Ngành kinh doanh sắc đẹp ngày một thoái trào

Hơn nửa thế kỷ nay, sắc đẹp là đối tượng của ngành kinh doanh thu về nhiều triệu đô mỗi năm. Nhưng sự hờ hững của công chúng cũng như giới truyền thông đối với các cuộc thi nhan sắc những năm gần đây đã khiến người ta nghi ngờ, liệu trong tương lai, đấu trường sắc đẹp có còn là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ông chủ lớn.

Các cuộc thi nhan sắc thu hút hàng trăm thí sinh mỗi năm. Trong ảnh, người đẹp Venezuela - Ivian Sarcos - khóc khi giành chiến thắng tại Miss World 2011. Ảnh: MW.

Miss World 2011Miss Universe 2011 là những ví dụ điển hình cho sự thoái trào của ngành kinh doanh sắc đẹp hiện nay.

Miss Universe là sản phẩm hợp tác giữa NBC và ông trùm Donald Trump. NBC là cây đại thụ trong ngành phát thanh truyền hình của Mỹ và thế giới. Còn Donald Trump là ông chủ của một loạt thương hiệu được tạp chí Forbes ước tính có giá trị khoảng 200 triệu USD (nhưng Trump "cãi" rằng thương hiệu của ông phải có giá từ 3 đến 6 tỷ USD). Miss Universe ra đời tại Mỹ năm 1952. Từ năm 1996, nó thuộc quyền sở hữu của Donald Trump. NBC là hãng tin đối tác, tham gia tổ chức, thực hiện và quảng bá các kỳ Miss Universe. NBC và Trump thu về hàng triệu USD, chỉ tính riêng doanh thu quảng cáo trong các đêm chung kết được tường thuật trực tiếp và bán bản quyền phát sóng tới hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa "hai ông lớn" này không cứu vớt được thực trạng già cỗi và thiếu sức hút của cuộc thi. Năm 2011, tỷ suất người xem truyền hình của Miss Universe giảm 16% so với năm 2010. Tất nhiên, năm 2010 cũng đã giảm so với năm trước đó.

Nhà báo Sally Turner của IBTimes nhận định, tình cảnh của Miss World - đối thủ của Miss Universe - thậm chí còn thê thảm hơn. Cuộc thi sắc đẹp lâu đời nhất thế giới này xuất hiện tại Anh năm 1951, do Eric Morley sáng lập. Vào thời kỳ hoàng kim ở thập niên 1970, các đêm chung kết Miss World thu hút khoảng 25 triệu người xem tại Anh - con số tương đương với lượng khán giả World Cup hoặc đám cưới Hoàng gia. Nhưng năm 2011, không một kênh truyền hình nào tại Anh nhận tường thuật trực tiếp đêm chung kết Miss World, diễn ra vào 6/11, dù kỳ này, cuộc thi tổ chức tại chính London. Người dân Anh nếu muốn xem Miss World chỉ có thể tìm kiếm vài trang tường thuật online trên Internet. Tệ hơn, trong khi chung kết Hoa hậu Thế giới đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Earls Court, khoảng 200 phụ nữ Anh đã tụ tập biểu tình bên ngoài để chống đối cuộc thi. Họ giương cao khẩu hiệu ‘Chúng tôi không đẹp, chúng tôi không xấu, chúng tôi đang điên lên đây’ (We’re not beautiful, We’re not ugly, We’re angry) - khẩu hiệu từng khiến các nhà tổ chức Miss World mất ăn mất ngủ hơn 40 năm trước - khi cuộc thi diễn ra tại Anh năm 1970.

Miss World 2011 vấp phải biểu tình (ảnh dưới), tương tự như Miss World 1970 (ảnh trên), khi cuộc thi đều được tổ chức tại London, Anh. Ảnh: GB.

Sức hấp dẫn của Hoa hậu Thế giới suy giảm thậm tệ dù Ban tổ chức đã rất nỗ lực đổi mới trong kỳ Miss World 2011. Theo BBC, thí sinh Hoa hậu Thế giới 2011 có học vấn và nhận thức khá cao chứ không chỉ là những cô gái "chân dài tóc vàng hoe" như ở nhiều cuộc thi sắc đẹp khác. Ban tổ chức khẳng định, ba phần tư trong số 133 thí sinh tham dự đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học. 3 cô gái giành danh hiệu cao nhất cũng là các cử nhân: Hoa hậu Ivian Sarcos tốt nghiệp ngành Quản trị nhân lực, Á hậu 1 Gwendoline Ruais đang là sinh viên ngành Marketing còn Á hậu 2 Amanda Vilanova dự định lấy bằng thạc sĩ ngành Văn học so sánh.

Cây bút Mary Beard của BBC nhận xét, cuộc tranh luận tại Đại học Cambridge là một trong những sự kiện nổi bật và khác biệt nhất tại Miss World 2011. Theo quan sát của Beard, tại đây, các người đẹp không chỉ nói chuyện sáo rỗng kiểu “vẻ đẹp nội tâm quan trọng hơn vẻ đẹp bề ngoài” mà họ thực sự bàn đến các vấn đề xã hội. Tham vọng của họ không còn quanh quẩn trong chuyện “đi du lịch và lập gia đình” mà họ ước mơ trở thành luật sư, kiến trúc sư, nhà ngoại giao, thậm chí là bà chủ của một hãng truyền hình. Sở thích văn học của các mỹ nhân cũng không phải là tiểu thuyết Sydney Seldon mà đa dạng và uyên bác hơn nhiều. Một số thí sinh chọn Shakespeare, Garcia Marquez hoặc Umberto Eco, Hoa hậu Hy Lạp thích The Picture of Dorian Gray (Oscar Wilde), Hoa hậu Bulgaria và Bosnia Herzegovina mê Anna Karenina (Leo Tolstoy).

Các cuộc thi hoa hậu bị đánh giá là lỗi thời vì chỉ đề cao vẻ đẹp bề ngoài. Trong ảnh: Miss Universe 2008 Dayana Mendoza và Miss Universe 2010 Jimena Navarette. Ảnh: MU.

Bất luận những điều đó, sự thất sủng của các cuộc thi sắc đẹp vẫn là thực tế không thể phủ nhận. Bởi tỷ suất người xem là con số không biết nói dối. Có khá nhiều nguyên nhân lý giải cho sự thoái trào của các cuộc thi nhan sắc già cỗi này.

Thứ nhất, ý tưởng đề cao sắc đẹp phụ nữ ngày càng trở nên lỗi thời trong các xã hội văn minh. Các cuộc thi hoa hậu, đúng như mục đích của nó, dường như chỉ dành cho một thiểu số người xinh đẹp trong xã hội nhưng lại gây áp lực cho phần đông người thiếu nhan sắc còn lại. Nó thậm chí còn tác động xấu đến phụ nữ khi vô tình tuyên truyền ăn kiêng giảm cân, khuyến khích chỉnh sửa thẩm mỹ

Thứ hai, theo IBTimes, những mỹ nhân dự thi cũng được đánh giá dựa trên vẻ ngoài chứ không phải tài năng hay phẩm cách mà họ sở hữu. Theo đó, phái đẹp không được nhìn nhận bằng giá trị thực mà được coi như là “thứ” để người ta ngắm nghía. Điều này từ lâu đã bị đánh giá là sự xúc phạm đến nhân cách phụ nữ.

Thứ ba, xét về phương diện là một hình thức giải trí, thì các cuộc thi Hoa hậu với những trò nhàm chán như thi áo tắm, trang phục dạ hội, ứng xử… đã trở nên cũ rích so với sự nở rộ của các gameshow truyền hình, đặc biệt là các chương trình truyền hình thực tế.

Tóm lại, sau nửa thế kỷ tồn tại, các cuộc thi sắc đẹp được chẩn đoán chưa chết hẳn nhưng đã đến lúc phải dùng thiết bị hỗ trợ sự sống.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3131
Số người truy cập:
9036110