Sáu vở nổi bật

Dù khan hiếm kịch bản mới, hay và phần lớn các sân khấu làm mới kịch bản cũ nhưng sàn diễn năm 2010 đã xuất hiện vài tác phẩm nổi bật, có sự đồng bộ trong dàn dựng, âm nhạc, cấu trúc kịch và diễn xuất.

 
Nghệ sĩ Lê Khánh và NSƯT Thành Lộc trong vở Một cuộc đời bị đánh cắp
 
Bốn vở kịch vượt trội
 
Sân khấu IDECAF năm nay có vở Một cuộc đời bị đánh cắp (tác giả Kaorư Morimoto, dịch giả Vũ Quỳnh, đạo diễn Trần Minh Ngọc). Đây là tác phẩm nổi tiếng đã từng được nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng thể hiện thành công vào thập niên 1980. Trong lần tái dựng này, đạo diễn Trần Minh Ngọc đã dành đất diễn cho các gương mặt trẻ, tạo cơ hội cho họ tỏa sáng bên cạnh dàn diễn viên ngôi sao. Bố cục kịch bản chắc, lời thoại giàu tính văn học.
 
Âm nhạc do nhạc sĩ Cao Minh Thu sáng tác đã nâng hiệu quả vở diễn qua tiếng hát NSƯT Thành Lộc. Lê Khánh và Lương Thế Thành trở thành cặp đôi sáng giá đối với dòng kịch văn học của sân khấu IDECAF, cho thấy những nhà tổ chức của sàn diễn này đang tính đến đội ngũ kế thừa có đào tạo. Thành công của vở kịch đã khẳng định dư âm mới cho các sân khấu xã hội hóa, đó là chính kịch cũng có thể thu hút người xem khi được dàn dựng công phu, mang đậm tính nghệ thuật.
 
Kịch Phú Nhuận có vở Oan gia (tác giả Xuân Trang) do hai đạo diễn trẻ Xuân Trang và Diệp Tiên đồng đạo diễn. Chất trẻ trong cách dàn dựng đã phả vào vở kịch kinh dị này những thông điệp gần gũi với người xem. Điểm nổi bật của Oan gia chính là cách đưa âm nhạc ngũ cung và những bài vọng cổ vào rất trữ tình, không bị gượng ép như cách dàn dựng vay mượn thô thiển của một vài vở kịch mang hơi hướng... cải lương.
 
Kịch Hoàng Thái Thanh có vở Mùa đông cuối cùng (tác giả Zunichi Watanabe, dịch thuật Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như), là một bức tranh man mác buồn, đậm chất trữ tình được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Chuyện kịch hay và xúc động nhờ vào tài năng phân cảnh, cắt gọn tâm lý nhân vật, chuyển tải đầy đủ những thông điệp cần cho cuộc sống con người hôm nay. Diễn xuất của Trương Minh Quốc Thái, Tuyết Mai, Tuyết Thu, Trí Quang vì thế bật lên, tỏa sáng một cách bất ngờ.
 
Vở Cõi tình của tác giả Huỳnh Phúc Điền, được dàn dựng mới qua bàn tay đạo diễn Công Ninh, đã thực sự thành công bằng những thể nghiệm mới trong dàn dựng, diễn xuất. Vở kịch chỉ có 3 nhân vật nhưng các lớp diễn lôi cuốn người xem đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Ưu điểm của đạo diễn Công Ninh là để lại những khoảng trống cho người xem suy nghĩ và tự lấp đầy vở diễn, vì thế khán giả không chỉ xem mà còn phán đoán, tranh luận. Âm nhạc và cảnh trí của Cõi tình cũng là những dấu ấn đẹp mà Công Ninh mang lại cho vở kịch này.
 
Hai vở cải lương ấn tượng
 
Hai vở cải lương tuồng cổ: Câu thơ yên ngựa (tác giả Hoàng Yến, Ngọc Văn, Thanh Tòng) và Đào Tam Xuân báo phu cừu (tác giả Minh Tơ, Thanh Tòng) đã được đạo diễn Vũ Minh dàn dựng chăm chút trong chương trình Gìn vàng giữ ngọc, diễn ra tại Nhà hát Bến Thành. Đây là hai vở diễn nổi bật trong số những vở cải lương cố gắng ra mắt khán giả trong năm 2010, như: Đoạn tuyệt (tác giả Duy Lân, đạo diễn NSƯT Bạch Tuyết – Sân khấu Vàng), Hoa vương tình mộng (tác giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Lê Trung Thảo – nhóm Thắp sáng niềm tin)...
 
Dù là tay ngang đến với cải lương tuồng cổ nhưng Vũ Minh đã có được những ý tưởng làm vở diễn tăng thêm phần hấp dẫn qua cách xử lý không gian. Vũ Minh đã đưa vào hai vở diễn kinh điển này hơi thở cuộc sống với màu sắc trang trí sang trọng, trang phục không quá diêm dúa, màu mè mà lột tả được thần thái của từng tính cách.
 
Anh đã mạnh dạn thay đổi một số tình huống để số phận các nhân vật không bị nhuốm màu bi lụy. Về âm nhạc cổ, hai vở diễn này tuân thủ và trả lại giá trị nghệ thuật đúng nghĩa của dàn nhạc cụ dân tộc, cho thấy đỉnh cao của vở diễn chính là góp phần khôi phục lại bản sắc vốn cần được bảo vệ của bộ môn cải lương tuồng cổ.
 
Một số vở kịch đáng chú ý
 
- Tình quê (tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn NSND Lê Hùng), Người thi hành án tử (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch Việt Nam.
 
- Cô gái đội mũ nồi xám (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Anh Tú), Đàn ông cũng khóc (tác giả Lê Chí Trung – Tuấn Hải, đạo diễn NSƯT Chí Trung) của Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ.
 
- Tình sử ngàn năm (tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang), Hà My của tôi (tác giả và đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) của Nhà hát Kịch Hà Nội.
 
- Một cuộc đời bị đánh cắp (tác giả Kaorư Morimoto, dịch giả Vũ Quỳnh, đạo diễn Trần Minh Ngọc), Họng súng vô hình (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh) của sân khấu IDECAF.
 
- Oan gia (tác giả Xuân Trang, đạo diễn Xuân Trang, Diệp Tiên), Giếng lạ (tác giả Phạm Tuân, Tuấn Anh, đạo diễn NSƯT Hồng Vân) của Sân khấu Kịch Phú Nhuận.
 
- Mùa đông cuối cùng (tác giả Zunichi Watanabe, dịch thuật Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như) của Sân khấu Hoàng Thái Thanh.
 
- Cõi tình (tác giả Huỳnh Phúc Điền, đạo diễn Công Ninh) của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM.
 
- Ông ngoại, bà nội (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Trần Ngọc Giàu) của Sân khấu Kịch Nụ cười mới.
 
- Câu thơ yên ngựa (tác giả Hoàng Yến, Ngọc Văn, Thanh Tòng), Đào Tam Xuân báo phu cừu (tác giả Minh Tơ, Thanh Tòng) đạo diễn Vũ Minh.
 
- Đoạn tuyệt (tác giả Duy Lân, đạo diễn NSƯT Bạch Tuyết – Sân khấu Vàng) của Sân khấu Vàng.
 

- Hoa vương tình mộng (tác giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Lê Trung Thảo).

 
Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Giày Đại Phát solution
Số người online:
45990
Số người truy cập:
8664087