Chia sẻ tại hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế", ông Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để mở cửa du lịch quốc tế.
Theo ông, du lịch Việt Nam có những điểm mạnh để cho mở cửa thị trường như đứng thứ 6 thế giới về tốc độ tiêm chủng. "Đến nay, dù ít hay nhiều, Việt Nam đã có những bước đầu thận trọng để tích lũy những kinh nghiệm quý giúp đón du khách trở lại ở quy mô lớn hơn", Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra một số khó khăn cần khắc phục như công tác khảo sát thị trường; phòng chống dịch bệnh chưa nhất quán giữa các địa phương. Nhiều doanh nghiệp đã đuối sức sau thời gian dài thực hiện giãn cách, phòng chống dịch; nhân lực chất lượng cao không còn bảo đảm như trước.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc.
Sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh quan điểm chống dịch từ "không Covid-19 tiến tới an toàn". Ngành du lịch của nhiều nước cũng có những bước đi đầu tiên để dần phục hồi. Trong đó, chương trình thí điểm đạt được 5 mục tiêu tích cực ban đầu gồm: đảm bảo du lịch an toàn cho du khách; Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực và trên thế giới đón khách du lịch chủ động; chương trình thí điểm là động lực tích cực cho ngành du lịch, lan tỏa du lịch, truyền thông, xúc tiến quảng bá đất nước, con người việt Nam; lượng tìm kiếm quốc tế về thông tin du lịch Việt Nam tăng đáng kể; các địa phương hoàn thiện đón khách du lịch an toàn, thích ứng.
Tuy nhiên, chương trình thí điểm cũng gặp một số khó khăn như chính sách nhập cảnh vẫn còn phức tạp khiến giảm sức thu hút; quy định khách du lịch chỉ được tiếp xúc với cộng động sau 7 ngày du lịch trọn gói khiến du khách gặp khó khăn; chưa đón khách du lịch bằng đường bộ và đường biển. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức du lịch ra nước ngoài còn gặp khó khăn vì hộ chiếu vaccine của Việt chưa được công nhận ở nhiều nước.
"Từ ngày 1/5, Việt Nam có thể mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế. Thời gian này, các Bộ, ngành có thể điều chỉnh việc thích ứng an toàn khi du lịch; còn doanh nghiệp có thể triển khai các chương trình đón khách du lịch thời kỳ cao điểm", đại diện Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tại hội nghị.
Tại sự kiện, đại diện các tỉnh như Kiên Giang, Quảng Nam, TP HCM và Hà Nội có nhiều ý kiến về thực trạng của địa phương cũng như đề xuất các kiến nghị liên quan đến việc mở cửa đón khách quốc tế. Là một trong những địa phương đầu tiên mở cửa du lịch quốc tế, Kiên Giang kỳ vọng, mở rộng thị trường khách du lịch, song song với những chỉ đạo thống nhất về nhập cảnh du lịch. Đồng tình với ý kiến này, đại diện Sở Du lịch Quảng Nam cho rằng, cần xây dựng sớm lộ trình hiệu quả, an toàn đón khách du lịch trở lại; sớm ban hành hướng dẫn mới thí điểm đón khách du lịch, cần có quy định thống nhất cho các địa phương; sớm mở lại đường bay quốc tế; sớm thống nhất công nhận hộ chiếu vaccine; sớm miễn thị thực.
Sở du lịch các tỉnh phát biểu qua các đầu cầu trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP HCM cho biết, người dân đã có kinh nghiệm du lịch an toàn trong dịch bệnh, thành phố cũng triển khai các chương trình du lịch liên tuyến hiệu quả, tiêm vaccine bổ sung cho người dân... Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, mở cửa chính thức, hoàn toàn cho du lịch nội địa và quốc tế. Đối với du lịch nội địa, các địa phương thống nhất nội dung đảm bảo an toàn khi du lịch trong mùa dịch để việc đi lại được thông suốt. Đối với du lịch quốc tế, đề nghị Bộ, ngành bỏ quy định cách ly với du khách đã tiêm đủ mũi cũng như là khỏi bệnh trong 6 tháng và đã test âm tính PCR. Du khách có thể thực hiện 5K, khai báo y tế đầy đủ.
"Thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn" là chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) tại hội nghị. Theo ông, mở cửa du lịch quốc tế không ảnh hưởng tới phòng chống dịch. Trong khi, du lịch là khởi đầu của dòng đầu tư, xuất nhập khẩu thương mại.
"Việt Nam hãy mở cửa theo thông lệ quốc tế, như nhiều nước trên thế giới. Hãy mở cửa vì quyền lợi của người dân vì tương lai của đất nước", trưởng ban IV kết luận.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Tập đoàn FPT.
Trong khi đó, đại diện Vietnam Airlines đề xuất đón khách quốc tế từ 1/2/2022. Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị mở cửa du lịch, không cần thí điểm. Bộ Y tế cần ban hành sớm quy định rõ ràng về cách ly để khách du lịch nắm rõ và chuẩn bị. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cần có chiến dịch xúc tiến du lịch mạnh mẽ, đặc biệt đến những điểm du lịch lớn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí xúc tiến. Kết quả được đánh giá bằng lượng khách đến du lịch.
Vấn đề khó nhất khi phát triển du lịch nội địa và quốc tế là thống nhất quy định từ trung ương, thành phố tới địa phương: từ quy định xét nghiệm; tiêm vaccine; thời gian, quy trình cách ly, theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB).
Ở góc nhìn của một chuyên gia về dịch tễ học, Tiến sĩ Thu Anh,Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcockcho biết, Việt Nam đang ở đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, cần tận dụng thời gian vàng này để mở cửa du lịch. Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan, ban, ngành và rà soát lại quy trình xét nghiệm Covid-19, thực hiện đối với khách du lịch và người dân một cách đồng bộ, nhất quán nhằm tạo thuận lợi cho người dân và khách du lịch, đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay.
An Nhiên