Rừng Na Uy: Đẹp, hay và... kén khán giả

Buổi ra mắt phim Rừng Na Uy của đạo diễn Trần Anh Hùng lần đầu tại VN (khởi chiếu tại các rạp từ ngày 31-12) có rất đông người xem, không chỉ báo chí, mà còn cả các văn nghệ sĩ... Trần Anh Hùng là một thương hiệu quá hấp dẫn đối với khán giả điện ảnh và người ta cũng muốn đến để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật đã quá nổi tiếng từ những trang viết trước đó.

Cảnh trong phim Rừng Na Uy (ảnh do hãng phim cung cấp)
 
Cảm xúc từ hình ảnh
 
Rừng Na Uy là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Haruki Murakami với hơn 10 triệu bản sách đã được xuất bản, 2,6 triệu ấn bản khác cũng đã đến tay nhiều độc giả trên thế giới. Rừng Na Uy là câu chuyện về quãng đời thời trai trẻ của Watanabe với nhiều biến động tình cảm.
 
Watanabe từng có tình bạn thân thiết với Kizuki - Naoko. Kizuki đột ngột tự tử ở tuổi 17 để lại cú sốc tinh thần cho cả Watanabe và Naoko. Sau khi rời bỏ Kobe với nhiều nỗi u buồn để lên Tokyo, Watanabe đến với Naoko như một lẽ tự nhiên để xoa dịu vết thương lòng.
  
Khác với câu chuyện u hoài trong cuốn tiểu thuyết, được bắt đầu bằng hình ảnh Watanabe hồi tưởng quá khứ khi nghe bản nhạc Rừng Na Uy của ban nhạc The Beatles trong lúc máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Hamburg, bộ phim Rừng Na Uy được đạo diễn Trần Anh Hùng kết cấu lại với điểm nhìn từ thời hiện tại. Điểm khác biệt này giúp các nhân vật gắn kết được với nhau theo tuyến tính thời gian, giúp người xem cảm nhận câu chuyện theo một hướng mới.
 
Ở đây, khán giả cũng bị mê hoặc bởi những thước phim đẹp như mơ mà Trần Anh Hùng cẩn thận trau chuốt tới từng khuôn hình. Nhà quay phim, cũng là một nhiếp ảnh gia, chia sẻ ông rất phục sự cầu kỳ, kỹ tính của Trần Anh Hùng.
 
Trong phim của anh, một ngôi nhà cũ kỹ, bát đĩa ngổn ngang cũng đẹp tuyệt vời dưới hàng mưa rơi. Và quả vậy, từ khu vườn trong khuôn viên trường nơi Watanabe đang theo học đến khu điều dưỡng của Naoko, từ những đồng cỏ xanh mướt đến mùa đông buồn bã tuyết rơi đều đem đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt. Ngay cả cảnh Watanabe khóc đau đớn trên bờ đá, người trông bẩn thỉu trước những tiếng sóng thét gào khi Naoko tự tử cũng là một cảnh cực đẹp, dù bi thiết.
 
Trần Anh Hùng tâm sự anh không tìm cách tái tạo những hình ảnh trong tiểu thuyết mà muốn tìm những nơi có thể ghi lại những hình ảnh rực rỡ nhất có thể. Ví dụ như để có được đồng cỏ đẹp nhất và lột tả được chân xác nội tâm nhân vật, anh đã phải thay đổi mùa quay và nhờ vậy khán giả sẽ thấy những bước chân hụt hẫng theo sau Naoko của Wantanabe giữa đồng cỏ xanh mướt mờ sương vào sáng sớm như chính cảm xúc bối rối muốn được che chở cho người mình yêu mà lại không được.
 
Không dễ xem
 
Bên cạnh những hình ảnh đẹp, âm nhạc cũng làm nên ấn tượng của phim Rừng Na Uy. Johnny Greenwood (thành viên nhóm Radioheads từng đoạt giải Grammy cho âm nhạc trong phim There will be blood) là người viết nhạc cho phim. Một nhà văn trẻ, cũng là fan hâm mộ đặc biệt của Haruki Murakami, nhận xét các nhân vật trong Rừng Na Uy thường rơi vào trạng thái tâm lý phức tạp, mâu thuẫn và âm nhạc vừa dịu dàng vừa da diết, kết hợp giữa cổ điển và hiện đại đã gợi cho khán giả khám phá chiều sâu tâm lý nhân vật.
 
Sự cầu kỳ của đạo diễn trong việc ghi lại những thanh âm tự nhiên của dòng chảy, tiếng mưa rơi, tiếng cá quẫy dưới hồ, thậm chí cả tiếng bước chân chạy, tiếng miết tay trên lan can của Watanabe khi gặp lại cô bạn gái Naoko trở thành những điểm nhấn cảm xúc cho khán giả.
 
Nhưng không hẳn với cảnh đẹp và nhạc hay là đã có một bộ phim mà ai cũng say mê. Rừng Na Uy là một tiểu thuyết khó đọc và bộ phim cũng không dễ xem với tất cả khán giả. Những người yêu thích sự hối hả hẳn không chịu được tiết tấu chậm rãi đến sốt ruột của bộ phim, dù biết rằng đó là ý đồ của đạo diễn. Cách chuyển cảnh, cắt cảnh đột ngột khiến khán giả có phần hụt hẫng, phải căng mình để hiểu đạo diễn muốn nói gì.
 
Những diễn biến quan trọng, như Kizuki tự tử, được thể hiện hơi nhanh, có thể khiến nhiều người khó hiểu, đặc biệt với ai chưa đọc truyện. Nhưng dưới con mắt của người làm nghề, một nhà lý luận phê bình điện ảnh uy tín bậc nhất hiện nay cho rằng phim quá hay, rất riêng biệt, có đẳng cấp vượt trội những phim có phong cách của các tác giả VN. Rừng Na Uy không phải thể loại phim tìm đến sự hợp lý hay phải cắt nghĩa mà nó trình bày tâm trạng con người. Người VN xem phim thích cắt nghĩa nhưng cái gì cũng có lý của nó thì chẳng thành nghệ thuật được nữa.
 
Sex nhưng không trần trụi
 
Dịch giả Trịnh Lữ tâm sự: "Trong Rừng Na Uy, thân xác là nơi trú ngụ và phương tiện biểu cảm tự nhiên nhất của tình yêu. Rừng Na Uy của Trần Anh Hùng có nhiều cảnh nóng, nhưng cũng như tiểu thuyết, những cảnh nóng này đẹp, nghệ thuật, đủ khiến cho nhà quay phim tên tuổi có mặt tại buổi chiếu phải thốt lên: "Rất nóng mà không hề trần trụi, lộ liễu".
 
Cái tài của Trần Anh Hùng là không phải khiến khán giả nóng bừng mặt khi xem phim như nhiều đạo diễn non tay khác. Đó thực sự không phải là điều dễ dàng.
 
Yến Anh

Giày Đại Phát solution
Số người online:
29445
Số người truy cập:
8824195