Người đẹp miệt mài thi nhan sắc

Các cuộc thi sắc đẹp nở rộ trở thành cơ hội cho các chân dài tìm kiếm danh hiệu để từ đó phát triển sự nghiệp. Trúc Diễm sau 4 năm tham gia Hoa hậu Trái đất lại trở thành thí sinh của Hoa hậu Quốc tế 2011, tại Trung Quốc. Thái Hà sau lần dự thi Nữ hoàng Du lịch quốc tế 2009, đang chuẩn bị hành trang và chờ cấp phép tới cuộc thi Hoa hậu Trái đất vào tháng 11.

Trúc Diễm
Trúc Diễm đang gây ấn tượng mạnh cho ban tổ chức và giới truyền thông tại Miss International 2011.

Theo đa số người đẹp, danh hiệu về sắc đẹp mở ra cơ hội nghề nghiệp cũng như các mối quan hệ xã hội mới. Như trường hợp của Hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy. Với vị trí top 17 cuộc thi Miss World 2006, tên tuổi của người đẹp lên như "diều gặp gió". Mai Phương Thúy được mời tham gia vô số sự kiện lớn nhỏ trong nước cùng các hợp đồng quảng cáo giá trị. Danh hiệu cũng giúp người đẹp nâng tầm vai trò đại sứ trong các hoạt động xã hội. Năm 2008, cô còn được Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam ghi nhận Hoa hậu tích cực làm thiện.

Thực tế cũng cho thấy, những cái tên Võ Hoàng Yến, Chung Thục Quyên, Dương Trương Thiên Lý trở nên "nóng" hơn khi được gắn thêm các danh hiệu Hoa hậu, Á hậu.

Lực đẩy từ những danh hiệu sắc đẹp lớn đến mức nhiều người đã có chút tên tuổi vẫn không ngừng nuôi hy vọng và chờ đợi cơ hội để vào cuộc tìm danh hiệu cao hơn.

Giải vàng Siêu mẫu 2010 Ngọc Thạch vẫn luôn nung nấu cho mình giấc mơ chinh phục giải thưởng Hoa hậu. Lần trượt thi Miss Earth 2011 vì không có danh hiệu vừa qua càng làm cho người đẹp quyết tâm hơn trong việc khẳng định mình. Sắp tới, Ngọc Thạch dự tính góp mặt vào một cuộc thi hoa hậu trong nước. Đây sẽ là bước đệm để cô có cơ hội tiến ra thế giới.

"Tất nhiên tôi không hồ đồ mà có sự chuẩn bị kỹ càng. Năm 2010, sau khi đoạt giải vàng Siêu mẫu, nhiều người hỏi tôi có dự thi hoa hậu không? Tôi đã trả lời là không vì chưa đủ tự tin vào kiến thức của mình", Ngọc Thạch nói.

Biết danh hiệu là cơ hội lớn cho bản thân, nữ siêu mẫu đã âm thầm rèn luyện bản thân trong hai năm qua. Ngoài việc học đại học, Ngọc Thạch còn thuê gia sư rèn ngoại ngữ tại nhà. Cô còn tham gia các khóa học về kỹ năng trình diễn thể hình và giao tiếp.

Giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2010 Phạm Ngọc Thạch ngày càng đẹp mặn mà.

Siêu mẫu Thái Hà cũng có cùng suy nghĩ, thậm chí rõ ràng, rành mạch hơn. "Tôi không chối bỏ việc có một danh hiệu về sắc đẹp khiến cho nghề nghiệp trong làng giải trí được rộng mở hơn. Nhưng mục đích chính của tôi là được ghi tên trên bản đồ sắc đẹp thế giới".

Năm 2009, Thái Hà được cử tham gia cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế (một trong sáu cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới), diễn ra tại Trung Quốc. Dù không lọt vào bán kết nhưng trang Global Beauties chọn đại diện Việt Nam là một trong 50 gương mặt đẹp nhất của năm 2009.

Hay Phan Như Thảo, người đẹp Cà Mau cũng là người có tham vọng chinh phục các cuộc thi sắc đẹp. Năm 2007, cô lọt vào top 15 Hoa hậu Thế giới người Việt. Từ đó, con đường người mẫu trải rộng trước mắt. Cô còn lấn sân điện ảnh với nhiều vai diễn cá tính. Dù vậy, đích đến là một danh hiệu Hoa hậu vẫn không ngừng thôi thúc. Năm 2011, Như Thảo tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu 2011 tại Mỹ và đoạt ngôi Á hậu 4. Cô cho biết, vẫn chưa hài lòng về giải thưởng và vẫn tiếp tục tranh tài sắc nếu có thêm cơ hội.

Thế nhưng, danh hiệu không phải lúc nào cũng kèm theo tiếng tốt. Ngọc Trinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu với mong muốn có danh hiệu dành tặng cho cha mẹ. Nhưng, vương miện cô giành được bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Người mẫu Thúy Hạnh từng phát biểu trên báo chí, đó là cuộc thi "ao nhà" và danh hiệu đạt được cũng không đáng gì.

Mới đây, Miss Asia Pacific tại Hàn Quốc mà người đẹp Trương Tùng Lan đại diện Việt Nam góp mặt bị phanh phui nhiều mặt trái. Dư luận càng thêm hoang mang về tính xác đáng của các danh hiệu được trao.

"Từ 'Hoa hậu' hiện nay được dùng quá dễ dãi. Các người đẹp Việt chỉ cần đi thi ở nước ngoài, khi về nước là có một danh hiệu to đùng. Họ dùng danh hiệu để đánh bóng tên tuổi, để được nổi tiếng nhưng không hiểu hết được trách nhiệm của một người đẹp có danh hiệu", Hoa hậu đền Hùng Giáng My cho ý kiến.

Hơn 20 năm đăng quang, Giáng My (giữa) vẫn đẹp dịu dàng. Chị cũng là một trong những người đẹp thành công nhiều lĩnh vực: hoạt động xã hội, sản xuất chương trình truyền hình, MC...
Hơn 20 năm đăng quang, Giáng My (giữa) vẫn đẹp dịu dàng. Chị cũng là một trong những người đẹp thành công nhiều lĩnh vực: hoạt động xã hội, sản xuất chương trình truyền hình, MC...

Năm 1990, Giáng My thi Hoa hậu đền Hùng tại tĩnh Vĩnh Phúc và giữ luôn danh hiệu đó đến tận bây giờ vì cuộc thi chỉ diễn ra đúng một lần. "Người đẹp không tuổi" chia sẻ, chị không có ý định tham dự một cuộc thi nào khác bởi không chạy theo "hào quang ảo tưởng" mà muốn trở thành một phụ nữ sống cuộc đời của chính mình với nhiều đam mê, hoài bão.

"Tôi nghĩ, tham vọng được thành đạt, được nổi tiếng không phải là cái xấu. Tuy nhiên, liệu các bạn trẻ có đủ nội lực trí tuệ, đủ sức mình gánh trên vai danh hiệu đó. Hay cứ chạy theo danh hiệu, rồi bị nó ám suốt cuộc đời", Giáng My nói.

Hoa hậu cũng băn khoăn về việc nên chăng định hướng lại cho giới trẻ, để phân biệt đúng sai trong thế giới hào nhoáng này. "Đừng bao giờ để mọi người nghĩ rằng Hoa hậu chỉ cần có đôi chân dài. Các cuộc thi nên thanh lọc và dùng từ cho chính xác, để người khác không hiểu nhầm. Ngày xưa đi thi người đẹp thể thao, người ta cũng chỉ dám dùng từ 'hoa khôi' chứ không dùng từ 'hoa hậu' bừa bãi như bây giờ", chị chia sẻ.

Giám đốc công ty người mẫu Elite Việt Nam Thúy Hạnh có cùng quan điểm. Chị cho rằng, danh hiệu "Hoa hậu" chỉ nên dành cho các cuộc thi lớn, đẳng cấp. Còn những cuộc thi nhỏ chỉ nên dùng từ "hoa khôi" hay "người đẹp" để tránh những hiểu lầm về danh hiệu.

Về việc các người đẹp miệt mài thi nhan sắc, Thúy Hạnh cho biết, không riêng Việt Nam mà trên thế giới cũng có nhiều trường hợp tương tự. Và chị bày tỏ sự thông cảm: "Việc họ đi thi nhiều lần không có gì đáng chê trách. Các người đẹp phải trải qua nhiều cuộc thi mới tôi luyện được độ chín cho mình. Khi họ đã mạnh dạn đi thi có nghĩa là đã tự gánh một sức nặng lên vai và có nhiều áp lực. Vì vậy mọi người đừng đánh giá thí sinh hay cuộc thi đó như thế nào mà nhìn nhận việc họ làm được gì sau cuộc thi".

Từ năm 2009, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ban hành quy chế, mỗi năm ở Việt Nam chỉ tổ chức tối đa một cuộc thi sắc đẹp có quy mô toàn quốc, được gọi tên là Hoa hậu. Còn với các cuộc thi người đẹp khác của các vùng, tỉnh, ngành, đoàn thể Trung ương, Bộ sẽ căn cứ theo tiêu chí, tính chất của từng cuộc thi để cho phép tổ chức mỗi năm không quá 3 lần.

Hoàng Dung


Giày Đại Phát solution
Số người online:
26107
Số người truy cập:
9028475