Trần Kim Trắc đã lặng lẽ qua đời tại nhà riêng ở tuổi 90. Sự ra đi của ông cũng giống hệt hành trình văn chương của ông, vừa khiêm nhường ẩn náu vừa bất ngờ thi vị. Ông đã sống trên dương gian một chặng đường không ngắn, và dư âm sáng tạo của ông có lẽ còn dài. Nhà văn Trần Kim Trắc không giống bất kỳ ai trong thế hệ cầm bút cùng thời. Ông đứng ngoài danh vọng, có nét gì lẻ loi mà lại có nét gì độc đáo. Nói chuyện với nhà văn Trần Kim Trắc luôn có được tiếng cười rộn rã. Đọc truyện ngắn của Trần Kim Trắc cũng luôn có tiếng cười đôn hậu, nhưng ít ai nhận ra ông có một đôi mắt buồn không thể nào che giấu số phận hắt hiu.
Nhà văn Trần Kim Trắc tại Lễ tổng kết hoạt động năm 2012 của Hội Nhà văn TP HCM. |
Nhà văn Trần Kim Trắc có một khởi đầu văn nghiệp rất đáng phấn khích. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở tuổi 16. Năm 1948, ông gia nhập Tiểu đoàn 307 lừng lẫy chiến trường miền Tây Nam bộ. Những ngày quân ngũ, Trần Kim Trắc đến với văn chương và gặt hái ngay thành tích: truyện ngắn Cái lu được trao giải ba về văn xuôi của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954- 1955. Đây là một giải thưởng uy tín lúc bấy giờ, với phần thơ trao giải nhất cho tập Việt Bắccủa Tố Hữu. Còn phần văn xuôi, giải nhất thuộc về Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc và Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, giải nhì thuộc về Truyện anh Lụccủa Nguyễn Huy Tưởng và Con trâu của Nguyễn Văn Bổng. Truyện ngắn Cái lucủa Trần Kim Trắc được trao giải ba đồng hạng với Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, và đứng trên ba giải khuyến khích là Đồng quê hoa nở của Hoàng Trung Nho, Gặp gỡ của Bùi Hiển và Cá bống mú của Đoàn Giỏi.
Với vòng nguyệt quế Cái lu cộng với quá khứ xuất thân từ Tiểu đoàn 307, nhà văn Trần Kim Trắc xem như có cánh cửa lớn để lập nghiệp khi tập kết ra Bắc. Thế nhưng, éo le thay, rời Phòng Chính trị Quân khu 3 chuyển lên Phòng Văn nghệ Tổng cục Chính trị chưa được bao lâu ông bị kỷ luật vì một câu chuyện liên quan đến sinh hoạt riêng. Sau đó, Trần Kim Trắc cũng bỏ chốn chữ nghĩa và dạt khỏi Hà Nội để lên rừng làm nghề sơn tràng.
Hơn 30 năm, Trần Kim Trắc làm một người lao động dầm mưa dãi nắng đúng nghĩa. Mấy năm ở vai trò một nhân viên ngoài biên chế của Ty công nghiệp Hưng Yên, Trần Kim Trắc rất giỏi nấu rượu và pha chế nước chấm. Rồi ông theo người yêu lên Tuyên Quang, với một gói nấm mốc để sống bằng nghề sản xuất nước chấm. Tuy nhiên, trú ngụ trong căn nhà mái tranh tạm bợ bên cạnh hồ Nông Tiến, Trần Kim Trắc đã trở thành một người nuôi ong xuất sắc. Từ những đõ ong của Trần Kim Trắc, chất lượng mật ngọt của chàng trai quê gốc Chợ Gạo – Tiền Giang đã bay qua bến Bình Ca yên ả, và bay qua cả dòng sông Lô. Cựu chiến binh Tiểu đoàn 307 - Trần Kim Trắc - lúc này được biết đến là "vua nuôi ong" ở núi đồi Tây Bắc.
Tháng 7/1975, Trần Kim Trắc cùng vợ đưa mấy chục đàn ong từ Tuyên Quang vào Long Khánh – Đồng Nai. Trần Kim Trắc nuôi con cái học hành thành đạt bằng chính nghề nuôi ong. Khi đã qua tuổi 60, ông mới thu hẹp số lượng các đõ ong, rồi chuyển về sinh sống hẳn tại Sài Gòn và túc tắc nhen lại ngọn lửa văn chương. Thập niên 90 của thế kỷ trước, căn nhà của Trần Kim Trắc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 vẫn treo biển "có bán mật ong dinh dưỡng".
Nhà văn Trần Kim Trắc trở lại giới cầm bút bằng tập truyện ngắn Ông Thiềm Thừ in năm 1994. Nghĩa là ông có 40 năm im lặng, nếu tính từ truyện ngắn Cái lu đoạt giải thưởng Hội Văn Nghệ Việt Nam như món quà khắc cốt ghi tâm. 40 năm trải nghiệm, với bao nhiêu sóng gió, với bao nhiêu ngổn ngang, với bao nhiêu dằn vặt, chỉ cần nhà văn tuần tự viết ra đã có thể gây kinh ngạc cho độc giả. 23 truyện ngắn trong tập Ông Thiềm Thừ được trao tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam như một sự khích lệ cố nhân tái ngộ chữ nghĩa mà thôi. Những tác phẩm sau này như Học trò già, Trăng đẹp mình trăng, Chuyện nàng Mimo, Con trai ông tướng... mới thực sự giãi bày hết tâm tư của cố tác giả. Ông viết để xoa dịu cho hồi ức thúc giục. Ông viết để trả nợ cho kỷ niệm réo gọi. Ông viết để tha thứ cho định mệnh trớ trêu. Những trang văn hay nhất của nhà văn Trần Kim Trắc đều xoay quanh chính cuộc đời ông. Trầm luân đấy, đọa đày đấy, bất an đấy... nhưng nhà văn Trần Kim Trắc không dùng một câu oán than nào, không dùng một lời cay nghiệt nào. Ông chỉ viết để tự cười mình vì chưa đủ lãng mạn, chưa đủ kiên nhẫn, chưa đủ bao dung với cuộc sống mến thương. Văn chương của Trần Kim Trắc cứ nhẹ nhàng, cứ dí dỏm, cứ vui tươi... tạo thành một phong cách mà ông tự gọi là "lý lắc Nam bộ".
Nhà văn Trần Kim Trắc không có mưu cầu gì ở nghề văn. Mọi sự xưng tụng đối với ông đều vô nghĩa. Bạn đọc thế hệ sau, muốn hiểu ông, chỉ cần đọc lại những trang viết về hai mảng đề tài tâm đắc của ông: Thứ nhất, tuổi trẻ kiêu hãnh, như Nụ cười 307. Thứ hai, tháng ngày lang bạt, như Chuyện riêng tư, chốn sơn tràng.
Sài Gòn, đêm 4/1
Lê Thiếu Nhơn