Gần đây, Sĩ Hoàng góp mặt ở tọa đàm Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay diễn ra ở TP HCM. Nhà thiết kế nổi tiếng vốn là người sáng lập Bảo tàng áo dài Việt Nam, nằm trong khuôn viên nhà vườn của anh ở quận 9. Anh cho biết thích thú khi đọc một cuốn sách biên khảo về tà áo dài cách tân nổi tiếng một thời.
Sĩ Hoàng nhận định các thiết kế của áo dài Lemur không chỉ là sự thay đổi về mặt kiểu dáng đơn thuần của tà áo truyền thống mà còn đưa vai trò của người phụ nữ Việt ngày trước lên vị trí bình đẳng hơn. "Áo dài Lemur là một sự cách tân ngoạn mục. Nó phá vỡ mọi ranh giới trang phục vốn áp đặt lên thân phận phụ nữ Việt: thay vì áo tứ thân, áo dài Lemur chỉ còn hai thân duyên dáng. Xưa kia, áo dài chỉ có màu đen hoặc nâu tối. Người mặc phải đi chân đất. Còn áo dài Le Lemur với đầy đủ màu sắc được kết hợp cùng guốc và giày cao gót, quần trắng. Nếu người xưa phải mặc áo yếm bên trong khi diện tà áo dài, thì với Lemur họ được mặc áo nâng ngực hiện đại", nhà thiết kế chia sẻ.
Tranh phác họa hình ảnh vợ họa sĩ Cát Tường cùng con gái ông. |
Sĩ Hoàng cũng đề cập về chu kỳ phát triển của làng thời trang. "Sau hơn nửa thế kỷ, áo dài Lemur đã trở lại. Chúng ta không nên từ chối cách tân, đồng thời cũng cần tiếp nhận sự trở lại của những giá trị truyền thống. Tôi thấy áo dài Lemur có đầy đủ những đặc điểm phù hợp với ngày nay", anh phát biểu. Nhà thiết kế mong muốn có thể mang sách của tác giả Phạm Thảo Nguyên đến với các bạn trẻ, nhất là sinh viên thời trang ở các đại học để họ hiểu thêm về lịch sử thời trang nước nhà.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng và tác giả Phạm Thảo Nguyên. |
Vào nửa đầu thế kỷ 20, phụ nữ Việt Nam được khoác lên mình bộ áo dài cách tân do họa sĩ Nguyễn Cát Tường thiết kế. Kiểu áo dài này khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử, văn hóa của làng thời trang Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần thay đổi vị thế của người phụ nữ Việt trong xã hội thời đó. Xuất thân từ giáo viên dạy Toán ở Sài Gòn trước năm 1975 và sau đó sống ở New York (Mỹ), bà Phạm Thảo Nguyên chuyển sang nghề vẽ và khảo cứu văn học khi về hưu. Từ đây bà có kế hoạch biên khảo một cuốn sách về tờ báo Phong Hóa & Ngày Nay, báo văn hóa nghệ thuật nổi tiếng ở miền Bắc vào thời kỳ thuộc địa. Họa sĩ Cát Tường, người phụ trách mỹ thuật cho báo, chính là "cha đẻ" của áo dài Lemur.
Bìa cuốn sách "Áo dài Le mur". |
"Tôi đã đi khắp nơi, hỏi han người quen trên thế giới. Nếu có ai lưu trữ và biết thông tin về các bản in thì cho tôi được thu thập làm tài liệu", tác giả Phạm Thảo Nguyên chia sẻ về công việc của mình từ khi mới bắt đầu. Trong quá trình tìm kiếm các số báo, tác giả gặp anh Nguyễn Trọng Hiền, con trai của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. "Trân trọng những gì cha mình tạo dựng, cách đây ít năm ông Hiền tổ chức một buổi triển lãm áo dài Lemur ở California. Ngoài ra, ông còn tìm những số báo do cha ông tham gia đóng góp phần tranh ảnh minh hoạ, trong đó có những bức vẽ về áo dài Lemur. Càng đi sâu tìm kiếm, chúng tôi càng gặp nhiều cái duyên thú vị để ôn lại bối cảnh văn hóa, xã hội ở miền Bắc một thời", tác giả kể.
Lê Hữu Nam