi ra mắt đã gây “sốt” trên mạng xã hội, khán giả phần đông là người lớn. Tập phim lịch sử Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang của dự án vừa qua đã cán mốc 1 triệu view sau hơn 1 năm ra mắt.
Phải tự tạo tên tuổi để ra biển lớn
Netflix đang cung cấp “kho” phim điện ảnh và truyền hình hoạt hình dành cho người lớn rất phong phú. Có thể tìm thấy ở đây đủ các thể loại, từ khoa học viễn tưởng tới kinh dị, hành động, tâm lý... trong đó có thể kể đến những loạt phim đình đám như South Park, Rick and Morty, Love Death + Robots.
Cách tốt nhất là chúng ta phải tự tạo tên tuổi. Muốn ra biển lớn thì phải “lớn” ngay ở ao nhà đã
Đạo diễn Đặng Hải Quang
Bên cạnh đó, nhiều khán giả - trong đó có cả những khán giả người lớn tại Việt Nam, đã rất hào hứng khi đầu năm nay Netflix công bố phát hành 21 bộ phim được yêu thích của nhà sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng Studio Ghibli (Nhật Bản). Tuy nhiên, họ lại thật khó có thể tìm thấy phim hoạt hình Việt trên nền tảng này.
Hầu hết những tập phim hoạt hình do các studio hoạt hình độc lập trong nước thực hiện, hay của hãng phim hoạt hình tư nhân VinTaTa hiện nay vẫn chiếu miễn phí trên mạng xã hội. “Đầu ra luôn là câu hỏi đau đầu của bất cứ đơn vị sản xuất phim hoạt hình nào trong nước. Thực tế tại Việt Nam hiện nay, studio làm phim hoạt hình khá ít, nhất là hoạt hình đầu tư có chất lượng chuyên môn lại càng hiếm. Phần lớn nguyên nhân là khó tìm đầu ra”, chị Lê Quỳnh Như (quản lý dự án của DeeDee Animation Studio) lý giải. Bởi vậy, DeeDee Animation Studio chưa nghĩ đến việc kiếm tiền từ những dự án phim độc lập của mình, mà nguồn thu chủ yếu là từ những công việc khác, trong đó có hợp tác sản xuất.
Đạo diễn Đặng Hải Quang cho rằng phim hoạt hình của Việt Nam với câu chuyện hấp dẫn, có chất lượng tốt có thể thu hút khán giả nước ngoài. “Chúng tôi đã thử liên kết với nền tảng phát sóng trực tuyến iflix, chiếu streaming (chiếu phim trực tuyến) phim Tàn thể tiền truyện trong khu vực Đông Nam Á. Bộ phim đã lọt vào top trending với những phản hồi tích cực”, đạo diễn Quang cho biết. Tuy vậy, theo anh, cái khó cho những studio hoạt hình trong nước tiếp cận với các nền tảng lớn Netflix hay những dự án mang tầm quốc tế không phải ở khâu công nghệ (bởi các studio có thể mua bản quyền phần mềm làm phim hiện đại của thế giới), mà là chưa tạo dựng được tên tuổi. “Việt Nam vẫn chưa thực sự có thị trường hoạt hình trong nước. Thế giới vẫn chưa biết đến hoạt hình Việt Nam, dẫn tới việc họ đánh giá hoạt hình chưa cao, cũng như có thể không biết có những studio hoạt hình ở Việt Nam. Cách tốt nhất là chúng ta phải tự tạo tên tuổi. Muốn ra biển lớn thì phải “lớn” ngay ở ao nhà đã”, anh nói.