Thành họa sĩ nhờ bỏ phố về quê

 "Quãng thời gian ở thành phố đối với tôi chỉ là những ký ức đau buồn", Phan Mơ, 32 tuổi, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa nói.

Mơ tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và từng làm cho một công ty thiết kế nội thất ở Hà Nội trước khi chuyển nghề bán hàng online. Sau khi cô lập gia đình, cuộc sống mưu sinh chưa hết chật vật thì con trai thứ hai 8 tháng tuổi bị bỏng nước sôi. Chồng vẫn phải đi làm để gồng gánh kinh tế nên suốt ba năm cô đưa con vào Nam ra Bắc chữa sẹo và vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

"Áp lực về kinh tế, tâm lý và sức khỏe khiến vợ chồng tôi gần như kiệt sức", Mơ kể.

Phan Mơ thích hội họa từ nhỏ nên là đứa trẻ duy nhất trong khóa thời đó khăng khăng đi học vẽ, thi đại học vào trường mỹ thuật. Trong hình cô vẽ một phần tác phẩm Cầu tre nhỏ. Ảnh: Trọng Lê

Chuyến về thăm quê cuối năm 2019, người mẹ nhìn thấy hai con chạy nhảy không biết mệt, ăn no rồi say ngủ. Cô ngẫm đến mình, mỗi lần về quê lại như được nạp năng lượng. "Sau đêm đó, tôi trở lại Hà Nội nhưng không phải để tiếp tục những ngày lo tiền trọ, tiền thuốc mà dọn dẹp đồ đạc bỏ phố về quê", cô nói.

Không biết làm gì ra tiền ở quê, Phan Mơ cầm lại cọ vẽ rồi chụp và đăng những bức tranh của mình lên mạng, hy vọng có ai đó mua. Những năm đó phong trào vẽ tranh tường đang thịnh hành, biết Mơ có khả năng hội họa nên những bạn bè, người quen tìm đến.

Cô bắt đầu nhận vẽ tranh gia đình, trường học, công sở, rồi đến cả những ngõ xóm. "Mỗi khi vẽ, bà con xóm giềng túm tụm lại ngắm nhìn, khen ngợi, làm mình rất hạnh phúc", cô kể.

Những tác phẩm đã góp phần "thay áo" cho đường làng, ngõ xóm và giúp tên tuổi họa sĩ Phan Mơ được nhiều người biết đến.

Covid-19 bùng phát khiến công việc vẽ tranh tường hết cơ hội. Để rèn luyện tay nghề, Mơ tiếp tục vẽ tại nhà. Lúc này cô tìm hiểu sâu hơn về tranh sơn dầu. Một ngày lang thang tìm cảm hứng, Mơ lặng ngắm rất lâu cây những cỏ đồng nội và hình dung nó vào tranh sẽ có hình hài như thế nào.

"Chính thức từ đó cuộc sống với tôi là những tháng ngày rong ruổi trên khắp các nẻo đường quê để tìm tài liệu, kí họa, lên phác thảo", nữ họa sĩ nói.

Cô lựa chọn phong cách tả thực, bởi thấy nó phù hợp với phong cách hương đồng gió nội mà mình hướng tới. Bức tranh đầu tiên được gọi "Cái ao nhỏ" đăng lên hai nhóm trên mạng xã hội dành cho hoạ sĩ chuyên nghiệp và nhà sưu tầm nhận về "cơn mưa lời khen" và rất nhiều người hỏi mua.

Trên đất Pháp, bác sĩ Nguyen Dinh - Hải lập tức nhắn tin cho Mơ khi nhìn thấy bức tranh sống động, chân thực và khỏa lấp nỗi khắc khoải ký ức tuổi thơ trong mình. "Tranh em rất đặc biệt. Cho anh một gợi ý về giá xem có đủ tiền để mua không?", anh Hải nhắn.

Bác sĩ gốc Việt trở thành vị khách đầu tiên của Phan Mơ với hai bức tranh đầu tay "Cái ao nhỏ" và "Lối nhỏ ta về". Anh chia sẻ, phần lớn bộ sưu tập tranh được treo ở phòng mạch của mình tại tỉnh Val-d'Oise, miền Bắc nước Pháp nhưng bức của Mơ gây chú ý và và được khen nhiều nhất. Anh ngỏ ý mua hết những bức khác nhưng lúc đó Mơ mới vẽ được hai bức.

Bức tranh đầu tay Cái ao nhỏ của Phan Mơ, hiện được bác sĩ gốc Việt Nguyen Dinh - Hải sưu tầm.

Đến nay nữ họa sĩ xứ Thanh đã sáng tác được hơn 20 bức. Trong số này, hình ảnh bụi chuối trong tác phẩm "Tình quê thầm lặng" nhận được hàng nghìn lượt tương tác khi được chia sẻ trong một group.

Để vẽ nó, Mơ mất hàng tháng nghiên cứu và thay đổi về ánh sáng, bố cục để tranh có bối cảnh trầm lắng và thể hiện chỉ duy nhất cây chuối thân thuộc, bình thường trở nên có tình cảm. Người xem bình luận rằng họ liên tưởng tới hình ảnh "người mẹ dang tay che chở cho con", "quả chuối chân thực tới mức ăn được", "vẽ tốt như chụp".

"Bởi chạm đến cảm xúc nên có rất nhiều nhà sưu tập hỏi mua khi tác phẩm vừa ra mắt", Mơ cho biết. Qua hai năm sáng tác liên tiếp, hầu hết những tác phẩm tranh quê của cô đã có chủ.

Ở quê nên Mơ rất chăm tương tác với cộng đồng mạng bằng những bài viết chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình. Cũng từ đó gia đình cô thường có những cuộc ghé thăm bất ngờ của người hâm mộ xin học vẽ. Trên mạng, học viên từ nhiều tỉnh thành và nước ngoài cũng nhắn tin xin học. Tháng 5/2022, Phan Mơ quyết định dạy trực tiếp lẫn trực tuyến. Đến nay chỉ riêng lớp trực tuyến đã có hơn 100 học viên.

Mai Tùng, 23 tuổi, quê Tiền Giang, biết Phan Mơ qua nhóm dạy vẽ trực tuyến, sau đó quyết tâm ra tận nơi học. Mới được vài buổi nhưng Tùng nói "thành quả hơn cả kỳ vọng của em rồi", vì đã biết cách tự vẽ một bức tranh mình thích.

Người đi học không chỉ trẻ em, các học sinh ôn thi trường năng khiếu, nâng cao tay nghề, cũng có khá đông tìm đến học nghề để kiếm sống. Chị Như Loan, 35 tuổi cho biết từ cuối năm ngoái nghỉ việc sau hơn 15 năm làm công nhân, từ đó loay hoay làm một số công việc khác nhau mà không việc nào nên.

"Tôi mê vẽ ngày nhỏ nhưng không có điều kiện học. Nay được giới thiệu đến cô Mơ, tôi được vẽ và đi thực hành, làm ra tiền ngay trong tháng đầu tiên học", Như Loan nói.

Đến nay nhóm của Loan có 7 người được Mơ hỗ trợ nhận công trình và có công việc liên tục. Mỗi ngày vẽ tranh tường họ kiếm được từ 400.000 đến 800.000 đồng. Khi có thời gian rảnh Như Loan cũng sáng tác những bức tranh của riêng mình và đã có khách đặt mua.

Phan Mơ (áo vàng dưới đất) đang kiểm tra học viên vẽ một công trình tranh tường tại Thọ Xuân, Thanh Hóa tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuộc sống gia đình Phan Mơ cũng sang trang từ ngày gây dựng được sự nghiệp. Chồng rời Hà Nội về quê làm việc và hỗ trợ chăm sóc con cái, việc nhà để vợ có nhiều thời gian sống trong thế giới của hội họa. Họ cũng đã mua được đất, xây được nhà. Và quan trọng nhất, hai con khỏe mạnh trong tình yêu thương của người và đất quê hương.

"Vẽ tranh làng quê tôi nhận ra đồng lúa, con kênh, dòng sông uốn lượn là nỗi khắc khoải với nhiều người, không chỉ riêng tôi", Mơ chia sẻ.

Ngày về quê, Phan Mơ không có kế hoạch cụ thể về tương lai, nhưng hôm nay cô đã rất rõ con đường của mình - một họa sĩ hương đồng gió nội.

Phan Dương


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12856
Số người truy cập:
9119385