"Lão phù thủy" làng chèo Việt sống một mình trong ngôi nhà lợp mái xi măng, có khoảng sân rộng phủ giàn hoa leo ở Hà Nội. Thông gia sinh con một bề và muốn có người đỡ đần nên Mạnh Phóng để con trai ở rể. Nghệ sĩ ưa cuộc sống tự do, thích đi diễn khắp các tỉnh, lại có lương hưu nên không muốn phụ thuộc con cái. Ông làm bạn với chiếc xe dream cũ dựng trước cửa nhà. Khi khách đến thăm, từ ngoài cổng, đã thấy chiếc xe nằm ngang sân như thể nghệ sĩ vừa đi đâu về vội hoặc sắp có hành trình mới. Ông rôm rả: "Chiếc xe này hay lắm. Nó không chỉ là bạn, cùng chia sẻ buồn vui mà còn biết hái ra tiền".
Dịp hè, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Mạnh Phóng ở nhà nhiều hơn khi lứa sinh viên ông dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh về quê, chờ ngày tựu trường. Về hưu từ năm 2001, nghệ sĩ được mời thỉnh giảng cho ngành diễn viên chèo. Ông cũng giữ lịch sinh hoạt cố định tại đoàn xiếc, ảo thuật Hà Nội, thường phục vụ chiến sĩ lão thành.
Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Phóng. |
Trên chiếu chèo đất Bắc, Nghệ sĩ Nhân dân đóng đinh vai hề phù thủy (nằm trong vở Kim Nham, NSND Trần Bảng dàn dựng năm 1963) - một trong năm vai mẫu quan trọng, bên cạnh đào, kép, lão, mụ. Vai này đưa Mạnh Phóng trở thành gương mặt sáng giá của Nhà hát chèo Việt Nam, bên cạnh Xúy Vân do NSND Diễm Lộc đóng. Mỗi buổi diễn, ông luôn nhận được tràng pháo tay tán thưởng từ khán giả. Có lần, sau suất ở Đồ Sơn (Hải Phòng), người xem chật kín đứng đợi nghệ sĩ để chụp ảnh lưu niệm. Dù nghỉ hưu, ông vẫn được nhiều đơn vị nghệ thuật, trường học mời thỉnh giảng, dạy vai hề phù thủy cho sinh viên.
Chặng đường xa nhất Mạnh Phóng cầm lái là lần đi diễn ở chùa Hương - cách trung tâm Hà Nội gần 60 cây số. Nghệ sĩ đến diễn theo lời mời của hội cựu chiến binh địa phương. Dù mức thù lao ít ỏi, đường vào thôn lắt léo, ông vẫn quyết đi với mong mỏi gây dựng tình yêu chèo từ phong trào văn nghệ nghiệp dư.
Nhiều đêm diễn kết thúc lúc 22-23 giờ, ông một mình phóng xe về, không kịp ăn tối mà ngủ luôn để hôm sau có sức dạy học trò. Cuối tháng 7, nghệ sĩ gặp tai nạn khi lái xe sang đường. Trời tối, mắt kèm nhèm, ông đâm vào dải phân cách. Hai tay nghệ sĩ trầy xước, mạng sườn thâm tím. Ông không dám để con trai biết mà nhờ người dân đưa đi viện. "Cái hạn lớn quá, tôi tưởng chết hôm đó. May mà xe không hỏng nặng, sửa mất vài trăm. Giờ thì ngon rồi", ông vừa nói vừa xuýt xoa.
Đi diễn là cách để Mạnh Phóng khỏa lấp những trống trải trong đời tư. Gần 20 năm ly hôn, Mạnh Phóng không đi bước nữa bởi sợ cảm giác đổ vỡ. Nhắc chuyện buồn tình cảm, giọng "lão hề" Mạnh Phóng dịu lại, nét mặt không trĩu nặng tâm tư bởi một phần chuyện đã qua lâu, phần khác, ông muốn tinh thần luôn lạc quan, thanh thản. Nghệ sĩ vốn đào hoa. Ngoài đời, cái lúng liếng, đánh mắt trên sân khấu chèo của ông hấp dẫn nhiều phụ nữ đẹp. Ông trải qua hai cuộc hôn nhân chóng vánh và có con chung duy nhất với vợ hai. Vợ đầu Mạnh Phóng là diễn viên. Vợ hai của ông làm ngành điện và từng đổ vỡ tình cảm, có con riêng.
Dẫu vậy, nỗi cô quạnh không hiện diện trong ngôi nhà của nghệ sĩ. Gian bếp tươm tất, bát đĩa xếp tầng ngăn nắp bởi gia đình con trai vẫn về tụ họp thường xuyên. Phòng khách bày lỉnh kỉnh đồ diễn: đao, kiếm, cờ, cọ vẽ và ba lô đựng kịch bản. Ông không muốn cất gọn để sát ngày diễn không bị quên. Cây cọ vẽ theo Mạnh Phóng hơn nửa thế kỷ, từ ngày ông công tác tại Nhà hát chèo Hà Nội năm 1965. Mỗi lần cảnh trí sân khấu bị mờ sơn, ông thích ngồi tô lại, tiết kiệm chi phí thay mới.
Nghề chèo với nghệ sĩ là sự chọn lựa không hối tiếc. Ông nhớ lâu, am hiểu lịch sử và hồ hởi khi nhắc đến kỷ niệm sân khấu. Nghệ sĩ quê Hưng Yên, trúng tuyển vào Đoàn chèo quân đội năm 1958. Sau này, ông chuyển công tác qua Nhà hát chèo Hà Nội và Nhà hát chèo Việt Nam. Kỷ niệm sân khấu với "lão phù thủy" là những năm tháng diễn khắp chiến khu từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. "Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn càng khiến chúng tôi yêu nghề, thậm chí bất chấp hy sinh", ông nói.
Thời chiến tranh, Mạnh Phóng cùng 11 nghệ sĩ lập nhóm vào các chiến trường, phục vụ bộ đội. Đoàn chỉ diễn buổi đêm với đèn măng xông và hai can dầu. Sân khấu phủ trùm vải đen, bộ đội ngồi dưới tránh quân địch. Mỗi suất diễn chỉ kéo dài hơn một tiếng. Sau đó, các nghệ sĩ phải nhanh chóng di chuyển sang đơn vị đóng quân khác. "Người chết cứ nằm đấy, chúng tôi vẫn diễn. Lúc máy bay đến, cả đoàn xuống hầm và xin tiếp đạn cho bộ đội. Đó là đoạn đời hăng nhất của tuổi trẻ mà tôi không bao giờ quên", Mạnh Phóng nói với giọng hồ hởi, tay diễn tả động tác tiếp đạn.
Thời còn làm trưởng đoàn chèo, sống trong khu tập thể Nhà hát chèo Việt Nam, căn nhà của ông tấp nập đồng nghiệp, khán giả đến thăm. Mạnh Phóng kể hễ diễn xong là người xem lại chờ ngoài cửa, theo nghệ sĩ về tận nhà hỏi han. "Vai hề phù thủy chỉ xuất hiện 20 phút trong vở Kim Nham. Thế nhưng, để diễn tròn trịa, diễn viên phải độn bụng to, chân bước nhịp nhàng, tay vừa đánh trống chầu, vừa ăn ý với dàn nhạc. Tiếng cười của hề phù thủy tạo ra không đơn thuần để giải trí, mà đậm giá trị tư tưởng, nhân văn", ông chia sẻ.
Mạnh Phóng lạc quan với sự phát triển của sân khấu chèo hiện nay bởi nghệ thuật dân tộc vẫn sống vì có thế hệ trẻ tiếp nối. Nhóm học trò ông truyền nghề giành được nhiều huy chương, giải thưởng tại các hội diễn sân khấu trẻ toàn quốc.
Điều trăn trở nhất của Mạnh Phóng là sức khỏe. Ông lo khi sang tuổi 80, cột hơi giảm, thể trạng thay đổi không thể cầm lái lâu. "Tôi mê chèo và sẽ gắn bó đến khi nào ông trời bắt dừng lại. Tôi càng diễn, càng say. Cuộc đời tôi không còn gì tiếc nuối, được sống và hết lòng với nghề là hạnh phúc lớn nhất", ông nói.
Trọng Trường