Người trẻ Việt mua nhà sớm

 Chàng trai quê 19 tuổi quê Bắc Giang nói dù mất hai tháng tìm kiếm nhưng khá ưng ý với căn hộ mua bằng tiền tự kiếm. "Nếu không mua, tôi vẫn mất gần 300 triệu tiền thuê nhà cho bốn năm đại học", anh nói. "Mua nhà là một mục tiêu tôi muốn hoàn thành trước tuổi 30".

Bốn năm trước, Nam bắt đầu theo đuổi sự nghiệp làm nhà sáng tạo nội dung về game trên các nền tảng YouTube và TikTok. Sau vài tháng, thu nhập của anh bắt đầu tăng dần và ổn định ở mức 60-80 triệu đồng mỗi tháng. Khi tốt nghiệp cấp 3, tài khoản tích lũy của Nam có 800 triệu và nửa mảnh đất mua cùng người chú có giá 300 triệu đồng.

Giữa 2023, Nam thi đỗ Học viện Hành chính Quốc gia và bắt đầu nghĩ về việc mua nhà ở Hà Nội. Gom hết tiền tiết kiệm được hơn 50% giá trị căn nhà, anh vay mẹ và chú số còn lại nhưng phải cam kết trả hàng tháng.

Để đảm bảo thu nhập và có tiền trả nợ mua nhà, nửa năm qua Nam vừa học, vừa nhận thêm công việc xây dựng kênh TikTok cho người có nhu cầu và hỗ trợ cho các KOL, KOC (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội).

Nguyễn Quang Nam làm công việc sáng tạo nội dung để đủ thu nhập trả tiền nhà ở TP Hà Nội, tháng 12/2023. Ảnh Nhân vật cung cấp

Không mua được nhà sớm như Nam nhưng Nguyễn Phước Xuyên, quê An Giang cũng đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ 52 m2, giá hai tỷ đồng ở TP Thủ Đức (TP HCM) ở tuổi 28, sau hai năm làm bốn công việc cùng lúc.

Xuyên lớn lên trong gia đình thuần nông nên lập kế hoạch tự lực mua nhà từ năm 2016, khi đang là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh của Đại học Tài chính Marketing TP HCM. Anh làm part-time và cộng tác cho nhiều công ty trong lĩnh vực truyền thông - quảng cáo.

Năm 2018, Xuyên ra trường với cuốn sổ tiết kiệm có 85 triệu đồng. Anh quyết định dùng sổ vay vốn ngân hàng 100 triệu để bắt đầu dự án kinh doanh dự án ký túc xá tư nhân. Hai năm sau, dự án hòa vốn và bắt đầu sinh lời, Xuyên có thêm 150 triệu.

Tuy nhiên, số tiền này với vạch đích mua nhà vẫn còn xa. Chàng trai phải làm bốn công việc cùng lúc bao gồm kinh doanh ký túc xá, viết quảng cáo, trợ lý hoa hậu và bất động sản với tổng thu nhập dao động 30 triệu đồng mỗi tháng.

Thời gian làm việc của Xuyên thường kéo dài 12-14 tiếng mỗi ngày. Chi tiêu sinh hoạt như thuê trọ, ăn uống, mua sắm, sinh nhật, đi cưới được anh kiểm soát chặt chẽ bằng ứng dụng quản lý tài chính, đảm bảo không chiếm quá 1/3 thu nhập.

Đầu năm 2020, Xuyên muốn sớm hoàn thành kế hoạch nên chọn cách đầu tư "lướt sóng" cùng một người bạn, tức mua lại các suất dự án bất động sản chưa thành hình. Anh đầu tư 150 triệu đủ mua 15% giá trị căn hộ và chuyển nhượng cho người có nhu cầu ở thật.

Sau ba thương vụ thành công, Xuyên bỏ túi số tiền lãi 240 triệu nâng tổng số tiền tiết kiệm lên 500 triệu để anh mạnh dạn đặt cọc mua căn hộ ở TP Thủ Đức. Số còn lại, anh vay ngân hàng với lãi suất 7,8%. Giữa năm đó, Xuyên nhận nhà và quyết định cho thuê lại với giá 6,5 triệu đồng một tháng còn mình chuyển ra ở trọ.

"Tôi muốn tối ưu chi phí để gồng cho khoản trả góp gần 8 triệu mỗi tháng", Xuyên nói. "Việc cho thuê giúp tôi dễ thở hơn để trả tiền nhà".

Căn hộ của Nguyễn Phước Xuyên ở TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 12/2020. Ảnh Nhân vật cung cấp

Xuyên và Nam là hai ví dụ của hiện tượng "tuổi mua nhà trung bình của người Việt ngày càng trẻ" - sự chuyển dịch đảo chiều về độ tuổi người sở hữu bất động sản.

Theo khảo sát của tập đoàn công nghệ bất động sản Property Guru, người trẻ từ 26-42 tuổi có nhu cầu tìm mua bất động sản nhiều nhất năm 2023. Trong đó, nhóm tuổi từ 27-30 chiếm hơn 42%, nhóm tuổi 32-40 chiếm khoảng 24%. Ngược lại, nhóm trên 42 tuổi chiếm khoảng 15% tổng số lượng khách hàng tìm kiếm nhà đất năm nay.

Cũng theo Property Guru, những người thuộc thế hệ Gen Z và Gen Y với độ tuổi dưới 35, có mức độ tìm kiếm thông tin bất động sản tăng liên tục trong vòng ba năm trở lại đây.

Khảo sát tâm lý tiêu dùng của trang Batdongsan về tỷ trọng người dự định mua bất động sản trong 2024 cho thấy có 64% dưới 39 tuổi.

Ông Ngô Thành Huấn - giám đốc khối tài chính cá nhân Công ty tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, cho biết thêm nhóm khách hàng dưới 40 tuổi mua bất động sản qua công ty tăng đột biến 70% trong năm 2023.

Chuyên gia đưa ra hai lý do giải thích cho hiện tượng đảo chiều này. Thứ nhất, năm 2023 thị trường bất động sản suy thoái khiến giá trị mỗi giao dịch thu gọn dưới bốn tỷ đồng. Độ tuổi 45-60 là nhóm tích lũy tài sản lớn nên hạn chế hoạt động giao dịch, kinh doanh trong thời điểm này. Nhưng đây là cơ hội vàng cho nhóm khách hàng dưới 35 tuổi. Thứ hai, sự phát triển của công nghệ thông tin đã mang đến cho thế hệ Gen Y và Gen Z nhiều cơ hội việc làm có thu nhập tốt, thậm chí cao gấp nhiều lần lao động của thế hệ trước.

Đồng quan điểm, ông Đinh Hoàng Thắng, quản lý cấp cao của Property Guru Việt Nam cho rằng xu hướng người tìm kiếm và mua bất động sản trẻ hóa bắt nguồn từ việc họ có mức thu nhập rất tốt. Họ làm các công việc có liên quan đến công nghệ, liên quan đến sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, nắm bắt được các xu thế mới.

Theo khảo sát của Batdongsan với nhóm khách hàng dưới 30 tuổi, có ba yếu tố quan trọng nhất để họ tìm kiếm bất động sản trong 2024.

Một là bất động sản phải đáp ứng được nhu cầu có không gian xanh. Hai là yếu tố ứng dụng công nghệ (smart home). Cuối cùng, người trẻ có xu hướng chấp nhận đi xa hơn ra khỏi khu vực trung tâm, tìm kiếm bất động sản ở vùng ven thành phố lớn.

Minh Trung trong căn hộ ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP HCM. Ảnh Nhân vật cung cấp

Lý giải này đúng với trường hợp của Minh Trung, 30 tuổi, người mua căn hộ ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP HCM từ bốn năm trước. Trung thừa nhận mình may mắn bởi thiết lập được kế hoạch tài chính mua nhà khi kinh tế còn đang "dễ thở".

Anh khởi nghiệp với hai công ty thiết bị nha khoa, dạy tiếng Anh và đầu tư chứng khoán. Thời đó Trung có thu nhập khoảng 60-100 triệu đồng mỗi tháng. Anh tích lũy đủ 30% giá trị căn hộ 1,2 tỷ đồng, diện tích 72 m2 vào tháng 9/2017.

Thời điểm Trung đặt cọc, căn hộ đang là dự án. Anh suy nghĩ ba tháng để quyết định mua dưới hình thức trả theo tiến độ. Hai tháng một lần, Trung trả 10% giá trị căn nhà. Để kịp theo nhịp này, Trung phải chuyển từ căn hộ thuê 7 triệu tháng sang phòng trọ ba triệu, giảm tối đa các loại chi tiêu. Anh nhận nhà vào tháng 1/2020 ở tuổi 26.

Ba năm sau, kinh tế suy thoái khiến thu nhập của Trung giảm khoảng 70% nhưng anh vẫn cảm thấy may mắn vì có căn hộ làm tài sản tích lũy. "Nếu không quyết định vào thời điểm đó, tôi sẽ không thể mua được nhà", Trung cho biết.

Chuyên gia Ngô Thành Huấn khẳng định với các điều kiện như hiện nay, người trẻ tự mua nhà không phải quá khó với điều kiện biết nâng cao kiến thức kinh tế, thiết lập mục tiêu, kế hoạch tài chính rõ ràng. "Họ cần có mốc tài sản tích lũy từ 300 triệu đến hai tỷ đồng để có nhiều sự lựa chọn sở hữu bất động sản", ông Huấn nói. Ngoài ra, họ cũng cần phải chuẩn bị tích lũy cho các rủi ro khác như lãi suất biến động, ốm đau, hoặc sự cố bất ngờ.

Xuyên cho biết đầu 2023 anh đã đối mặt với khủng hoảng lãi suất đột ngột nâng lên gần 14% tương đương với việc phải trả 18 triệu mỗi tháng. Chàng trai quê An Giang buộc nghỉ việc làm truyền thông quảng cáo sang công ty bảo hiểm, nhận thêm việc quản lý quán chay ở TP HCM. Thu nhập duy trì ở mức 40-50 triệu một tháng chỉ vừa đủ để Xuyên xoay sở.

Một buổi tối đầu 2024, Xuyên mở máy tính nhập con số thu chi trong tháng, hiển thị anh đã trả được 60% giá trị căn nhà.

"Tôi sẽ chuyển vào ở căn hộ sau khi trả xong nợ", Xuyên nói. "An cư là bước đầu để lạc nghiệp".

Ngọc Ngân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8409
Số người truy cập:
5301555