Quảng bá hình ảnh đất nước qua liên hoan phim


Nhà sản xuất Edmund Yeo (bìa trái) và đại diện Lãnh sự quán tình nguyện Malaysia tại LHP Hamburg - Ảnh: M.C. Vũ

 

 

Bên cạnh việc lần đầu tiên có một LHP quốc tế do Việt Nam chủ trì đứng ra tổ chức (VNIFF, vừa diễn ra từ ngày 17 đến 21-10 tại Hà Nội), vì sao tại Việt Nam hằng năm có LHP châu Âu, tuần phim Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp? Câu trả lời đơn giản là họ muốn quảng bá văn hóa của nước họ trên đất nước Việt Nam. Và họ có quỹ dành cho việc đó, ở mức chính phủ hay ở mức cơ quan đại diện ngoại giao hoặc văn hóa.

 

Từ những câu chuyện của người ngoài

Trong LHP Ðức lần thứ nhất được Viện Goethe tổ chức hồi tháng 5 tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Ðà Nẵng; một số bộ phim nổi bật gần đây của điện ảnh Ðức được tuyển chọn để giới thiệu với khán giả Việt Nam.

Bà viện trưởng, tiến sĩ Almuth Meyer - Zollitsch cho biết LHP Ðức - cũng như triển lãm sách Ðức được dịch ra tiếng Việt - là cánh cửa mở ra một thế giới với những câu chuyện của nước Ðức, của người Ðức để ta có thể thấy được sự khác biệt ra sao với văn hóa và con người Việt Nam, qua đó việc hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa sẽ trở nên dễ dàng hơn.

 

Lần thứ hai bỏ lỡ cơ hội

Mới đây, người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam có thể cảm thấy bất ngờ vì trong danh sách 65 phim từ các nước gửi tham gia tranh giải thưởng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2011 của Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ không hề có tên Việt Nam. Trong vòng một năm qua có ít nhất ba bộ phim có thể xứng đáng được gửi tham gia tranh giải thưởng này: Chơi vơi, Bi, đừng sợ!và Cánh đồng bất tận với sự tham gia tại các LHP danh tiếng trên thế giới bảo chứng cho sự ảnh hưởng và thu hút quan tâm ở tầm quốc tế.

Cách thức chọn lựa của Việt Nam với việc đề ra quy định về năm sản xuất và thời gian chiếu thương mại đã vô tình bó buộc một sân chơi khá quan trọng trên trường quốc tế của điện ảnh, và cũng là một phương thức quảng bá hình ảnh đất nước hiệu quả. Điều đáng nói, đây là lần thứ hai Việt Nam bỏ lỡ cơ hội này kể từ khi bắt đầu chính thức gửi phim đề cử từ năm 2006.

 

Khi Edmund Yeo, nhà sản xuất người Malaysia của phim The tiger factory,được tin bộ phim của anh và đồng nghiệp được lựa chọn vào mục Quinzaine des Réalisateurs tại Cannes 2010, thì lúc đó chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến ngày khai mạc. Ðây là bộ phim được quay hoàn toàn tại Malaysia nhưng được phía Nhật Bản - nơi anh học đạo diễn - hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất. Ngay lập tức, cơ quan văn hóa của Nhật Bản đã hỗ trợ đoàn phim kịp thời in ấn các sản phẩm quảng bá, ra thông cáo báo chí, lo việc ăn ở đi lại cho thành viên đoàn phim đến Cannes (Pháp).

Hẳn nhiên, phía Nhật Bản làm vậy vì sự tự hào có một sản phẩm phim đứng chung tên với Malaysia tại một trong những danh mục quan trọng ở Cannes. Và họ lấy đó làm cơ hội cho việc quảng bá Nhật Bản, dù trong phim không có một hình ảnh nước Nhật nào, Nhật Bản chỉ là một cái đích đến xa vời của nhân vật chính trong phim.

Sau cuộc ra mắt thế giới thành công tại Cannes, The tiger factory được mời đến LHP Hamburg (Ðức). Lãnh sự quán tình nguyện Malaysia tại Hamburg tài trợ vé máy bay cho Edmund Yeo đến tham dự để giới thiệu bộ phim trong một buổi chiếu. Bộ phim kể câu chuyện của cô gái trẻ Ping Ping phải tìm mọi cách vật lộn với cuộc sống bằng nhiều nghề khác nhau, chịu sự bóc lột sức lao động, bị lừa đảo, chỉ với mục đích duy nhất là có thể đi lao động chui tại Nhật Bản.

Nếu xét về khía cạnh hình ảnh đất nước thì đây là một cái nhìn khá bi quan. Tuy nhiên đó là một mặt hiện thực của cuộc sống tại đất nước Malaysia được nhìn qua lăng kính điện ảnh. Câu chuyện của Ping Ping mang ý nghĩa xã hội chứ không phải ý nghĩa dân tộc. Do vậy dù câu chuyện có đen tối đến đâu, cái tên Malaysia được nhắc đến với niềm thiện cảm to lớn tại các nơi mà bộ phim tham dự. Sự quảng bá cho đất nước họ đã thành công.

 

Đến những cơ hội bị bỏ phí của Việt Nam

 

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tại LHP Hamburg, ngày 5-10-2010 - Ảnh: Filmfest Hamburg

 

Cũng tại LHP Hamburg vào đầu tháng 10-2010, việc tham dự của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với bộ phim Chơi vơikhông có được sự quan tâm của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Ðức, cho dù năm 2010 cũng đồng thời là năm Việt Nam tại Ðức, dù khán phòng chiếu phim Chơi vơi chật cứng chỗ ngồi với khán giả Ðức vì "cháy" vé từ nhiều giờ trước.

Trước một cơ hội như thế, trong vai trò giới thiệu phim đến người xem, bản thân người viết bài này đã rất muốn có thể nói được câu "Việc tham dự của bộ phim tại LHP được sự hỗ trợ quý báu của..." nhưng không thể. Ngoài lề, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên còn chia sẻ thêm về việc tham dự của Chơi vơi tại LHP London (Anh) năm ngoái.

Không có được sự ủng hộ cụ thể nào đã đành, điều khó hiểu khác là cùng lúc với thời điểm diễn ra LHP London 2009, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức những ngày phim Việt Nam tại London nhưng trong danh mục phim chiếu không hề có Chơi vơi (!). Một cơ hội kết hợp tuyệt vời như vậy đã bị lãng phí với hậu quả là các buổi chiếu của những ngày phim Việt Nam khá vắng vẻ.

Với một nền kinh tế đang phát triển nhanh và mạnh cùng mong muốn có được một vị thế quan trọng hơn trên thế giới, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quảng bá văn hóa ra bên ngoài. Và điện ảnh cần được tận dụng như một cơ hội vàng cho công tác ngoại giao văn hóa đó.

MẠNH CƯỜNG VŨ


Giày Đại Phát solution
Số người online:
44091
Số người truy cập:
8661823