Tham vọng đưa mật ong Việt ra thế giới của CEO Honeco

 Công ty TNHH Ong Tam Đảo - Honeco ra đời tháng 5/2002, là tâm huyết của bà Lê Thị Nga (51 tuổi), tọa lạc trên diện tích gần 20.000 m2 ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, với ba nhà xưởng được xây dựng kiên cố. Bà Nga cho biết sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, bà có gần 10 năm "gõ đầu trẻ", đào tạo nhiều lứa học trò tài năng.

"Gia đình chồng tôi có truyền thống nuôi ong hàng chục năm, nhờ vậy tôi có dịp tiếp xúc với đàn ong và mê mẩn các chế phẩm từ loài vật có cánh nhỏ bé này. Từ yêu thích giản đơn, tôi dần mong mỏi đưa sản phẩm chất lượng đến nhiều người tiêu dùng Việt", bà Nga kể. Ở tuổi 31 (năm 2002), bà quyết định ngừng dạy học để gây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh mật ong.

Bà Lê Thị Nga - CEO Công ty TNHH Ong Tam Đảo - Honeco.

Ban đầu, quy mô Ong Tam Đảo - Honeco khá nhỏ, khoảng 100-200 đàn ong nội, chủ yếu là mật ong nguyên chất khai thác tại địa phương. Hình thức đóng gói đơn giản với các mẫu chai sẵn có trên thị trường, tệp khách hàng cũng giới hạn.

"Một lần tại lớp quản trị kinh doanh cao cấp do các chuyên gia Nhật giảng dạy, tôi mang theo hũ mật ong do mình sản xuất nhờ thầy góp ý. Câu nói của thầy sau đó khiến tôi bất ngờ và ám ảnh: 'Việt Nam không có trên bản đồ mật ong thế giới'", bà Lê Nga nói.

Nữ doanh nhân lý giải trăn trở vì Việt Nam là nước nông nghiệp, lượng người nuôi ong lớn, sản lượng mật xuất khẩu cũng nằm ở top đầu thế giới, nhưng lại không có tên trên bản đồ mật ong thế giới.

Bà cho hay: "Khi ấy, tôi quyết tâm đưa mật ong Việt ra thế giới, bằng mọi cách xây dựng thương hiệu đủ mạnh trên thị trường".

Những ngày đầu dấn thân thương trường, bà không thể tránh khỏi vấp váp và đối mặt tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng: "cứ thấy mật ong kết tinh là nghĩ tới mật cho "ăn đường". "Tôi từng nghe chửi đầy tai, ngậm ngùi thu lại hàng về chỉ vì kết tinh. Về sau, tôi bỏ lối tư duy kinh doanh cũ".

Để tạo lòng tin với khách hàng, nữ doanh nhân cùng đội ngũ nỗ lực công khai quy trình sản xuất trên website, các phương tiện truyền thông. Ngoài bán hàng, bà chủ trương góp tiếng nói, giúp người dùng hiểu hơn về công dụng mật ong lẫn hiện tượng kết tinh tự nhiên (chỉ thay đổi từ dạng dịch sệt sang kết tinh, không có hại với sức khỏe).

Trong bối cảnh thương hiệu mới, khách hàng chưa biết chất lượng sản phẩm ra sao, Lê Nga chủ trương "cho đi", tức là mời mọi người dùng thử. Chỉ khi tự mình trải nghiệm, họ mới tin và truyền tai nhau Honeco có mật ong tốt.

Sau khi thay đổi phương thức tiếp cận lẫn truyền thông, Ong Tam Đảo - Honeco được nhiều biết đến. Bà Nga cho hay: "Có rất nhiều người đã đi nước ngoài, vẫn tìm mua mật ong của chúng tôi, điều ấy khiến tôi thực sự tự hào".

Trang trại nuôi ong của Honeco.

Với sứ mệnh "ghi tên trên bản đồ mật ong thế giới", doanh nhân Lê Nga tìm cách xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính.

Trước tâm lý thích hàng ngoại của một bộ phận người dùng, nữ CEO cố gắng thay đổi cách nhìn, quan điểm của họ về mật ong Việt. Điển hình là chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình để tạo ra sản phẩm tốt nhất cho thị trường trong nước, rồi mới hướng tới xuất khẩu. Đích đến của bà là các quốc gia, vùng lãnh thổ khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Singapore và UAE...

Năm 2019, mật ong Tam Đảo - Honeco có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ đầu tiên. Theo bà Lê Nga, đối tác quyết định đặt hàng ngay lần đầu đến thăm, làm việc với doanh nghiệp. "Với quy trình đảm bảo từ khâu nuôi trồng, thu mua, chế biến, đóng gói... minh bạch, tôi rất tự tin sản phẩm của mình và tạo động lực cho đối tác", bà nói.

Toàn bộ sản phẩm đang sản xuất, chế biến và phân phối trên thị trường lẫn xuất khẩu... đều do CEO Lê Nga và đồng sự nghiên cứu, dành nhiều tâm huyết để có quy trình, công thức tối ưu và kỹ thuật tốt.

Nữ doanh nhân có lợi thế giảng dạy hóa sinh, lại tận dụng tốt kinh nghiệm nuôi ong 60 năm của gia đình chồng nên có nền tảng kiến thức dày dặn về mật ong. Hơn 20 năm qua, bà tự nhủ bản thân không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.

Doanh nghiệp chú trọng quy trình sản xuất

Nắm bắt cơ hội từ dự án "Đổi mới công nghệ" của Bộ Khoa học công nghệ, CEO Honeco cùng cộng sự chủ động hoàn thiện công nghệ, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới.

"Chúng tôi cũng nhanh nhạy chuyển hướng từ dòng đơn thuần sang chế biến công nghệ cao, gia tăng giá trị cho nông sản Việt. Tôi yêu sản phẩm mình làm ra nên cầu toàn mọi khâu, kể cả chọn bao bì, đóng gói. Làm sao để ngon, tiện lợi nhất... là điều tôi hướng đến, do đó thẳng thắn từ chối đối tác nếu họ muốn hạ chất lượng để giảm giá thành", bà cho hay.

Không có kinh nghiệm kinh doanh nhưng với đam mê nghiên cứu, tình yêu loài ong, cô giáo Lê Nga năm nào đã tạo được vị thế nhất định trong ngành ong, in dấu với hơn 40 sản phẩm mật ong. Tháng 12/2021, bà được trao danh hiệu "Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng vàng". Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng quốc gia, công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 13 sản phẩm đạt OCOP 4 sao...

Ngoài đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, Ong Tam Đảo - Honeco còn mở rộng hệ thống kinh doanh: chuỗi phân phối từ Bắc vào Nam, sàn thương mại điện tử, siêu thị lớn như Co.opmart, BRG, Tmart... Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính hơn nữa.

Hiếu Châu (ảnh: Nhân vật cung cấp)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
10804
Số người truy cập:
4774455