Phim phá án hết thời “độc quyền”

 

 

Dù có đưa yếu tố kinh dị vào phim, nhưng Cuộc gọi lúc 0 giờ vẫn chưa thật sự hấp dẫn người xem  - Ảnh tư liệu

Hiện trên kênh VTV3 lúc 21g20 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần đang phát sóng bộ phim dài 35 tập thể loại phá án Cuộc gọi lúc 0 giờ. Câu chuyện về sự mất tích của giám đốc trẻ Hoài Phong trong một tai nạn giao thông mang chút ma quái, chút hình sự điều tra, chút tâm lý xã hội... tạo nên một món ăn là lạ cho khán giả truyền hình. Ðiều thú vị nữa là bộ phim này không phải là sản phẩm của VFC hay TFS, mà là sự kết hợp sản xuất giữa hai công ty còn khá mới trong lĩnh vực phim truyền hình là Công ty cổ phần Khang Việt và Công ty cổ phần Thăng Long Media.

Mảnh đất màu mỡ

Sắp tới, các đài truyền hình sẽ liên tiếp ra mắt một số phim cũng thuộc loại phá án do các hãng phim tư nhân sản xuất như: Ðôi mắt ân tình (Hãng phim Sóng Vàng), Sáu mặt rubic (V-Art), Vật chứng mong manh (Hãng phim Hành Tinh Xanh), Vườn đời (Hãng phim Lạc Việt)..., phá vỡ thế "độc quyền" thể loại phim này của VFC và TFS.

Thật ra, việc VFC và TFS nắm vị thế "độc quyền" ở thể loại phim phá án thời gian qua cũng chỉ bởi... chẳng có hãng phim tư nhân nào mặn mà với thể loại phim vốn khó làm nhưng lại dễ bị chê nhất này. Mỗi năm VFC cố gắng duy trì sản xuất vài bộ phim trong loạt phim Cảnh sát hình sự. Hãng TFS một năm sản xuất vài bộ phim đề tài phá án (Nhiệm vụ đặc biệt, Ai?, Ngã rẽ...) chủ yếu phát sóng vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Vì thế sự góp mặt của các hãng phim tư nhân trong thể loại phim này cũng là tín hiệu vui, cho thấy sự chuyển đổi trong suy nghĩ của các nhà làm phim vốn trước đây chỉ loay hoay ở những đề tài bó hẹp về tình yêu, gia đình...

Ông Văn Công Quang - chủ tịch hội đồng quản trị Hãng phim V-Art, đơn vị lần đầu tiên tham gia lĩnh vực sản xuất phim truyền hình với bộ phim đề tài hình sự Sáu mặt rubic - cho biết: "Hiện nay khán giả đã quá quen thuộc với những bộ phim mang đề tài tình yêu tay ba, tay tư... Chúng tôi không muốn đi vào lối mòn ấy mà muốn tạo ra sự khác biệt. Những bộ phim phá án hình sự hiện nay đang là mảnh đất màu mỡ để các hãng phim khai phá. Vấn đề là chúng ta làm được tới đâu, mức độ nào để khán giả có chấp nhận được hay không thôi".

 

Cảnh trong phim Sáu mặt rubic - Ảnh: V-Art

 

Đoàn làm phim Chạy án phần 2 rất vất vả khi tìm bối cảnh cho phim vì nhiều người sợ phim ám chỉ mình -  Ảnh: VFC

Vừa diễn vừa... run

Nói là tín hiệu vui, thế nhưng đó chỉ mới là sự chuyển biến về số lượng phim đề tài hình sự phá án. Còn về chất lượng thể loại phim này thì còn nhiều điều đáng bàn. Cụ thể như bộ phim Cuộc gọi lúc 0 giờ được đánh giá là khá lạ nhưng chưa hay. Phim đã đi được 1/2 quãng đường, những yếu tố hấp dẫn về phá án chỉ thỉnh thoảng xuất hiện, còn lại phim khai thác quá nhiều những chi tiết hài hước, cù cưa cù nhầy. Người xem có cảm giác các nhà làm phim đang cố tình kéo dài thành nhiều tập chứ tình tiết phim không tiến triển nhiều.

Tập thể người tốt

“Một nhược điểm quan trọng của thể loại phim này là chúng ta chưa thoát ra được quan niệm người tốt thì rất tốt. Xung quanh những người tốt còn nhiều... người tốt nữa. Khán giả xem chưa hết phim đã biết kết quả như thế nào rồi” - ông Đỗ Thanh Hải nhận định. Ông nhấn mạnh: “Vì sao các phim hình sự của Mỹ luôn hấp dẫn với khán giả? Bởi vì họ thoải mái hơn trong xây dựng nhân vật theo hướng chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Mỗi cá nhân được đẩy tính cách lên đến tận cùng. Họ phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều để đưa ra những quyết định cuối cùng. Còn ở ta, sự thành công luôn đi cùng một tập thể. Điều này cũng làm bộ phim dở đi ít nhiều”.

Tính chất đặc thù của phim phá án, hình sự là việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ để lần theo dấu vết, đưa sự thật ra ánh sáng. Ðây cũng chính là chi tiết đắt giá để hấp dẫn khán giả. "Tuy nhiên do tính chất nghề nghiệp nên không phải lúc nào công an cũng có thể nói ra hết "nỗi lòng" với mình. Vì thế bộ phim hình sự hiện nay khó đi sâu vào nghiệp vụ chuyên môn ngành nghề" - ông Ðỗ Thanh Hải, giám đốc VFC, cho biết.

Cùng ý kiến với ông Hải, nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng - nguyên phóng viên báo Công An, người viết khá nhiều kịch bản đề tài phá án điều tra thời gian qua - nhấn mạnh: "Khi phim thể loại phá án điều tra phát sóng, công an là những khán giả chê phim nhiều nhất nhưng khi đoàn phim đến nhờ vả thì rất ít nơi đồng ý giúp đỡ. Những chi tiết như cách cầm súng thế nào, giấy tờ pháp lý, trang phục ra sao, các đạo cụ như xe chở tù nhân... đều rất cần sự hỗ trợ từ phía ngành công an".

Bối cảnh cũng là một vấn đề trong thể loại phim phá án, hình sự. Ðạo diễn Vũ Hồng Sơn từng rất vất vả khi chọn bối cảnh trong phần 2 của Chạy án. Ông nhớ lại: "Khi đến một số ngôi nhà xin làm bối cảnh để quay, chủ nhà đều lắc đầu từ chối bởi họ sợ xui và sợ nội dung phim ám chỉ mình...".

Còn diễn viên Tiết Cương - người đảm nhiệm vai cảnh sát chìm trong bộ phim Vật chứng mong manh sau khi hoàn tất phần quay một thời gian vẫn chưa hoàn hồn. Anh kể: "Bộ phim có rất nhiều cảnh đánh võ quay ở nghĩa địa thật. Khi diễn tim tôi đập thình thịch, sợ lỡ té trúng phải dây kẽm gai hay đạp phải kim tiêm, miểng chai. Giá như những cảnh quay này thực hiện tại phim trường, bối cảnh dựng đàng hoàng thì diễn viên yên tâm diễn xuất".

Có lẽ những khó khăn đó của người làm phim khiến khán giả khi xem thể loại phim phá án, hình sự do VN sản xuất trong thời gian qua đều dễ nhận thấy: phần lớn vụ án đều... ngồi nhà phá án bằng thoại!

HOÀNG LÊ


Giày Đại Phát solution
Số người online:
9794
Số người truy cập:
8927204