Nhà văn Mạc Ngôn nói về lòng tham

 Trên trang cá nhân, Mạc Ngôn, 68 tuổi, thường đăng các mẩu chuyện, tản văn về trải nghiệm của ông từ nhỏ tới trưởng thành. Hồi tháng 4, ông đăng trích đoạn trong tập tản văn Giàu nghèo và dục vọng, nói về lòng tham và ý nghĩa của văn học trong việc kìm hãm dục vọng của con người, thu hút chú ý của nhiều khán giả. Dưới đây là phần lược dịch bài viết của nhà văn.

Mạc Ngôn ở buổi giao lưu với độc giả tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 16/5. Ảnh: The Paper

Thời cổ đại, Tư Mã Thiên từng nói: Người trong thiên hạ chen chúc nhau vì lợi ích, người trong thiên hạ lao lực bốn phương cũng vì lợi ích. Dục vọng của con người là hố đen không bao giờ lấp đầy. Dục vọng ban đầu của vợ ông lão đánh cá chỉ là một chiếc máng lợn, có máng lợn rồi, bà ta muốn có ngôi nhà. Có ngôi nhà rồi, bà ta muốn làm phu nhân. Làm phu nhân rồi, bà ta muốn làm nữ hoàng. Trở thành nữ hoàng, bà ta muốn làm bá vương biển cả để điều khiển cá vàng.

Lúc này, bà vợ đã đi quá giới hạn. Như thổi bong bóng xà phòng, thổi to quá, bóng sẽ vỡ. Mọi việc đều có giới hạn. Một khi phá vỡ giới hạn, người ta sẽ phải trả giá. Đây là lý lẽ đơn thuần nhất trong đời, cũng là quy luật của nhiều hiện tượng tự nhiên.

Dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện nhằm nhắc nhở khắc chế dục vọng. Ấn Độ có chuyện một người làm chiếc lồng gỗ để bắt khỉ, trong lồng để đồ ăn. Khỉ thò tay lấy thức ăn nhưng không rút tay ra được. Chỉ cần buông bỏ đồ ăn, khỉ sẽ rút được tay nhưng chú khỉ không chịu bỏ miếng ăn.

Khỉ không sáng suốt để "buông bỏ", vậy con người đủ sáng suốt để "buông bỏ" không? Có người có, người không. Có người có lúc đủ sáng suốt, có lúc không.

Có người cứng rắn trước cám dỗ của đồng tiền nhưng chưa chắc bình thản trước cám dỗ của mỹ nhân. Có người vượt qua được ải mỹ nhân nhưng chưa chắc vượt qua được cám dỗ của quyền lực.

Con người thường có thứ gì đó không thể buông bỏ được, đó là nhược điểm, cũng là biểu hiện của sự phức tạp trong tâm lý con người.

Tham lam là bản tính, cũng gọi là mặt tối trong tính cách con người. Qua các bài học đạo đức và câu chuyện văn học, người ta có thể tỉnh táo hơn một chút, nhưng căn bản không thể giải quyết vấn đề. Thế nên, Phật giáo mới có câu "Vạn vật là không, vạn sự cũng là không" nhằm nhắc nhở khắc chế sự tham lam. Tham lam là cội nguồn của cái ác, của nhiều sự đau khổ.

Thế nên, sách Hồng lâu mộng mới có bài ca: "Nhân thế đều ham cõi thần tiên, chỉ có công danh không gạt bỏ được. Nhân thế đều ham cõi thần tiên, chỉ có kim tiền không quên được. Nhân thế đều ham cõi thần thiên, chỉ có vợ yêu không quên được. Nhân thế đều ham cõi thần tiên, chỉ có cháu con không quên được".

Chúng ta cần văn học nói với mọi người: Thong thả thôi, chậm rãi thôi. 10 phần thông minh thì dùng tám phần, tích hai phần cho con cháu.

Chúng ta cần văn học nói với mọi người: Những điều cơ bản nhất duy trì sinh mệnh là không khí, ánh nắng, thức ăn và nước. Tất cả đều là xa xỉ phẩm. Đương nhiên, quần áo và nhà cửa rất quan trọng.

Chúng ta cần văn học nói với mọi người: Những ngày tốt đẹp của thế giới không còn nhiều. Khi ở sa mạc, sẽ hiểu nước và đồ ăn quý hơn vàng bạc, kim cương. Khi động đất và sóng thần xảy ra, mới hiểu được biệt thự xa hoa cỡ nào cũng chỉ là nắm bùn giữa tự nhiên.

Văn học của chúng ta có thực làm con người tiết chế lòng tham không? Câu trả lời là bi quan, nhưng cho dù kết quả bi quan, chúng ta cũng không được ngừng cố gắng. Vì làm việc đó không chỉ giúp người khác mà đồng thời là giúp chính mình.

Nghinh Xuân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27101
Số người truy cập:
4795311