- Vì sao ông chọn thời điểm này ra mắt triển lãm "Em ơi, Hà Nội phố" ở TP HCM?
- Ai vẽ tranh cũng mong triển lãm để khoe thành quả. Đây là dịp tôi giới thiệu nhiều tác phẩm mới hoàn thành. Sau khi bạn tôi, Nghệ sĩ Nhân dân Huy Thành, qua đời, tôi đã buồn và suy nghĩ rất nhiều. Con gái giúp tôi xuất bản thơ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện triển lãm. Gia đình muốn tôi có thêm dịp gặp gỡ, giao lưu cùng mọi người. Nhờ sự giúp đỡ của nhà báo Nguyễn Trọng Chức, triển lãm kịp ra mắt. Tôi rất vui bởi đã dồn mọi tâm huyết, nỗ lực vào hội họa.
Họa sĩ Phan Vũ. |
- Tuổi tác tác động như thế nào đến cảm xúc của ông khi vẽ?
- Làm nghệ thuật, sức khỏe của người sáng tạo vô cùng quan trọng. Khi vẽ, tôi không khác gì một thanh niên, trút hết sức lực vào tác phẩm. Dù 93 tuổi, tôi không tự tạo rào cản tâm lý cho mình và có thể vẽ đến khi kiệt sức. Chỉ khi đặt cọ xuống, tôi cảm nhận được những khó khăn của tuổi già. Mắt tôi mờ nhiều, không nhận ra màu sắc tinh tường, chỉ có thể vẽ tranh ban ngày. Vì đau lưng, mỏi gối, tôi không thể ngồi lâu, thời gian sáng tác vì thế ít đi. Tôi cũng phải cố gắng cân bằng cảm xúc. Bởi tôi cầu toàn, khi cảm nhận bức tranh còn thiếu sót tôi vẽ đi vẽ lại, chỉnh hết góc này đến góc khác. Sau cùng, tác phẩm hoàn toàn khác so với ban đầu.
Nghệ sĩ sống bằng trải nghiệm. Tác phẩm của nghệ sĩ lớn tuổi có độ sâu của thời gian, tôi cũng vậy, ở tuổi này tôi đã trải qua biết bao nhiêu chuyện, cảm xúc đưa lên tranh cũng khác người trẻ. Ai có cùng mối đồng điệu mới có thể hiểu và yêu thích tranh của tôi.
Phan Vũ cùng vợ (thứ hai từ phải qua) đón khách trong buổi triển lãm "Em ơi, Hà Nội phố". |
- Vợ ông - nhà báo Diễm Chi - đã ủng hộ ông thế nào trong quá trình sáng tác?
- Nghệ thuật đi cùng sự cô đơn mới dễ thăng hoa. Diễm Chi cho tôi những khoảng không nghệ thuật, cho tôi thời gian để sống cùng hội họa. Vợ không đòi hỏi ở tôi bất cứ điều gì. Tôi và Chi gặp nhau khi tôi đã hơn 70 tuổi, ở tuổi này Chi không cần tôi phải giống như các ông chồng khác phụ việc nhà, hay giúp cô chuyện này chuyện kia. Lúc nào tôi cũng an tâm vì bên mình có vợ. Vợ chồng gắn bó bên nhau như một thói quen. Tôi và Diễm Chi sống với nhau 21 năm cũng vì lẽ ấy.
- Trong triển lãm, ông giới thiệu vài bức tranh khỏa thân, ông lấy cảm hứng từ đâu để sáng tác các bức này?
- Đó là những bức tranh tôi đã vẽ từ trước, không nằm trong 15 bức mới nhất. Cảm hứng để vẽ chúng đến khá bất chợt. Tôi vẽ không có mẫu khỏa thân, cũng không lấy hình ảnh của ai. Nhưng mọi người xem tranh có thể thấy thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ đi qua đời tôi.
Tranh khỏa thân của tôi theo trường phái trừu tượng nên tôi thấy rất bình thường. Nhiều người xem không kỹ còn không biết đó là tranh nude. Chúng là cảm xúc và những mảng màu của riêng tôi. Tôi không mong được đón nhận nhiệt tình mà chỉ cần thỏa mãn với cảm xúc hội họa của bản thân.
- Là nhà thơ, vì sao càng về sau ông càng tập trung hơn cho hội họa?
- Tôi vốn chơi rất thân với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm. Tôi từng nói vui đợi bạn bè mất hết mới chuyển hướng sang hội họa. Vì sinh thời, họ là những người đã nổi tiếng trong nghề, một người tay mơ như tôi thực sự không dám vẽ. Sau này, khi nhiều người nhận xét tôi có khiếu, tôi bắt đầu vẽ nhiều hơn. Cuộc chơi hội họa làm tôi hưng phấn hơn, đã dính vào màu vẽ là đam mê. Tôi đi vào hội họa một cách rất tự nhiên.
Một tác phẩm của Phan Vũ. |
- Tranh mang lại cho ông giá trị vật chất như thế nào?
- Tôi nghĩ một nghệ sĩ thực thụ thì khó giàu. Không thể dựa vào tiền bán tranh để nuôi sống bản thân, nhất là nghệ sĩ có tuổi như tôi. Tôi khá nhất ở mảng chân dung, những bức tranh này cũng được khán giả yêu thích, vẽ bức nào bán được bức đó. Tôi thích vẽ chân dung bạn bè như Trần Vũ, Trần Dần và cả vợ tôi. Tiền bán tranh tôi dùng hết vào mua màu, cọ, giấy. Tôi dùng lương hưu trang trải cuộc sống hàng ngày.
- Một ngày của ông diễn ra như thế nào?
- Vài năm trước, dù cao tuổi, tôi duy trì nếp sống: mỗi sáng thức dậy, tự đi mua cà phê và đồ ăn sáng sau đó sửa tranh và ngủ. Tôi thích ngồi trên ghế bố trong phòng tranh. Chiếc ghế cũ, đầy vết loang lổ nhưng là nơi thật bình yên để tôi ngắm những tác phẩm của mình. Những hôm khỏe, tôi ra đường uống cà phê, làm thơ rồi nhờ mấy bạn trẻ đăng lên facebook của tôi. Hôm nào mệt trong người tôi ở nhà ngắm tranh. Tôi tập tạ từ năm 70 đến 90 tuổi, còn chạy xe chở tranh đi khắp nơi. Nhưng vài năm trở lại đây, sức khỏe không còn tốt, tôi thấy được sự bất lực của tuổi già
- Mong muốn hiện tại của ông là gì?
- Ngoài Hà Nội, tôi rất yêu Sài Gòn. Tôi ở Sài Gòn đã lâu và muốn ghi lại dấu ấn ở vùng đất phương Nam này. Em ơi, Hà Nội phố đã được nhiều người biết đến. Tôi luôn muốn có một "Sài Gòn phố" cũng được yêu mến như thế. Tôi mong ước một lần được đọc bài thơ Bao giờ trở về Sài Gòn với một dàn trống đệm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ hội thực hiện được.